TCCSĐT - Sáng 09-3-2019, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hàng loạt các sự kiện ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, nhằm quảng bá văn hóa cà phê tại Thủ phủ Cà phê của Việt Nam.
Lễ hội đường phố, một trong những hoạt động trọng tâm và được người dân, du khách mong chờ nhất trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, đã chính thức diễn ra chiều 09-3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hòa mình trong Lễ hội đường phố mang tên "Tinh Hoa Đại Ngàn".

Phát biểu khai mạc Lễ hội đường phố, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, Lễ hội đường phố là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Hoạt động này nhằm tôn vinh người trồng, sản xuất, kinh doanh cà phê, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Thông qua việc giao lưu với các nước trên thế giới nhằm thể hiện ước vọng Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Chương trình là sự tôn vinh trọn vẹn cà phê và những người làm ra nó, khẳng định quá trình phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến cà phê Việt Nam.

Lễ hội đường phố năm nay với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” là chuỗi câu chuyện kể về vùng đất Tây Nguyên đại ngàn với những âm hưởng: Thâm trầm, thăng hoa, bùng nổ, quyến rũ được thể hiện bằng màn trình diễn ấn tượng của các đoàn nghệ nhân cùng với đoàn diễu hành của giới trẻ, các doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, những hạt cà phê Buôn Ma Thuột hội tụ tinh hoa đất trời, lan tỏa khắp nơi, kết nối những người yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới. Sau các tiết mục hòa tấu cồng chiêng và múa xoang, tổ khúc nghệ thuật “Mạch nguồn tinh hoa đại ngàn”, chương trình diễu hành xuất phát từ Trung tâm Ngã Sáu và đi qua các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, kết thúc tại quảng trường 10-3, thu hút hàng ngàn du khách và người dân. 

Dẫn đầu diễu hành là đoàn xe của Ban Tổ chức, sau đó được tiếp nối với sự xuất hiện của đàn voi Tây Nguyên chở trên lưng những hạt cà phê mang theo những dấu ấn về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất này; sự xuất hiện của dàn chiêng đại diện của các dân tộc Ê Đê, Xê Đăng, Mường…Chương trình diễu hành còn có đoàn diễu hành mang hình ảnh các quốc gia có vùng nguyên liệu cà phê tốt nhất trên thế giới và các quốc gia có mức tiêu thụ cà phê nhiều nhất; đội hình hóa trang các nhân vật nổi tiếng đã góp phần thay đổi thế giới và có một tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt với cà phê. Bên cạnh đó, chương trình diễu hành còn gây ấn tượng mạnh với sự xuất hiện của những nông dân, công nhân trồng và sản xuất, chế biến cà phê - những người đã vất vả làm nên giá trị của cà phê, làm giàu cho bản thân và kết nối cộng đồng, thế giới. Tham gia chương trình diễu hành, ngoài các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, còn có 10 hoa hậu, người đẹp, 200 diễn viên múa, 50 diễn viên xiếc, 20 ca sĩ, 50 người mẫu chuyên nghiệp, 300 nghệ sĩ cùng 800 học sinh, sinh viên. 

Trước đó, sáng 09-3, Triển lãm “Lịch sử Cà phê thế giới” đã chính thức được khai mạc tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức triển lãm “Lịch sử Cà phê thế giới” với mong muốn tinh hoa cà phê Buôn Ma Thuột được lan tỏa. Hoạt động này tiếp tục khẳng định Bảo tàng Thế giới Cà phê là một bảo tàng sống về văn hóa cà phê toàn cầu. Nơi đây đã, đang và sẽ luôn là địa điểm lý tưởng để những người yêu và đam mê cà phê khám phá, lan tỏa tinh hoa thế giới cà phê, góp phần gia tăng giá trị văn hóa của cà phê Buôn Ma Thuột cũng như cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. 

Triển lãm diễn ra từ ngày 09 đến ngày 16-3-2019 với 03 chuyên đề chính: Cà phê khởi nguồn, cà phê tín ngưỡng, cà phê và cách mạng khoa học kỹ thuật. Hơn 10.000 hiện vật, tranh ảnh được chọn lọc, trưng bày tại triển lãm nhằm tái hiện và tôn vinh lịch sử cà phê trong tiến trình phát triển của thế giới, đưa khách tham quan lãng du qua các câu chuyện về cà phê từ thời kỳ cổ đại, thời kỳ trung cổ và phong kiến, đến thời kỳ tư bản và kéo dài cho đến ngày nay. Trong đó, phải kể đến các hiện vật đặc trưng như: Cối giã cà phê, máy rang cà phê, máy xay cà phê bằng tay và các loại lọc cà phê, máy xay và pha cà phê bằng điện, máy xay tự động, máy bán cà phê tự động, hiện vật tiêu biểu theo sự phát triển của công nghệ rang, xay và pha chế cà phê cùng các tranh, ảnh miêu tả về cảnh thu hái cà phê, thưởng thức cà phê, các quán cà phê…

Tương ứng với chuyên đề “Cà phê khởi nguồn”, Triển lãm tái hiện câu chuyện về sự xuất hiện của cà phê ở thời kỳ cổ đại, khi ấy cà phê là một sản phẩm được dùng để ăn, dùng để uống và dùng để cúng. Giai đoạn tiếp theo là “Cà phê tín ngưỡng”, tương ứng với thời kỳ trung cổ và phong kiến, thời kỳ cà phê được con người trân quý, xem cà phê là thức uống của thần linh, để khai thông tinh thần cho các tín đồ. Giai đoạn “Cà phê và cách mạng khoa học kỹ thuật” tương ứng với thời kỳ tư bản kéo dài cho đến ngày nay, phát triển từ việc sản xuất phải dùng tay đến việc dùng điện và tự động hóa trong cách mạng 4.0.

Tại khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “44 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột - Những chặng đường lịch sử”.

Với 200 hình ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật, Triển lãm giới thiệu đến người dân và du khách bốn chủ đề chính gồm: Buôn Ma Thuột - Trận đánh lịch sử, bao gồm những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về trận đánh Buôn Ma Thuột, những câu chuyện, hồi ức của những người đã trực tiếp cầm súng tham gia các trận đánh, giải phóng Buôn Ma Thuột; bức tranh tự nhiên, kinh tế-xã hội Đắk Lắk qua 44 năm; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các sản phẩm nông-lâm-công nghiệp thế mạnh và tiềm năng của tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kdoh cho biết: "Triển lãm ảnh “44 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột - Những chặng đường lịch sử ” nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, có ý nghĩa thiết thực, nhân văn cao cả, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam.

Triển lãm đưa người dân và du khách ngược dòng lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận đầy đủ và hiểu rõ hơn về sức mạnh và tinh thần đoàn kết, gan dạ, mưu trí của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập dân tộc. 44 năm qua, quân và dân Đắk Lắk tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975, đoàn kết chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Lắk phát triển toàn diện về nhiều mặt, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột ngày càng văn minh, hiện đại, trở thành đô thị của trung tâm vùng Tây Nguyên".

Triểm lãm ảnh “44 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột - Những chặng đường lịch sử” là hoạt động trong khuôn khổ các chương trình của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 năm 2019 và kỷ niệm 44 năm giải phóng Buôn Ma Thuột.

Cũng trong sáng 09-3, Đường sách Cà Phê Buôn Ma Thuột cũng đã được tổ chức nhằm quảng bá văn hóa cà phê và văn hóa đọc sách tại Thủ phủ Cà phê của Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ Khai trương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng, cho biết, Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột là điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hóa ngay tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột - Thủ phủ cà phê Việt Nam. Góp phần quảng bá văn hóa đọc, văn hóa cà phê và văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, từ đó giáo dục lòng tự hào và tình yêu quê hương xứ sở.

Dọc đường sách là các bức tranh bích họa về vùng đất, con người, văn hóa, cảnh đẹp của Đắk Lắk, mang đậm bản sắc các dân tộc Tây Nguyên. Cùng với đó là không gian thưởng thức văn hóa cà phê được cách điệu từ kiến trúc nhà dài truyền thống của người Ê đê bản địa.

Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột còn là điểm diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật dân gian như trình diễn nhạc cụ dân tộc, viết thư pháp… tạo không gian trải nghiệm hấp dẫn, thú vị và đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các tác giả với độc giả, giới thiệu tác phẩm mới, sáng tác mới, từ đó ươm mầm phát hiện các tài năng trẻ, đỡ đầu cho các tác phẩm mới, tạo dựng thói quen, cách thức đọc sách, niềm đam mê với sách. Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.