Ngày 12-1 vừa qua, liên minh cầm quyền ở Ðức đạt được hiệp định về gói kích thích kinh tế mới trị giá 50 tỉ ơ-rô (67 tỉ USD) nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vượt qua cuộc suy thoái kinh tế được coi là tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Dưới đây là một số gói kích thích kinh tế đã được chính phủ ở một số nước châu Âu công bố nhằm giúp khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính.

Liên hiệp châu Âu (EU): Ngày 26-11-2008, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị gói kích thích tài chính của EU trị giá 200 tỉ ơ-rô, chiếm 1,5 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khối này.

Pháp: Pháp đã công bố gói kích thích trị giá 26 tỉ ơ-rô. Ngày 31-12-2008, Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di nói rằng Pa-ri sẵn sàng bơm thêm số tiền lớn hơn con số này cho nền kinh tế. Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết, kế hoạch nói trên sẽ tạo ra từ 80 nghìn đến 100 nghìn việc làm mới. Gói kích thích kinh tế nói trên dành 10,5 tỉ ơ-rô cho kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và hỗ trợ các chính quyền địa phương.

Ðức: Ngày 12-1 vừa qua, Thủ tướng Ðức An-giê-la Méc-ken và những đối tác trong Liên minh Dân chủ xã hội đã đồng ý gói kích thích kinh tế thứ hai trị giá 50 tỉ ơ-rô. Gói kích thích này bao gồm đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở và giáo dục, khuyến khích mua xe ô-tô mới và chi trả 100 ơ-rô/trẻ em ở Ðức. Trước đó, Ðức đã thông qua một loạt biện pháp trị giá 30 tỉ ơ-rô, chiếm 1,3% GDP. QH nước này cũng đã thông qua việc tăng khoản vay nợ mới của chính phủ trong năm 2009, từ 10,5 tỉ ơ-rô lên 18,5 tỉ ơ-rô.

Anh: Nước này cam kết chi 500 triệu bảng Anh (754 triệu USD) để khắc phục nạn thất nghiệp đang tăng. Số tiền cam kết này là một phần trong 20 tỉ bảng Anh (29,91 tỉ USD) của gói tài chính đã được công bố tháng 11 năm ngoái. Các công ty ở nước này sẽ nhận 2.500 bảng Anh (3.767 USD) để tuyển nhân viên mới - những người đã bị thất nghiệp hơn sáu tháng. Gói kích thích kinh tế đưa ra tháng 11 năm ngoái bao gồm cắt giảm thuế và ba tỷ bảng chi tiêu vốn, chiếm khoảng 1% GDP. Kế hoạch này nhằm ngăn chặn tăng trưởng kinh tế giảm 0,5% điểm, bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 17,5% xuống còn 15% cho đến cuối năm nay.

Hung-ga-ry: Tháng 11-2008, Hung-ga-ry công bố gói kích thích kinh tế trong hai năm trị giá 1,4 nghìn tỷ pho-rin (6,9 tỉ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 680 tỉ pho-rin được dành cho các xí nghiệp nhỏ và vừa, 260 tỷ pho-rin dùng để cho vay. Tháng 11 cùng năm, Hungary đã đồng ý gói cứu trợ trị giá 25 tỉ USD với Quỹ Tiền tệ quốc tế và EU.

I-ta-li-a: Nước này đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 80 tỉ ơ-rô bao gồm nhiều biện pháp nhằm giúp các gia đình và những công ty bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính. Những biện pháp này bao gồm tạm thời không quy định giá năng lượng và thu lệ phí đường bộ, dành 2,4 tỉ ơ-rô giảm thuế cho các gia đình nghèo.

Hà Lan: Chính phủ thông báo đã "bơm" khoảng 6 tỉ ơ-rô để kích thích nền kinh tế.

Na Uy: Chính phủ nước này cho biết sẽ chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được từ dầu mỏ trong năm nay so với những năm trước đây để tránh lâm vào suy thoái. Na Uy sẽ sớm công bố gói kích thích kinh tế trong năm nay.

Bồ Ðào Nha: Cuối năm ngoái Bồ Ðào Nha đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá chưa đến 2,2 tỉ ơ-rô nhằm tăng GDP theo kế hoạch lên 0,7% điểm trong năm 2009. Nước này sẽ tập trung đầu tư vào các trường học, công nghệ và các nguồn năng lượng thay thế.

Tây Ban Nha: Trong sáu tháng qua, Tây Ban Nha đã thông báo nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng thất nghiệp gia tăng, trong đó có gói kích thích trị giá 38 tỉ ơ-rô. Chính phủ Tây Ban Nha cho biết, nước này sẽ chi thêm 11 tỉ ơ-rô cho các việc làm công cộng và các biện pháp kích thích khác để tạo ra 300 nghìn việc làm. Ngành chế tạo ô-tô sẽ được cứu trợ 800 triệu ơ-rô.

Thụy Ðiển: Ngày 5-12-2008, Thụy Ðiển công bố gói kích thích kinh tế trị giá một tỷ USD. Thủ tướng Thụy Ðiển Fredrik REINFELDT cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế của nước này lớn hơn so với những bước mà EU đề nghị là chiếm 1,2% GDP. Gói kích thích kinh tế của Thụy Ðiển chiếm gần 3% GDP của nước này./.