Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo với số dân 2,4 triệu người, trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù nhằm tạo chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực.

Chính phủ đặt các mục tiêu như giảm tỷ lệ hộ nghèo của 61 huyện xuống dưới 40% vào năm 2010 (theo chuẩn nghèo được quy định năm 2005), cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng...

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh vào năm 2015, của khu vực vào năm 2020. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện sẽ tăng từ 25% năm 2010 lên trên 40% năm 2015, trên 50% năm 2020.

Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập

Điểm nổi bật của gói giải pháp tạo đột phá về xóa đói nghèo đối với 61 huyện là các chính sách cụ thể về hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Chính phủ sẽ hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, hỗ trợ lần đầu giống cây lâm nghiệp từ 2 - 5 triệu đồng/ha.

Đến cuối năm 2006, cả nước có 61 huyện (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm).

Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực để ưu tiên phát triển vùng này, nhưng mức độ chuyển biến còn chậm, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3,5 lần bình quân cả nước.

Các hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất còn được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực, được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha/hộ để tận dụng tạo đất sản xuất lương thực trong khu vực diện tích rừng nhận khoán...

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại nhà nước để trồng rừng sản xuất, để phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản...

Đối với vùng còn đất có khả năng khai hoang, Chính phủ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đất khai hoang, cũng như hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đất phục hóa, 10 triệu đồng/ha ruộng bậc thang.

Hỗ trợ 1 lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; ưu tiên hỗ trợ trồng lúa lai, ngô lai.

Các hộ nghèo được hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề như được vay vốn tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% (1 lần) trong 2 năm để mua giống, 1 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuôi hoặc tạo diện tích nuôi trồng thủy sản...

Chính phủ cũng hỗ trợ mỗi huyện 100 triệu đồng/năm để xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhất là nông, lâm, thủy đặc sản của địa phương, thông tin thị trường cho nông dân.

Mỗi năm phấn đấu đưa 7.500 - 8.000 người ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động

Một trong những điểm đáng chú ý trong gói giải pháp là việc hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa, đào tạo định hướng để lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động với mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 7.500 - 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (bình quân 10 lao động/xã).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có các chính sách đặc thù về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí cho các huyện nghèo, chính sách cán bộ, chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng...

Theo Nghị quyết, các Bộ, ngành sẽ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy định cụ thể và tổ chức hướng dẫn các huyện xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong tháng 2-2009.

Mỗi Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước được khuyến khích nhận giúp đỡ ít nhất 1 huyện nghèo để đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề miễn phí và nhận lao động vào làm việc.../.