Hoạt động trong ngày của các Phó Thủ tướng Chính phủ
TCCSĐT - Ngày 29-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
* Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” và thăm hỏi các hộ di dân thuộc dự án “Đầu tư, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Là tỉnh có địa bàn phức tạp, nhưng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã cùng nhau xây dựng, giữ vững hệ thống chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội; lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, cải thiện cơ sở, hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, đồng thời quan tâm đến công tác tu bổ, cải tạo các công trình di tích, bảo tồn di sản.
Phó Thủ tướng cho rằng văn hóa là cốt yếu, không có văn hóa thì khó có thể phát triển được du lịch, giáo dục… Tuy nhiên, làm văn hóa là một quá trình lâu dài, qua nhiều thời kỳ và đặc biệt khó khăn ở một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Thừa Thiên - Huế là địa phương phát triển hợp tác quốc tế từ sớm và bài bản, nhưng cần tiếp thu có chọn lọc để nét văn hóa đặc sắc của tỉnh được gìn giữ, phát huy hiệu quả.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại; mở rộng hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc về văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá danh hiệu “thành phố Văn hóa ASEAN”, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh từng bước mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa; khai thác hiệu quả các sản phẩm văn hóa vào phát triển du lịch...
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, các cấp ủy Đảng, cơ quan, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhận thức về xây dựng và phát triển văn hóa được nâng cao, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương trùng tu, bảo tồn, phát huy di sản bài bản nhất tại Việt Nam. Những năm qua, UNESCO đã nhiều lần đề nghị xây dựng thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) trở thành trung tâm chuẩn mực về trùng tu di sản văn hóa thế giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Để phát triển thành phố du lịch, chính quyền các cấp và người dân Thừa Thiên - Huế đã cùng nhau đẩy lùi hủ tục lạc hậu như thách cưới, cưỡng ép hôn nhân... Ngoài ra, tập tục lăn đường, khóc mướn, trừ ma hầu… trong đám tang được xóa bỏ ngay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hầu hết đảm bảo cho học sinh có thể học tập 2 buổi/ngày. Văn hóa đọc trong học đường được chú trọng, một số trường học có không gian mở, thư viện tiên tiến. Đến nay, tất cả các trường học, cơ sở giáo dục của tỉnh được kết nối sử dụng Internet; 100% cán bộ quản lý, giáo viên biết sử dụng công nghệ thông tin.
Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm hỏi, lắng nghe nguyện vọng của các hộ dân khu vực Thượng thành thuộc dự án “Đầu tư, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế”.
** Chiều 29-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ông Nobiru Adachicho biết, J Trust là một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản với các thế mạnh cung cấp dịch vụ tài chính. Hiện J Trust tham gia vào các dịch vụ ngân hàng thương mại, dịch vụ tài chính bán lẻ và dịch vụ thu nợ trên khắp châu Á, từ Mông Cổ đến Indonesia. J Trust có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong việc hỗ trợ các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn và đã khôi phục thành công một số công ty tài chính tiêu dùng, mua lại, tái cơ cấu thành công một số ngân hàng yếu kém ở Hàn Quốc, Indonesia.
Tại Việt Nam, ông Nobiru Adachi cho biết J Trust đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. Trong số 3 ngân hàng yếu kém, đã được Chính phủ mua lại với giá 0 đồng, J Trust bày tỏ quan tâm tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank), hướng đến đưa ngân hàng này thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp của Nhật Bản.
Theo ông Nobiru Adachi, nếu được đầu tư, cơ cấu lại CBBank, Tập đoàn không chỉ tham gia về vốn, mà cả công nghệ hỗ trợ nghiệp vụ và mong muốn được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để đàm phán và giao dịch thành công.
Ông cũng cho hay ông từng làm ở Bộ Tài chính Nhật Bản, có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa các dự án hỗ trợ ODA vào Việt Nam từ năm 1997 và mong muốn tiếp tục đóng góp tốt hơn cho mối quan hệ của hai nước. Nếu được cho phép đầu tư vào CBBank, J Trust sẽ cố gắng tối đa để cơ cấu thành công ngân hàng này.
Đánh giá cao kinh nghiệm của Tập đoàn J Trust trong tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng lãnh đạo của tập đoàn từng làm việc trong Chính phủ, có nhiều kinh nghiệm và đã hiểu Việt Nam, đó là điều thuận lợi.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, khả năng quản trị tốt, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém của Việt Nam.
CBBank là một trong số ngân hàng phải tái cơ cấu. Chủ trương của Chính phủ là muốn tìm đối tác để chuyển nhượng, bán lại, tham gia tái cơ cấu, kể cả hình thức mua lại ngân hàng này. Thẩm quyền quyết định việc này của Chính phủ và Thủ tướng, dưới sự tham mưu, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ cũng như các nhà đầu tư đều muốn có phương án khả thi nhất, có lợi nhất cho các bên.
Hoan nghênh sự quan tâm và nguyện vọng của tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư, cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị ông Nobiru Adachi cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với CBBank và Ngân hàng Nhà nước về phương án bản chào. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.
Nêu rõ mục tiêu của Chính phủ là sớm thực hiện cơ cấu lại CBBank, Phó Thủ tướng cho biết hiện cũng có một số nhà đầu tư quan tâm đến Ngân hàng này và đề nghị Tập đoàn J Trust cố gắng thực hiện sớm các bước liên quan.
Ngoài CBBank, Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh J Trust tham gia vào cơ cấu lại các tổ chức tín dụng khác tại Việt Nam./.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Maroc  (30/03/2019)
Ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Maroc  (29/03/2019)
Hội nghị gặp mặt cán bộ lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu  (29/03/2019)
Dự thảo báo cáo về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại Đà Nẵng  (29/03/2019)
Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2019  (29/03/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên