Agribank tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019
TCCSĐT - Ngày 16-01, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019. Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tới dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, bộ, ban, ngành, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía Agribank, có đồng chí Trịnh Ngọc Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; đồng chí Tiết Văn Thành, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc; các thành viên Hội đồng thành viên, các thành viên Ban Điều hành, lãnh đạo các đơn vị Trụ sở chính và Chi nhánh Agribank trên toàn hệ thống.
Đồng chí Tiết Văn Thành, thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Agribank trình bày báo cáo
Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động năm 2018, đồng chí Tiết Văn Thành, thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc nêu rõ, bám sát định hướng của Chính phủ và NHNN về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ghi dấu mốc tròn 30 năm thành lập, cũng là tròn 05 năm kể từ thời điểm Agribank bắt đầu quá trình tái cơ cấu, kết thúc năm 2018, Agribank hoàn thành toàn diện vượt mức 100% kế hoạch đề ra, đạt kết quả đầy ấn tượng, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng để Agribank thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 tiến tới cổ phần hóa.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, đây là sự bứt phá kỷ lục của Agribank so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 1.300.000 tỷ đồng; nguồn vốn đạt gần 1.200.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8%; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.200.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước, trong đó tín dụng đầu tư cho “Tam nông” chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank; dịch vụ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 21%; nợ xấu theo Thông tư 02 là 1,51%, thấp hơn so với năm 2017; thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỷ đồng, đạt 104% mục tiêu do Hội đồng Thành viên đề ra; trích lập dự phòng rủi ro đạt 25.590 tỷ đồng; tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.
Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%. Agribank triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.
Agribank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng đối với khách hàng. Ngay từ đầu năm 2018, Agribank đã chủ động giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với 05 lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng của Nhà nước. Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, Agribank còn triển khai 05 gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân và cá nhân với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Với mong muốn tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng cho mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, trong năm 2018, Agribank triển khai an toàn, hiệu quả Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng (đã triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 2.746 phiên, phục vụ gần 300.000 khách hàng tại 357 xã trên toàn quốc, doanh số giao dịch đạt 3.500 tỷ đồng), trên 58.000 tổ vay vốn, phát triển dịch vụ tài chính vi mô, cho vay gần 4 triệu khách hàng hộ sản xuất và cá nhân… Agribank cung cấp trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, trong đó không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Agribank hiện đang cung cấp 40 sản phẩm huy động vốn, 47 sản phẩm cấp tín dụng, 18 sản phẩm thanh toán trong nước, 48 sản phẩm thanh toán quốc tế, 13 sản phẩm kinh doanh vốn, 52 sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại (21 sản phẩm thẻ, 31 sản phẩm E-Banking), 6 sản phẩm dịch vụ ngân quỹ…
Quang cảnh Hội nghị
Năm 2018 cũng là mốc tròn 05 năm kể từ thời điểm Agribank bắt đầu quá trình tái cơ cấu. Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg, ngày 01-3-2012, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 53/QĐ-NHNN, ngày 15-11-2013, của Thống đốc NHNN, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 với nhiều biến chuyển tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng: Tập trung đầu tư cho “Tam nông”; Xử lý nợ xấu; Thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn; Cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ... Tất cả đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng. Bước vào triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, áp dụng những bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1, tiếp tục thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đến năm 2018, Agribank cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại: Mạng lưới tiếp tục được sắp xếp lại, hệ thống cơ chế, chính sách được rà soát, chỉnh sửa theo hướng đổi mới trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là cơ chế về lao động, kế hoạch, tài chính, tín dụng góp phần nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, tạo động lực cho người lao động và hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh; Chủ động triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng thực thi khi có quyết định phê duyệt; Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra; Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các NHTM khác về lãi suất cho vay. Agribank tiếp tục về đích trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thông qua triển khai nhiều hoạt động vì cộng đồng, ưu tiên các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục, y tế, đường giao thông nông thôn, hỗ trợ cộng đồng...
Những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nền kinh tế đất nước, ghi dấu chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, năm 2018, Agribank vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ. Agribank là Ngân hàng đứng đầu trong Top 10 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2018; Thương hiệu Quốc gia; Giải thưởng Sao Khuê; Ngân hàng vì Cộng đồng; Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm Agribank với tương lai phát triển ổn định, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu Agribank trong và ngoài nước.
Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cũng chia sẻ về những khó khăn hiện nay của Agribank trong việc bổ sung vốn điều lệ (hiện vốn điều lệ của Agribank đang ở mức thấp nhất so với các ngân hàng thương mại lớn khác, đến cuối 2018 mới đạt 30.470 tỷ đồng); Công tác cổ phần hóa chậm so với tiến độ đề ra; Cho vay nông nghiệp, nông thôn thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao trong khi lãi suất cho vay ưu đãi thấp. Agribank phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng thương mại khác trong huy động vốn đáp ứng nhu cầu cho vay… Mặc dù Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tuy nhiên hoạt động này cũng còn gặp những khó khăn, vướng mắc từ thực tế triển khai…
Hội nghị cũng đã nghe Chủ tịch Hội đồng Thành viên Trịnh Ngọc Khánh tổng kết công tác quản trị điều hành. Có thể nói, kết quả đạt được năm 2018 đã minh chứng cho công tác quản trị điều hành thời gian qua của Agribank. Đến hết năm 2018, các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra đều tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu. Agribank thực sự vượt qua thời kỳ khó khăn, đứng vững trong cạnh tranh.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN đánh giá cao kết quả đạt được rất ấn tượng của Agribank trong năm 2018, đây cũng là kết quả của cả quá trình hoạt động của Agribank thời gian qua. Đồng chí Thống đốc NHNN khẳng định, những kết quả Agribank đạt được đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của toàn ngành Ngân hàng được Chính phủ ghi nhận. Agribank tiếp tục khẳng định được vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường tài chính ngân hàng, đặc biệt là đầu tư tín dụng, cung ứng sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có đóng góp tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Agribank đã đạt vượt mức toàn diện kế hoạch đặt ra đầu năm 2018, lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay; triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách, áp dụng thành công mô hình Ngân hàng lưu động, thể hiện sự nỗ lực trong việc đưa vốn, sản phẩm dịch vụ tiện ích đến vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen… Thống đốc NHNN cũng đánh giá cao việc Agribank luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trong giảm lãi suất cho vay, biểu dương Agribank đã thực thi tốt trách nhiệm của ngân hàng thương mại Nhà nước gắn với sứ mệnh “Tam nông”, đồng thời đánh giá cao việc Agibank rất tích cực triển khai tái cơ cấu, cũng như tiến trình xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Agribank cũng đi đầu trong phát huy trách nhiệm xã hội thông qua triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, cùng ngành Ngân hàng có nhiều đóng góp đối với cộng đồng.
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng thẳng thắn đề cập đến những tồn tại và đề nghị Agribank cần lưu ý quan tâm xử lý trong thời gian tới. Về nhiệm vụ năm 2019 và thời gian tới, Thống đốc NHNN đề nghị Agribank quán triệt tổ chức thực hiện Chỉ thị 01 của NHNN, tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tập trung thực thi nhiệm vụ của một ngân hàng thương mại gắn với “Tam nông” như tên gọi của ngân hàng, cần quan tâm đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển tín dụng tiêu dùng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen… Để tiếp tục thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu từ nay đến năm 2020, nhiều nhiệm vụ đặt ra đối với Agribank. Theo đó, Agribank cần phối hợp các bộ, ngành sớm giải quyết bài toán tăng vốn điều lệ, có kế hoạch để tăng vốn tự có cấp 2, thực hiện cơ cấu lại các công ty con và công ty liên kết, sớm xử lý dứt điểm pháp nhân ALCI; sớm hoàn thành phương án sắp xếp, xử lý nhà đất liên quan đến lộ trình cổ phần hóa... Thống đốc NHNN tin tưởng rằng, với kết quả, thành tích Agribank đã đạt được, với sự đoàn kết, sẻ chia của toàn hệ thống, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực đối với thành công chung của ngành Ngân hàng và nền kinh tế đất nước.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh
Phát biểu trước Thống đốc và toàn thể Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh thay mặt toàn hệ thống Agribank cảm ơn những ý kiến đánh giá và phát biểu chỉ đạo của Thống đốc, cảm ơn NHNN đã luôn sát sao, đồng hành cùng Agribank. Với nhiệm vụ được Thống đốc NHNN giao tại Hội nghị này, Agribank sẽ hiện thực hóa trong các nội dung của Nghị quyết 01 năm 2019 của Hội đồng Thành viên Agribank để chỉ đạo toàn hệ thống triển khai thực hiện.
Định hướng của Agribank đến năm 2025 đó là giữ vững vị trí ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, hoạt động kinh doanh đa năng, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; giữ vai trò chủ lực về tín dụng, cung cấp các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hội nhập sâu rộng, đi tắt đón đầu những thành tựu mới trong ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo lộ trình và chiến lược cụ thể nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số, cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, hỗ trợ đắc lực cho khách hàng nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Toàn hệ thống Agribank phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, tăng tốc và bứt phá sẵn sàng cho thời điểm lịch sử chuyển giao từ ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước sang mô hình ngân hàng thương mại cổ phần, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng./.
Các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 17-01  (18/01/2019)
Điện mừng kỷ niệm 69 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Trung  (18/01/2019)
Văn phòng Trung ương Đảng triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019  (18/01/2019)
Hội nghị triển khai công tác phối hợp giữa bốn Văn phòng Trung ương  (18/01/2019)
Xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông  (18/01/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên