TCCSĐT- Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nỗ lực huy động các nguồn lực của toàn xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2010.

1- Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 - 20101 

Trong 3 ngày, từ 30-3 đến 1-4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3-2010, nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) quý I-2010, đề ra các giải pháp điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH 2010; xem xét cho ý kiến dự thảo Luật Viên chức, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số đề án, dự thảo nghị định, nghị quyết; các báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2009, quyết toán ngân sách năm 2008; dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và một số vấn đề khác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: KT-XH trong 3 tháng đầu năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực, giá cả tuy có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2010 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 12 và Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15-1-2010, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nỗ lực huy động các nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát trở lại và đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010.

2. Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachit thăm và làm việc tại Việt Nam

Ngày 30-3, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tiếp và nói chuyện thân mật với Ðoàn đại biểu cấp cao nước CHDCND Lào do đồng chí Bounnhang Vorachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào, dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachit. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà nhân dân các bộ tộc Lào anh em đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cùng ngày, tại Trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến với Phó Chủ tịch Bounnhang Vorachit. Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng Ðoàn thăm Việt Nam. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Bounnhang Vorachit cho rằng, hai nước cần tiếp tục cùng nhau gìn giữ, phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, hai nước càng cần hợp tác chặt chẽ, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định và phát triển, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân mỗi nước, góp phần vì đoàn kết, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

3. Ký Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan hành pháp và tư pháp

Ngày 31-3, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Lễ ký Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân nhân Tối cao. Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đã ký Nghị quyết liên tịch về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với hai cơ quan này. Đây là lần đầu tiên có văn bản quy định về phối hợp công tác ba bên.

4. Hội nghị quan chức cấp cao Mê Kông - Nhật Bản

Sáng 31-3, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao Mê Kông - Nhật Bản lần thứ 5, với sự tham gia của đại biểu 5 nước: Campuchia, Lào, Mi-an-ma (Myanmar), Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Hội nghị tập trung bàn việc triển khai các kết quả của Hội nghị cấp cao Mê Kông - Nhật Bản lần thứ nhất năm 2009, “Tuyên bố chung Tokyo” và “Chương trình Hành động 63 điểm”, giới thiệu sáng kiến “Thập kỷ Mê Kông xanh” nhằm xây dựng một Tiểu vùng Mê Kông phát triển bền vững. Tại Hội nghị lần này, Việt Nam trình bày cụ thể hai sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu trong Hội nghị quan chức cấp cao Mê Kông - Nhật Bản đó là: “Trung tâm đào tạo nghề Mê Kông - Nhật Bản” và “Dự án quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mê Kông”. Hội nghị cũng ghi nhận những bước phát triển mới trong hợp tác giữa các nước Mê Kông và Nhật Bản, thống nhất các bước triển khai cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác. Hội nghị cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng lần 3 và Hội nghị cấp cao Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 2 bên lề các Hội nghị ASEAN trong năm 2010 tại Việt Nam.

5. Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung lần thứ nhất

Chiều 2-4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã tiếp thân mật các đại biểu tham dự Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, thời gian từ ngày 31-3 đến ngày 1- 4. Diễn đàn này là một hoạt động trong chương trình Năm hữu nghị Việt - Trung, do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hiệp hội Hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc phối hợp tổ chức, nhằm tạo điều kiện để các đại biểu hai nước trao đổi không chính thức, với tinh thần xây dựng và thực chất về tình hình quan hệ Việt - Trung và về các biện pháp nhằm góp phần tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Tham dự Diễn đàn gồm các nhân sĩ, học giả, các cựu cán bộ ngoại giao, quân nhân, nhà báo, doanh nhân có uy tín, có hiểu biết sâu sắc về quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tại diễn đàn, các đại biểu hai nước đã cùng nhau trao đổi về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung đối với sự phát triển của mỗi nước, đánh giá về các thành tựu đã đạt được và những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại cần được khắc phục, nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

6. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Liên bang Mi-an-ma

Ngày 2-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đi thăm và làm việc tại Liên bang Mi-an-ma từ ngày 2 đến 4-4 theo lời mời của Thủ tướng Liên bang Mi-an-ma, Ngài Đại tướng Thên Sên (Thein Sein). Hai Thủ tướng đã trao đổi về tình hình quan hệ hai nước trong thời gian gần đây và đề ra các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác song phương nhiều mặt trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng - tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất và cung cấp thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp ô tô, xây dựng và hợp tác thương mại - đầu tư. Hai Thủ tướng đã thông qua "Tuyên bố chung về hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Mianma" với 23 điểm, trong đó nêu rõ từng nội dung hợp tác cụ thể giữa hai nước và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này, coi đó là nhân tố quan trọng nhằm không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
 
7. Bế mạc Kỳ họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU)

Kỳ họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) chính thức bế mạc chiều 1-4 tại thủ đô Băng-côc (Thái Lan), sau 6 ngày họp với sự tham gia của gần 1.300 đại biểu đến từ 131/155 nước thành viên và các tổ chức quốc tế. Tại kỳ họp IPU lần này, các đại biểu thảo luận về vai trò của quốc hội trong hòa giải chính trị và quản trị tốt; trao đổi về hợp tác quốc tế trong chia sẻ trách nhiệm đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, nhất là vấn nạn buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí và khủng bố xuyên quốc gia; vai trò của các cơ quan lập pháp trong việc phát triển hợp tác Nam - Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và sự tham gia của thanh niên trong tiến trình dân chủ. Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu nhấn mạnh, hội nghị IPU là dịp để các nước thành viên cùng đánh giá lại những kết quả và thách thức trong nỗ lực giải quyết nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh, xung đột và chia rẽ dân tộc. Chủ đề lần này đề cập tới vấn đề quản trị tốt như là một nhiệm vụ hàng đầu và cần thiết của các quốc gia, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, công bằng và minh bạch. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy vai trò của nghị viện trong hòa giải chính trị. Quốc hội Việt Nam chia sẻ quan điểm chung với các nước rằng cần phải phối hợp hành động nhằm loại trừ những nguyên nhân sâu xa gây ra các cuộc xung đột; đó chính là áp bức, đói nghèo, bất công, kỳ thị về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.

8. Kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng, Thanh Hóa

Tối 3-4, tại Quảng trường Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức mít-tinh, diễu binh, diễu hành và chương trình nghệ thuật “ Hàm Rồng - bản Anh hùng ca bất tử”. Hàng nghìn cựu chiến binh và lực lượng dân quân tự vệ xung kích đã từng tham gia chiến đấu tại đất lửa Hàm Rồng trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã về tham dự Lễ kỷ niệm này. Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh:Chiến thắng Hàm Rồng là chiến thắng nổi bật của quân và dân Thanh Hóa giúp giữ vững mạch máu lưu thông giữa hậu phương với tiền tuyến lớn, đóng góp to lớn vào Ðại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa, mà còn là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ thông minh của người Việt Nam”./.