Sau một ngày rưỡi làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị cấp cao ASEAN - 16 với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động" đã thành công tốt đẹp. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 đã họp báo thông báo kết quả hội nghị với đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.
 
Thủ tướng khẳng định: Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN - 16, HNCC đầu tiên trong năm 2010 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động", hội nghị đã tập trung trao đổi về các vấn đề: Triển khai Hiến chương và xây dựng Cộng đồng ASEAN; hợp tác ứng phó các thách thức toàn cầu; quan hệ đối ngoại của ASEAN và vai trò ASEAN ở khu vực. Ngoài ra, hội nghị cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thủ tướng thông báo những nội dung chính của hội nghị: Về xây dựng Cộng đồng và triển khai Hiến chương, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hành động hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Về phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, Hội nghị đã trao đổi ý kiến sâu rộng và nhất trí thông qua "Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững", trong đó đề ra phương hướng và biện pháp hợp tác ASEAN, nhất là tập trung đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN, coi trọng gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội cũng như đẩy mạnh giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế - tài chính Ðông Á, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu cho phục hồi và phát triển bền vững. Về hợp tác ứng phó các thách thức toàn cầu, các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh hợp tác ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức toàn cầu khác, nhất là biến đổi khí hậu. Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố ASEAN về ứng phó biến đổi khí hậu". Theo đó, ASEAN sẽ gia tăng hợp tác, thông qua kế hoạch và biện pháp cụ thể, gắn kết các chương trình hành động quốc gia; đồng thời cam kết đóng góp tích cực cho nỗ lực chung toàn cầu hướng tới đạt một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc về pháp lý về biến đổi khí hậu. Tuyên bố cũng hoan nghênh hợp tác ở Mê Công và các tiểu vùng khác trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. Hội nghị nhất trí cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang nổi lên. Theo đó, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN cũng nhất trí cần đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của Hiệp hội với các đối tác thông qua các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1, tăng cường hoạt động của các diễn đàn khu vực hiện có trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo, như ASEAN+3, EAS, ARF...

Các nước ASEAN ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN, tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm G-20 trong năm 2010 và Chủ tịch ASEAN sẽ tiếp tục tham dự G-20 như một cơ chế thường xuyên.

Thủ tướng cho biết, nhân dịp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã có cuộc gặp với đại diện của Ðại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) để trao đổi ý kiến về phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác giữa kênh hành pháp (ASEAN) và kênh lập pháp (AIPA); nhất trí giao cho hai Ban Thư ký ASEAN và AIPA bàn và khuyến nghị cụ thể về biện pháp và cách thức triển khai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội của ASEAN cũng đã bàn và thống nhất một số vấn đề quan trọng, trong đó có ba điểm nổi bật: Các Bộ trưởng Ngoại giao đã ký Nghị định thư về Giải quyết tranh chấp, tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý theo quy định của Hiến chương ASEAN. Các Bộ trưởng Kinh tế đã thống nhất các biện pháp đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác kinh tế, nhất là tăng cường công tác giám sát việc thực thi. Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã thống nhất về nguyên tắc việc thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN và cam kết thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và Ðầu tư (CGIF) vào tháng 5-2010. Các Bộ trưởng phụ trách trụ cột Văn hóa - Xã hội đã thống nhất xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác; tổ chức Lễ ra mắt Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ Quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC), để góp phần tăng cường hợp tác ASEAN trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.

Thủ tướng khẳng định, HNCC ASEAN - 16 đã thành công tốt đẹp, đề ra được định hướng quan trọng cho hợp tác ASEAN trong năm 2010. Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, tích cực cùng các nước thành viên ASEAN trong việc đề xuất các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN, thể hiện qua hai Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững và Tuyên bố về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị lần này.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010, đã trả lời câu hỏi của các phóng viên trong nước và quốc tế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về việc tại Hội nghị này, ASEAN có bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mê Công không? Quan điểm của ASEAN về kết quả Hội nghị cấp cao Ủy hội Mê Công tại Thái-lan vừa qua? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hợp tác phát triển Tiểu vùng Mê Công luôn là một trong những ưu tiên của ASEAN. Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo ASEAN đã bàn nhiều nội dung liên quan phát triển Mê Công, trong đó có tăng cường kết nối về hạ tầng, thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực Mê Công cùng với việc lồng ghép vấn đề bảo tồn môi trường tự nhiên ở lưu vực Mê Công với nỗ lực chống biến đổi khí hậu. ASEAN cũng rất hoan nghênh kết quả tích cực của Hội nghị cấp cao lần thứ nhất các nước Ủy hội Mê Công tại Hủa Hin, Thái-lan ngày 4 và 5-4 vừa qua, bày tỏ ủng hộ cam kết của các nước Ủy hội sông Mê Công (MRC) trong việc tăng cường hợp tác sử dụng, quản lý và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên của dòng Mê Công.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Ðài BBC (Anh) về  chủ đề Biển Ðông được các lãnh đạo ASEAN  đề cập như thế nào tại Hội nghị lần này? Liệu có đạt được thỏa thuận gì hay không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên Biển Ðông là lợi ích chung và là mối quan tâm lớn của các nước ASEAN cũng như các nước trong khu vực. Các nước liên quan đã xây dựng nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và cùng hợp tác ở khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (gọi tắt là DOC). DOC là văn kiện quan trọng được ký giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác. Các bên liên quan đều đã khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện DOC. Hiện nay, các bên liên quan đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết này. Các quan chức ASEAN và Trung Quốc sẽ sớm nhóm họp để bàn biện pháp thúc đẩy triển khai DOC. Tôi tin tưởng rằng, với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC, cũng như Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, góp phần thiết thực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Ðông.

Về câu hỏi của phóng viên hãng Reuters (Anh): Ngài Thủ tướng vừa có chuyến thăm Myanmar. Với tư cách cá nhân và là Chủ tịch ASEAN, Ngài có  hài lòng về kế hoạch bầu cử của Myanmar không? Hội nghị lần này có bàn về tình hình Myanmar và cuộc bầu cử tại Myanmar trong năm 2010 không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Cùng là thành viên ASEAN và láng giềng trong khu vực, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn quan tâm theo dõi tình hình xây dựng và phát triển đất nước của Myanmar. Tại Hội nghị cấp cao này, Ngài Thủ tướng Myanmar Thên Sên cũng chia sẻ với chúng tôi về những diễn biến gần đây ở Myanmar, trong đó có công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức trong năm 2010. Trong chuyến thăm vừa qua tới Myanmar, ngoài trao đổi về hợp tác song phương, tôi, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, đã chuyển tới lãnh đạo Myanmar mối quan tâm của quốc tế và ASEAN mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả Lộ trình dân chủ, vì hòa giải và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ, với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó, sớm ổn định và tập trung phát triển đất nước. ASEAN luôn khẳng định ủng hộ Myanmar tích cực hội nhập khu vực và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ Myanmar khi có yêu cầu và theo tinh thần của Hiến chương ASEAN.

* Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, chủ nhà tổ chức HNCC ASEAN-16, Việt Nam ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về kết quả hội nghị. Với 56 đề mục, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2010 nhấn mạnh: Những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của các quốc gia thành viên ASEAN, cùng có mặt ở Hà Nội để tham dự HNCC ASEAN - 16 vào ngày 8 và 9-4-2010, đã thảo luận sâu rộng, cởi mở và hiệu quả về nhiều vấn đề theo chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động"; hài lòng về những tiến bộ đạt được trong việc triển khai Hiến chương ASEAN và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và khẳng định lại những cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả các văn kiện này thông qua các biện pháp và hành động cụ thể; cam kết tăng cường hợp tác nhằm đẩy mạnh liên kết khu vực và giải quyết các thách thức toàn cầu vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN với các đối tác bên ngoài trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, nâng cao liên kết nội khối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối trong ASEAN và mở rộng kết nối ASEAN ra cả khu vực.

Tuyên bố cho biết, HNCC ASEAN-16 đã thảo luận sâu rộng về tình hình kinh tế, tài chính thế giới và ảnh hưởng của nó đối với khu vực ASEAN; nhất trí tiếp tục ủng hộ khuôn khổ G-20 để hướng tới sự phát triển mạnh, bền vững và ổn định; đánh giá cao thông lệ tốt của G-20 trong việc tham vấn một số tổ chức khu vực để nâng cao tính đại diện và phản ánh được nhiều hơn các quan điểm, cách tiếp cận; tin tưởng mạnh mẽ rằng, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, và các Chủ tịch kế tiếp của ASEAN sẽ tiếp tục được mời đến dự các Hội nghị của G-20 năm nay và các năm sau để chia sẻ những ý kiến có tính xây dựng, quan điểm và kinh nghiệm của ASEAN.

 
Tuyên bố tái khẳng định cam kết sớm kết thúc thành công Vòng đàm phán Ðô-ha với kết quả toàn diện và cân bằng, mang lại lợi ích cho tất cả các bên và bảo đảm Vòng Ðô-ha là vòng đàm phán vì phát triển. Tuyên bố kiên quyết bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ và duy trì chính sách mở cửa đối với thương mại khu vực và quốc tế. Tuyên bố hoan nghênh tất cả nỗ lực quốc tế trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, trong đó có việc triệu tập Hội nghị cấp cao về An ninh hạt nhân tại Washington và Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân sắp tới tại Niu Oóc (Hoa Kỳ).

Tuyên bố nhắc lại cam kết xây dựng một ASEAN lấy người dân làm trung tâm thông qua sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân trong tiến trình xây dựng cộng đồng.

Tuyên bố hoan nghênh Việt Nam đăng cai Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khu vực Ðông Á tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 6 và 7-6-2010). Là một trong những sự kiện khu vực quan trọng của WEF, WEF Ðông Á 2010 tại Việt Nam sẽ trở thành nền tảng tốt cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và các nhà hoạt động chính sách khắp châu Á, trong đó có các nước ASEAN để trao đổi quan điểm về tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; để thảo luận và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Tuyên bố nhất trí với việc hoán đổi vai trò Chủ tịch ASEAN giữa Indonesia và Brunei Darussalam và hoan nghênh Indonesia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2011, đồng thời khẳng định sự hoán đổi nêu trên sẽ không là tiền lệ trong tương lai.