Di dân ngoại tỉnh vào thành phố Hà Nội: Vấn đề đặt ra và giải pháp
16:55, ngày 29-12-2018
Dòng người di cư từ nông thôn ra các thành phố lớn ngày càng tăng. Đây là một vấn đề lớn mà chúng ta đang phải đối mặt, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Một mặt, dòng người di cư vào Hà Nội có những mặt tác động tích cực như: góp phần đáp ứng nhu cầu về các loại lao động mà Hà Nội đang cần và qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, tình trạng di dân tự do cũng đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết như: vấn đề gia tăng sức ép về việc làm cho thành phố; quá tải về việc sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng.
Dòng người di cư từ nông thôn ra các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ, với tốc độ chóng mặt, quy mô ngày càng lớn đã và đang tác động không nhỏ đến mỗi gia đình và từng quốc gia. Đây cũng là vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt, nhất là ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày nay, đã có rất nhiều lý thuyết nghiên cứu về hiện tượng di dân. Di dân, hiểu theo nghĩa rộng là sự dịch chuyển bất kỳ của con người trong một không gian và thời gian nhất định kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Hiểu theo nghĩa hẹp di dân là sự di chuyển dân cư từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác, nhằm thiết lập nơi cư trú mới trong một không gian, thời gian nhất định.
Về các nguyên nhân của hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị có thể đưa ra hai nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, đó là nguyên nhân kinh tế: hầu hết các nhà kinh tế học, các nhà xã hội học đều nhất trí cho rằng hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị có thể được giải thích chủ yếu bằng nguyên nhân kinh tế. Những nhân tố thuộc nhóm nguyên nhân này không chỉ bao gồm bởi lực đẩy quen thuộc từ nơi xuất cư như: thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp… mà còn bởi lực hút từ những nơi nhập cư: cơ hội việc làm có tính ổn định, thu nhập cao… Các nghiên cứu cho thấy: tiền lương, thu nhập, việc làm, mức độ thất nghiệp… đều ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định di cư của người dân. Thứ hai, nguyên nhân phi kinh tế, như: vấn đề chất lượng cuộc sống, những người di dân muốn có cuộc sống tốt hơn thông qua cuộc sống ở thành thị, nơi có ánh đèn rực rỡ của thành phố, nơi đó có các phương tiện giao thông, phương tiện thông tin đại chúng… được hiện đại hóa, nơi có hệ thống giáo dục, y tế, dịch vụ phát triển.
Vấn đề về phong tục tập quán và các nhân tố xã hội khác cũng tác động sâu sắc tới quá trình di dân từ nông thôn ra thành thị, ví dụ như những người di dân muốn thoát khỏi những ràng buộc truyền thống, những phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu ở nông thôn; vấn đề đi học của con cái và đoàn tụ gia đình cũng là những lực hút của dòng di dân từ nông thôn ra thành thị.
Thực trạng di dân đến Hà Nội
Sở dĩ người dân thường đổ về Hà Nội (cũng như các thành phố lớn khác) vì những nguyên nhân sau: Thứ nhất, do nông nghiệp nước ta có những bước phát triển vượt bậc trong việc tăng năng suất và sản lượng dẫn tới hiện tượng “dư thừa” lao động. Hơn 50% số người di dân lâu dài và 90% di dân mùa vụ di chuyển đến các thành phố lớn vì nguyên nhân này [1]. Đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng “đất chật người đông”, thời gian dư thừa lao động chiếm tới 30 - 40%, đồng thời mật độ dân số đông, diện tích canh tác có hạn. Điều đó tất yếu dẫn đến việc một bộ phận người lao động phải ra đi tìm việc ở các thành phố lớn nhằm tăng thêm thu nhập. Sự khác biệt về tiền lương và thu nhập giữa các vùng, đặc biêt giữa nông thôn và thành thị là yếu tố thúc đẩy quá trình di dân tới đô thị. Họ chấp nhận những công việc nặng nhọc, vất vả để mưu sinh và có tiền gửi về cho gia đình. Thứ hai, Hà Nội (cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác) là miền đất hứa của nhiều người về môi trường giáo dục và đào tạo, với điều kiện y tế và chăm sóc sức khỏe tốt, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng các phương tiện thông tin đại chúng và dịch vụ tiện ích khác… Họ đến đây để học tập, làm việc, mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, sau đó lại kéo theo gia đình, người thân nhập cư để đoàn tụ. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, thực sự đã trở thành lực hút của dòng di dân ngoại tỉnh.
Xem xét về đặc điểm tự nhiên: Thành phố Hà Nội nằm ở đồng bằng Bắc Bộ trù phú (diện tích Hà Nội mở rộng lên tới 3.324, 92 km2). Hà Nội mở rộng hiện nay có một hệ thống sông hồ dày đặc, thuận tiện cho giao thông đường thủy cũng như các hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Với vị trí và địa thế thuận lợi, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học lớn; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Hà Nội tiêu biểu cho khí hậu Bắc Bộ: mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, mùa đông lạnh khô và mưa ít, nhiệt độ trung bình là 23,60C, độ ẩm trung bình là 79%, lượng mưa trung bình hàng năm là 1,800 mm/năm. Hà Nội có hai dạng địa hình chính là đồng bằng và đồi núi. Địa hình đồng bằng chủ yếu thuộc địa phận Hà Nội cũ và một số huyện phía Đông của Hà Tây cũ, chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên. Phần lớn địa hình đồi núi thuộc địa phận các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức [2].
Về đặc điểm kinh tế - xã hội: Hà Nội là một thành phố lớn và đông dân, có mật độ dân số cao. Theo số liệu thống kê ngày 1/4/2009, dân số Hà Nội vào khoảng 6.448.837 người (chiếm khoảng 7,5% dân số cả nước), mật độ dân số trung bình là 1926 người/km2 (cao gấp 7,4 lần so với cả nước). Hà Nội hiện có trên 4,000 di tích và danh thắng, trong đó xếp hạng quốc gia trên 900 di tích và danh thắng; có hàng trăm đền, chùa, công trình kiến trúc, danh thắng nổi tiếng, nhiều lễ hội, ẩm thực phong phú, các làng nghề truyền thống. Với đặc điểm đó, Hà Nội trở thành một trung tâm du lịch lớn, du khách có dịp khám phá nhiều công trình kiến trúc văn hóa - nghệ thuật được xây dựng qua nhiều thế hệ trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Hà Nội là trung tâm và đầu mối giao thông của cả nước, từ đó có thể đi khắp mọi miền đất nước bằng bất cứ phương tiện nào. Đường bộ có hệ thống phương tiện giao thông công cộng (xe bus, taxi) phủ khắp thành phố, giao thông cá nhân (xe máy, ô tô), có các quốc lộ lớn chạy qua thành phố, như: QL1, QL2, QL3…
Ngoài ra, Hà Nội cũng là đầu mối của tuyến giao thông đường sắt và đường hàng không trong nước và quốc tế. Thành phố Hà Nội có khoảng 70 trường Đại học, 20 trường cao đẳng 60 trường trung cấp, dạy nghề, nhiều trung tâm đào tạo của nước ngoài. Hàng năm có rất nhiều học sinh, sinh viên tập trung về đây học tập. Hà Nội là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, với các ngành dịch vụ, du lịch và bảo hiểm giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Trong lĩnh vực công nghiệp, Hà Nội đã xây dựng hoàn chỉnh 9 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều sản phẩm công nghiệp, trong đó có một số sản phẩm mới của ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp phần mềm, chế tạo khuôn mẫu… đã đứng vững trên thị trường. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, phát triển các ngành, các lĩnh vực và sản phẩm công nghệ cao… Với những đặc điểm và lợi thế đó, Hà Nội thực sự là mảnh đất hấp dẫn dân nhập cư.
Từ bảng số liệu trên có thể thấy quy mô và tốc độ của lượng người di dân vào Hà Nội qua các năm ngày càng tăng, chẳng hạn năm 2001 số người di cư vào Hà Nội là 16.985 người thì đến năm 2007 là 46.240 người, con số đó đã là 52.588 người vào năm 2010. Như vậy, xu thế chung trong những năm tới là số lượng người lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội vẫn tăng lên một cách nhanh chóng. Hiện tượng này nếu không có sự quản lý, điều tiết chặt chẽ sẽ gây ra những vấn đề phức tạp trong đời sống kinh tế xã hội cho Thủ đô trong những năm tới. Phân tích về cơ cấu dân cư và lao động di cư tới Hà Nội, thực tế đã cho thấy rằng, khoảng 85% người di dân thuộc độ tuổi từ 15-29 tuổi, đặc biệt cao nhất là ở độ tuổi từ 20-24 tuổi chiếm 37,14% và độ tuổi từ 15-19 tuổi chiếm 28,27%, tiếp theo là độ tuổi 25 - 29 tuổi chiếm 10,88%. Như vậy, di dân chủ yếu là người trong độ tuổi lao động trẻ, khỏe. Hiện tượng này có thể là do yêu cầu đối với lao động di cư, tính cạnh tranh trên thị trường lao động và một phần tâm lý người trẻ thường thích sống ở các thành phố lớn. Nhìn về tổng thể, nam có xu hướng di cư nhiều hơn đôi chút so với nữ. Tuy nhiên, nhìn vào từng nhóm tuổi thì nữ chiếm ưu thế hơn ở các nhóm tuổi trên 30; còn ở các nhóm tuổi dưới 30 số di dân nam nhiều hơn số di dân nữ. Sự gia tăng tỷ lệ nữ so với nam giới ở độ tuổi trên 30 trong số di dân có thể liên quan tới việc đoàn tụ gia đình cũng như sự phát triển nhanh chóng của các loại hình kinh tế dịch vụ…
Về trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật, có thể thấy rằng, trình độ học vấn của người di dân lâu dài tương đối khá, không hề thua kém với dân sở tại. Còn trình độ của nhóm di dân mùa vụ thì thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ những người di dân có trình độ học vấn phổ thông cũng chiếm tới hơn 70%; chất lượng của dân số không những được đánh giá qua trình độ học vấn phổ thông mà còn qua các cấp đào tạo về chuyên môn. Số người di cư ra Hà Nội có một bộ phận khá lớn là không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, họ làm việc theo thời vụ hoặc không có nghề nghiệp cố định. Đây cũng là một vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý phải quan tâm.
Thực tế cũng cho thấy số lao động giản đơn vào Hà Nội chiếm một tỷ lệ khá cao và họ làm đủ các nghề: nghề xây dựng và sản xuất thủ công; đạp xích lô và xe ôm, thu gom phế liệu, dịch vụ trong các nhà hàng… Những người lao động này thường tập trung chờ việc ở các tụ điểm mà người ta quen gọi là các chợ lao động, họ có thể thuê nhà trọ hoặc có nhiều người nghỉ qua đêm ngay trên vỉa hè, lề đường một cách tạm bợ. Họ làm thuê bất cứ nghề gì, kể cả việc nặng nhọc với tiền công thấp. Số lao động buôn bán rau, hoa quả, bán gạo, thường là nữ, họ đưa lương thực, thực phẩm từ các tỉnh ngoài vào Hà Nội thuê nhà trọ gần chợ để tiện buôn bán. Theo con số ước tính của Ban quản lý chợ Đồng Xuân, số lao động này ở trọ quanh chợ có khoảng 500 người, họ đến từ vùng nông thôn thuộc một số tỉnh ở sát Hà Nội như Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Hải Dương… Thu nhập của họ sau khi trừ đi các khoản ăn uống và chi phí thiết yếu khác, hàng tháng tiết kiệm được khoảng 400-500 nghìn đồng.
Vấn đề và giải pháp đối với dòng di cư vào Hà Nội
Qua thực trạng trên, chúng ta có thể đưa ra đánh giá tổng thể và khách quan về tình trạng di dân tự do đến Hà Nội. Di dân ngoại tỉnh đến Hà Nội có mặt tác động tích cực, nhưng mặt khác nó cũng đặt ra những vấn đề khó khăn và phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô. Những tác động tích cực có thể thấy: ở mức độ nhất định, di dân vào Hà Nội góp phần thúc đẩy sự phát trỉên đa dạng của các lĩnh vực và các ngành nghề, dịch vụ, có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng kinh tế của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Chính những người di cư tới Hà Nội để tìm kiếm việc làm đã góp phần bổ sung nguồn lực lao động cho thành phố, đặc biệt là thúc đẩy phát triển ngành kinh tế dịch vụ, ngoài ra họ tham gia vào phát triển khu vực phi kết cấu góp phần thỏa mãn nhu cầu về các ngành nghề như: mộc, nề, rèn…; cung cấp các mặt hàng lương thực và thực phẩm…Hơn nữa, họ cũng tham gia vào lĩnh vực hoạt động lao động phổ thông mà nhà nước chưa bao quát được trong quá trình đô thị hóa như: xích lô, vận chuyển hàng hóa, chuyên chở hành khách và nhiều hình thức hoạt động lao động khác.
Nhìn chung, tác động tích cực của di dân ngoại tỉnh vào Hà Nội tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô tuy không xác định được chính xác, nhưng rõ ràng vai trò của nó là không thể phủ nhận. Người dân di cư ngoại tỉnh vào Hà Nội với mục đích tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Tính năng động trong việc tìm kiếm việc làm của họ rất cao, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, sức khỏe, khả năng của mỗi người để sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực khác nhau. Do đó, những người lao động này đã bù đắp cho nguồn lực lao động ở Hà Nội khi tham gia vào những công việc mang tính chất lao động giản đơn, hoặc lao động nặng nhọc nhưng rất cần thiết cho đời sống kinh tế, xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng di dân tự do tới Hà Nội tìm việc làm cũng đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Bài viết đưa ra những vấn đề cấp bách nổi bật sau: thứ nhất, là vấn đề gia tăng sức ép về việc làm cho Thủ đô.
Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở Hà Nội thực tế đã tồn tại nay lại càng gia tăng do tình trạng di dân ngoại thành vào thành phố. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn tới những mặt tiêu cực khác phát sinh, tạo ra gánh nặng về mặt kinh tế, xã hội cho thành phố. Thứ hai, là gây quá tải về sử dụng các công trình hạ tầng cơ sở: Những năm trở lại đây, Hà Nội tuy đã được Nhà nước chú ý đầu tư về cơ sở hạ tầng, về điều kiện nhà ở nhưng vẫn tồn tại hiện tượng thiếu và không đồng bộ.
Thực tế quỹ nhà ở, công trình công cộng mới xây dựng mặc dù tăng nhanh nhưng không đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa (trường học, chăm sóc sức khỏe, cấp thoát nước, điện sinh hoạt và vệ sinh môi trường đô thị). Các vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi thêm vào đó khối lượng lớn người di cư ngoại tỉnh tới Hà Nội.
Về nhà ở, trong những năm gần đây, Hà Nội đã xây dựng mới hàng triệu m2 nhà để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Song dân số đô thị tăng nhanh đã làm giảm diện tích bình quân nhà ở. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều khu nhà hư hỏng và xuống cấp, không an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng. Người di dân tự do vào Hà Nội thì vấn đề nhà ở là vấn đề lo ngại nhất, đặc biệt với một số người di dân mùa vụ do không đủ tiền thuê nhà. Họ thường tập trung ở các vỉa hè hoặc ở các khu nhà trọ rẻ tiền, điều kiện ăn ở rất khó khăn. Về môi trường, quá trình đô thị hóa diến ra nhanh và điều đó cũng tất yếu dẫn tới mâu thuẫn giữa môi trường và sự gia tăng dân số. Những mâu thuẫn đó đã tác động không tốt tới đời sống của người dân thành phố, ví dụ như:
- Chất thải sinh hoạt, mức gia tăng dân số quá nhanh hiện nay luôn gắn với việc ô nhiễm môi trường và gây bất lợi cho hệ sinh thái. Hà Nội mỗi ngày có khoảng gần 2.000 m3 rác thải, trong khi chỉ giải quyết được khoảng 50% số rác đó. Như vậy, dân số đông với tốc độ tăng quá nhanh, trong khi khả năng xử lý rác thải chưa đáp ứng được đang đặt ra một vấn đề lớn về tình trạng ô nhiễm vệ sinh môi trường của thành phố.
- Nước sinh hoạt, mặc dù có những cải thiện về hệ thống cấp nước, nhưng lượng nước sạch bình quân đầu người của thành phố vẫn không tăng. Hiện nay, một số mạch nước ngầm của thành phố cũng bị ô nhiễm do khai thác quá tải và không tuân thủ quy trình công nghệ khai thác.
- Không khí và tiếng ồn, cùng với quá trình đô thị hóa, với sự phát triển của công nghiệp và giao thông vận tải đã làm tăng các loại khí gây độc hại trong thành phố. Sự ô nhiễm trong các khu vực gần nhà máy và các trục giao thông chính vượt quá giới hạn cho phép, trung bình trong 1m3 không khí ở Hà Nội có 80 µg bụi khí PM10, vượt tiêu chuẩn quy định 50 µg/ m3, bụi khí SO2 cũng vượt tiêu chuẩn châu Âu 20 µg/m3, nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2,5 lần [3].
Người lao động di dân thường sống trong những ngôi nhà tạm bợ, mà điển hình là các khu nhà ở ven chân cầu Long Biên, họ làm đủ mọi nghề như bán hàng rong, khuân vác, đánh giày, xe ôm… Hiện nay, Hà Nội đang phải chịu cảnh buôn bán và làm các nghề dịch vụ tự phát lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông và mất trật tự đô thị. Ngoài ra, đã và đang xuất hiện nhiều tiêu cực và tệ nạn xã hội từ tình trạng những người di dân ngoại tỉnh về Hà Nội.
Vấn đề lớn thứ ba là tình trạng gây mất trật tự công cộng và gia tăng sức ép về quản lý cho các cấp chính quyền. Các cuộc điều tra cho thấy, những người di chuyển về Hà Nội có những hạn chế nhất định về chuyên môn, tay nghề nên phần đông trong số họ phải làm đủ các loại công việc. Cuộc sống tạm bợ qua ngày của những người lang thang và di dân tự do hình thành nên các tụ điểm chợ lao động như: cầu Mai Động, Ngã tư Sở, dốc Minh Khai… gây mất trật tự công cộng và mỹ quan thành phố. Sau khi làm việc căng thẳng và mệt mỏi, người lao động thường tập trung qua đêm ở các xóm lao động và nhà trọ bình dân rẻ tiền. Điều kiện nghỉ ngơi và sinh sống trong các khu vực này không được đảm bảo. Do tính chất công việc, hàng ngày họ phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, dễ dàng tiếp thu cả cái tốt và cái xấu. Vì vậy, ở họ rất dễ mắc các tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng cho vấn đề an ninh trật tự và khó khăn cho các nhà quản lý.
Trên đây những vấn đề cấp bách đặt ra do tình trạng di dân tự do vào Hà Nội để kiếm việc làm. Vậy, giải pháp để quản lý tình trạng di dân ngoại tỉnh đến Hà Nội được đặt ra như thế nào? Có một thực tế rằng, di dân ngoại tỉnh vào các thành phố lớn nói chung và Hà Nội nói riêng là một xu thế tất yếu. Hiện tượng di dân xuất phát từ sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị. Ngoài những nguyên nhân kinh tế, còn có những nguyên nhân phi kinh tế khác mà chúng ta đã thấy ở trên. Vì vậy, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cần phải nắm bắt tính quy luật nội tại của hiện tượng di dân để vận dụng vào việc hoạch định các chính sách, biện pháp điều tiết vì mục tiêu phát triển. Quan điểm ở đây là không để quá trình di dân ngoại tỉnh (đặc biệt là di dân mang tính chất thời vụ) vào Hà Nội trở thành một quá trình tự phát, nhưng đồng thời không nên duy ý chí, quản lý quá trình này bằng mệnh lệnh hành chính một cách cứng nhắc. Chúng ta không thể cưỡng chế nó bằng các biện pháp hành chính, nhưng cũng không khuyến khích hoặc từ chối hiện tượng này, một cách buông xuôi, tự phát. Vấn đề quản lý và điều tiết hiện tượng di dân ngoại tỉnh vào Hà Nội liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và các cấp quản lý. Do đó, các giải pháp quản lý và điều tiết tình trạng di dân ngoại tỉnh vào Hà Nội phải có tính đồng bộ cao, phải mang tính hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, cả về trước mắt cũng như lâu dài. Ở đây, bài viết xin đê cập đến những nhóm giải pháp cơ bản sau:
- Thứ nhất là nhóm giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực của di dân ngoại tỉnh vào Hà Nội. Vấn đề này cần đặt ra một cách cơ bản và là trách nhiệm của cả các cấp chính quyền trung ương và địa phương, bao gồm những yếu tố sau:
+ Cần phải có chiến lược quy hoạch mở rộng thành phố Hà Nội, phát triển các khu đô thị vệ tinh, thông qua đó giảm áp lực cho sự gia tăng dân số quá mức ở khu vực nội thành, đồng thời tạo thế phát triển về kinh tế và xã hội cho Thủ đô trong tương lai.
+ Chủ động thu hút và quản lý luồng di dân vào các ngành nghề phù hợp. Di dân ngoại tỉnh vào các đô thị lớn cũng như vào Hà Nội là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Do vậy, cần có những biện pháp chủ động nhằm tổ chức thu hút lực lượng lao động theo nhu cầu của thị trường thay vì hạn chế bằng các rào cản hành chính. Là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội trong những năm qua là khá cao (trên 10%). Bên cạnh khu vực công nghiệp hiện đại, thì các hoạt động dịch vụ đời sống như các công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, vận tải nhỏ, buôn bán nhỏ… là các hoạt động mang tính truyền thống. Do vậy, một trong những giải pháp vừa mang tính chất cấp bách, vừa mang tính chất lâu dài là phải hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu kể trên. Việc phát triển các loại hình dịch vụ có tổ chức thông qua các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm, ,các loại hình doanh nghiệp… sẽ tạo điều kiện thu hút và quản lý hiệu quả hơn tình trạng di dân ngoại tỉnh về Hà Nội, tránh được tình trạng tự phát như hiện nay.
+ Hoàn thiện chính sách quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Trước kia, trong cơ chế tập trung bao cấp, việc nhập khẩu vào Hà Nội được quản lý chặt chẽ không chỉ vì lý do an ninh mà còn vì lý do kinh tế như chế độ phân phối lương thực - thực phẩm… Hiện nay, khi chuyển sang cơ chế thị trường việc lưu chuyển lao động cũng linh hoạt và đa dạng hơn. Nhu cầu về các loại lao động đa dạng hơn. Do đó, việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu không phải chỉ là việc thực hiện các thủ tục hành chính, mà còn cần lưu ý đến các yếu tố kinh tế, xã hội khác như nhu cầu có việc làm và đảm bảo đời sống - quyền cơ bản của người dân
- Thứ hai là nhóm giải pháp nhằm hạn chế những mặt tiêu cực của tình trạng di dân ngoại tỉnh vào Hà Nội. Ở đây có thể nêu lên những giải pháp cụ thể sau:
+ Cần phải quy hoạch nơi ở và nơi giao dịch việc làm cho người di dân theo mùa vụ. Đối với người di cư mùa vụ làm việc ở Hà Nội thì vấn đề thông tin việc làm đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhà ở lại là một vấn đề khó khăn đối với họ. Do vậy, việc hỗ trợ về chỗ ở cho người di cư, ví dụ như: dịch vụ cho thuê phòng trọ giá rẻ, quy hoạch khu trọ cho người di dân và nơi giao dịch việc làm là giải pháp thiết thực cho người di dân, đồng thời đem lại hiệu quả tốt hơn cho nhà quản lý.
+ Xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội. Việc xây dựng các chính sách xã hội và đưa vào thực tế đối với người lao động đang là một yêu cầu thiết yếu hiện nay. Các chính sách đó nhằm giải quyết hàng loạt các vấn đề như: hỗ trợ việc làm, trợ cấp thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm y tế… giúp cho người lao động có điều kiện thực hiện các quyền cơ bản của công dân, tạo điều kiện cho họ tham gia tốt hơn vào thị trường lao động.
+ Giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho người di cư. Một vấn đề bức xúc trong hoạt động của người dân di cư theo mùa vụ là ý thức cộng đồng cũng như những hành động tự phát của họ làm mất mỹ quan đô thị còn kém. Vì vậy, cần phải có các chương trình tuyên truyền nếp sống văn minh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, cũng cần có những chế tài và hình thức xử phạt hành chính đủ nghiêm minh đối với họ nhằm xây dựng nếp sống văn minh đô thị ngày càng tốt hơn.
+ Thành lập các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người di dân. Đây là một giải pháp nhằm tạo điều kiện giúp người di dân tìm kiếm việc làm, cũng như tăng cường quản lý người di dân vào làm việc tại Hà Nội; đồng thời từng bước hình thành nên thị trường lao động phù hợp giúp nhà quản lý thực hiện tốt chức năng của mình./.
---------------------------
Tài liệu tham khảo
---------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] TS. Phạm Qúy Thọ - Mối quan hệ giữa di dân nông thôn - Hà Nội với vấn đề việc làm và mức sống (2000).
[2] website: http://www.vietnamtourism.com
[3] website:http://www.thiennhien.net/news/139/ARTICLE/1790/2007-04-02.html
Phát triển dịch vụ công nhằm bảo đảm quyền an sinh của người dân, tạo nền tảng cho phát triển hài hòa, bền vững trên địa bàn Hà Nội  (29/12/2018)
Phát triển dịch vụ công nhằm bảo đảm quyền an sinh của người dân, tạo nền tảng cho phát triển hài hòa, bền vững trên địa bàn Hà Nội  (29/12/2018)
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Quyết liệt cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh  (28/12/2018)
Bế mạc Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương  (28/12/2018)
Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương  (28/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên