Bế mạc Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương
TCCSĐT - Sau một ngày làm việc, chiều 28-12, Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương đã bế mạc.
* Tại phiên họp buổi chiều, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã thảo luận, đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Liên quan đến các kiến nghị của một số địa phương về việc ban hành nghị định hướng dẫn thanh toán bằng tài sản công đối với các dự án BT (hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để hướng dẫn Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành 16 nghị định, còn 2 nghị định Bộ Tài chính trong năm qua đã 5 lần báo cáo giải trình tiếp thu, đồng thời, có hướng dẫn các địa phương tạm ngừng thanh toán.
Theo Bộ trưởng Tài chính, đây là vấn đề nhạy cảm, rất phức tạp và dễ xảy ra tiêu cực. Trên cơ sở tiếp thu giải trình của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ. Quá trình xây dựng nghị định này rất phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã 3 lần nghe báo cáo về vấn đề này và chỉ đạo điều chỉnh hoàn thiện dự thảo nghị định này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì cuộc họp ngày 29-8 để chỉ đạo hoàn thiện nội dung này. Trong phiên họp Chính phủ tháng 9-2018, Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề này.
“Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như nghị quyết hướng dẫn chuyển giao trong khoảng trống pháp lý. Chúng tôi nghĩ rằng trong tháng 1/2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị định này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, lĩnh vực tài chính - ngân sách đã đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực.
“Thu ngân sách nhà nước đến ngày 28-12 đạt xấp xỉ 1.397 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán Quốc hội giao, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 103,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 109,3% dự toán” - Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan làm việc tích cực, hỗ trợ các doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định; xử lý quyết liệt nợ đọng thuế, phấn đấu đưa số nợ thuế có khả năng thu hồi cuối năm 2018 về thấp hơn năm 2017. Trên cơ sở đó, ước thu ngân sách nhà nước năm 2018 vượt khoảng trên 80 nghìn tỷ đồng (trên 6%) so dự toán; cả thu ngân sách trung ương và địa phương đều vượt dự toán. Quy mô thu ngân sách nhà nước đạt trên 25% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt trên 21% GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định tiếp tục quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán; thực hiện điều chỉnh tăng 7% tiền lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; trong năm đã siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách. Cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu là 25-26%); chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu là dưới 64%). Đối với chi đầu tư, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo sát sao, liên tục, nhưng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, công tác giải ngân vốn đầu tư năm nay vẫn còn rất chậm, ước đến ngày 31-12-2018, giải ngân vốn ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 66,6%.
Đề cập đến nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã quản lý chặt chẽ việc định giá doanh nghiệp, chống thất thoát, tham nhũng trong cổ phần hoá và thoái vốn. Cùng với đó, bán cổ phần lần đầu 21 doanh nghiệp thu về 21,6 nghìn tỷ đồng và thoái vốn thu về 18,3 nghìn tỷ đồng, thặng dư 18,2 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp nhưng tính đến ngày 20-12 mới có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng cho biết, năm qua Bộ Tài chính đã cắt giảm 536 đầu mối, trong khi vẫn bảo đảm hoạt động hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Tính đến nay, đã thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 3.488 biên chế. Về phương hướng sắp tới, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh quan điểm quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật tài chính; nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 27% - 27,5% trong tổng chi ngân sách, đồng thời kiên quyết khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 3,6%GDP; nợ công ở mức khoảng 61% GDP. Đặc biệt, nâng cao kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính-ngân sách, kể cả trong thu - chi ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản...
Báo cáo về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thể chế chính sách cho hoạt động cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính đã được cơ bản hoàn thiện. Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 49 văn bản, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác này. Các bộ, cơ quan đã rà soát và trình Chính phủ phê duyệt phương án, đơn giản hóa 1.066 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân không cần thiết. Phương thức phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã thay đổi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; cắt giảm chế độ báo cáo, số lượng các cuộc họp và các loại giấy tờ không cần thiết. Việc giải quyết thủ tục hành chính được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hoạt động của các trung tâm hành chính công các tỉnh. Đến nay, đã thành lập được 39 trung tâm hành chính công ở các tỉnh, thành phố.
Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận đầy đủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Năm 2018, đã có trên 14.900 phản ánh, kiến nghị được tiếp nhận, trong đó có 2.464 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý và đã trả lời, đăng tải công khai được 2.024 phản ánh, kiến nghị, đạt 82,14%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, theo Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện, tăng 13 bậc.
Việc triển khai Chính phủ điện tử đã lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan hành chính nhà nước, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân. Thủ tướng đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử và chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và tạo hành lang pháp lý cho việc thiết lập, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Có 71/95 cơ quan triển khai thử nghiệm kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông văn bản quốc gia, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử; 93 bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành mã định danh của cơ quan mình. Chỉ số phát triển điện tử Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 quốc gia khu vực ASEAN. Mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2018.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2018, có 18.820 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có 11.253 nhiệm vụ đến hạn hoàn thành (đạt 98,1%), 7.349 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, còn 218 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành (chiếm 1,15%, giảm 0,23% so với năm 2017, giảm 23,85% so với trước khi Tổ công tác của Thủ tướng được thành lập).
Từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra, riêng năm 2018 đã tiến hành 21 cuộc, trong đó có 11 cuộc kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao và 10 cuộc kiểm tra chuyên đề về cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tuc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thông qua kiểm tra, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng được quán triệt, đôn đốc thực hiện kịp thời, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương, nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách được tháo gỡ, những khoảng trống pháp lý cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung như việc thay thế chính sách thuế, việc thực hiện quy định thống nhất tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước, đề xuất cơ chế, chính sách tích tụ đất đai trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai…
Các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các bộ, cơ quan.
“Năm 2017, các bộ, cơ quan đề xuất hoặc phê duyệt phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thì năm 2018 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong khâu thực thi" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cụ thể, về kiểm tra chuyên ngành, đến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tương đương với 68,2%, vượt 36,5% so với Nghị quyết 19 đề ra và 30 thủ tục. 8/11 bộ đã báo cáo đánh giá tác động kinh tế về cắt giảm gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế. Việc đơn giản, cắt giảm 6.665 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục của 8 bộ nêu trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11,642 triệu ngày công, tương đương 5.417 nghìn tỷ đồng.
Việc cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, đến nay, các bộ đã trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, tương đương 54,5%. Có 9 bộ báo cáo đánh giá tác động cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân trên 5,9 triệu ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm. Chưa kể chi phí tiết kiệm được do không phải duy trì, đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên một số bộ, cơ quan còn chậm trễ trong việc trình theo thẩm quyền các văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh.
** Sau một ngày làm việc, chiều 28-12, Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương đã bế mạc.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, có nhiều ý nghĩa cho công tác chỉ đạo. Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cuối phiên làm việc buổi sáng, Thủ tướng nêu rõ cần chú ý hơn công tác Đảng trong khối nhà nước. Đây là việc quan trọng, xây dựng Đảng là làm cho nhà nước, các cơ quan khác vững mạnh, buông lỏng việc này là ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cấp chính quyền. Trong chỉ đạo cần quan tâm hơn đến khối văn hóa, xã hội.
“Trong chỉ đạo gần đây có chuyện “lép vế” hơn trong khối xã hội - tôi nói thật - bởi các đồng chí ở các tỉnh thường giao khoán việc này cho đồng chí phó chủ tịch phụ trách văn xã mà thường đồng chí này không phải là thường vụ… Khối văn hóa, xã hội còn nhiều vấn đề bỏ bê”, Thủ tướng nêu thực tế.
Hoan nghênh bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ “làm chính quyền bao giờ cũng va đập, đối chọi với những vấn đề phức tạp, dễ sai phạm nên cũng cần được động viên”.
Nói đến khát vọng đưa đất nước tiến lên, khi năm 2019 là kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác trước đây “xây dựng đất nước ta gấp 10 lần ngày nay”, Thủ tướng cho rằng, đây là mong mỏi chính đáng mà các thế hệ cần cố gắng tổ chức thực hiện cho tốt, để thấy được khát vọng của dân tộc vượt khó vươn lên, không chịu nghèo đói, lạc hậu. “Hệ thống, pháp luật, công tác tư tưởng và tổ chức phải phục vụ cho ước nguyện vươn lên của dân tộc, không để dân tộc ta yếu kém so với dân tộc khác trong khu vực châu Á, thậm chí là toàn cầu. Tinh thần ấy phải được thổi vào trong nhân dân, các cấp, các ngành, trong doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần chuyển tải đến cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước, đến nhân dân tinh thần ấy. Phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm của sự phát triển, bởi không có dân chúng ta không thành công, không có dân không làm nên sự nghiệp cách mạng, tất cả sự nghiệp phải phục vụ nhân dân. Nhấn mạnh việc quản trị quốc gia 100 triệu dân không phải là điều dễ dàng, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương làm tốt nhiệm vụ của mình, sát dân hơn, lắng nghe nhiều hơn, xử lý kịp thời hơn để Đảng và dân, dân và chính quyền đi liền với nhau, cùng lắng nghe để thúc đẩy công cuộc cách mạng nhanh hơn, tốt hơn, giảm thiểu các trục trặc, những vấn đề xảy ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu thành viên Chính phủ, từng lãnh đạo tỉnh, thành phố nêu trách nhiệm với nhân dân, đất nước, trực tiếp nhìn vào thực trạng quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, thấm, nắm rõ để có hành động cụ thể trong công việc hàng ngày, không quyết liệt thì khó thành công. Phải lo đối thoại với nhân dân.
“Tại sao chúng ta nói do dân, vì dân mà lại để dân khiếu nại nặng nề, như vậy chúng ta làm hết trách nhiệm chưa”, Thủ tướng đặt vấn đề; cho rằng “tuy nghèo khó nhưng lòng dân yên là mọi việc thành công”.
Nhắc lại những kết quả đạt được của năm 2018, song, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít hạn chế, bất cập, đó là sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình biến động của thế giới và khu vực, nhiều địa phương, nhiều ngành chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, các nguồn lực chưa được giải phóng để tạo điều kiện cho phát triển, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, cách trở. Hay, bệnh quan liêu xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt, mất niềm tin của nhân dân. Bên cạnh đời sống chung được cải thiện, một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai còn khó khăn, còn đói cơm, lạt muối. Các tệ nạn xã hội, xã hội đen, bạo lực học đường, tín dụng đen vẫn là vấn đề cần có biện pháp trấn áp, xử lý mạnh mẽ.
“Không ít địa phương giải quyết công việc không nghiêm, chậm trễ, nhiều việc để kéo dài, người dân và doanh nghiệp kêu ca. Chúng tôi muốn nói ý này để các bộ, ngành, địa phương nhìn lại mình”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cho rằng, trong khi nhiều địa phương kêu gọi đầu tư thành công thì nhiều địa phương chỉ số CPI còn rất bê bết, nhất là việc thúc đẩy đánh giá chính quyền. Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, không quý dân, không thảo luận với dân, trao đổi có lý có tình để dân kéo lên Hà Nội. Chỉ rõ sự trì trệ, chậm trễ ảnh hưởng đến sự phát triển, Thủ tướng đặt câu hỏi “cần trăn trở tại sao cùng chủ trương, cùng cơ chế chính sách mà nơi làm rất tốt, nơi trì trệ”. Thực tế ở đâu cán bộ, chính quyền, cá nhân người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thực tiễn, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự gương mẫu, trách nhiệm, vì lợi ích chung thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn. Đây là kinh nghiệm quan trọng với từng cấp, từng ngành trong chỉ đạo điều hành.
Nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nêu các nhiệm vụ cụ thể về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết 02 nêu những mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ sẽ sớm ký hai nghị quyết quan trọng này, chậm nhất là trong ngày 01-01-2019 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện từ ngày đầu, tháng đầu của năm kế hoạch.
Đề cập đến vấn đề đầu tư xây dựng theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), Thủ tướng cho biết trong ngày mai (ngày 29-12) sẽ ký nghị quyết quan trọng này để làm cơ sở để triển khai vấn đề đang ách tắc hiện nay. “Chúng tôi nói việc đó để giải quyết chuyện lớn chứ không phải công nhận những sai trái, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình chúng ta xử lý vấn đề này. Những sai trái đó gây thất thoát cho tài sản nhà nước, không phải Thủ tướng dễ dàng công nhận như vậy đâu”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hơn nữa vấn đề phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì cùng các bộ có liên quan trình Chính phủ tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan trên quan điểm, cái gì phân cấp được thì nên phân cấp cho các địa phương họ làm. Trung ương trước hết là làm chính sách, pháp luật, hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên ngành, liên vùng, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát việc vi phạm các quy định, lợi ích nhóm…
“Không để các địa phương phải ôm tài liệu ra bộ này, bộ khác, xin việc này, việc khác, xếp hàng chờ đợi. Phương thức quản lý đó lạc hậu rồi… Đừng để tình trạng ký một đêm mấy vali giấy tờ, quá nhiều giấy tờ như vậy làm sao có thời gian giải quyết việc khác được”, Thủ tướng nói và yêu cầu các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm này để phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn. Nếu lo làm sai, làm trái pháp luật thì tăng cường kiểm tra, đôn đốc.
Thủ tướng cũng đề cập đến việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhưng không phải kìm hãm sự phát triển. Thời gian qua, khối Đảng, các cơ quan tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ này, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Năm 2019, cần rà soát toàn bộ thể chế, quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch tạo môi trường không tham nhũng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính; để cán bộ công chức yên tâm làm việc.
“Không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hành động”, Thủ tướng lưu ý các Bộ trưởng.
Theo Thủ tướng, có hai tình trạng trì trệ diễn ra: một là các vụ án lớn xảy ra không ai dám tổ chức làm việc “Như đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có nói các sở im lìm hết thì giải quyết cái gì, cái gì cũng chậm, nhân dân tới hỏi không ai trả lời”. Thứ hai là quy hoạch chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, có một bộ phận lớn “nín thở ”, không hành động. Thủ tướng muốn lãnh đạo cá bộ, ngành, địa phương phải làm mạnh hơn, bảo vệ cán bộ, doanh nghiệp chân chính yên tâm cống hiến, làm việc. “Chủ tịch tỉnh, bộ trưởng các bộ đều phải lo việc này chứ không phải nói mà không làm”.
Nói đến Chỉ thị 34 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm vừa ký ráo mực, Thủ tướng nêu rõ tinh thần lo Tết cho nhân dân, không phải lo cho cán bộ cấp trên, các doanh nghiệp và địa phương không biếu xén cấp trên. Chuẩn bị hàng hóa tốt phục vụ nhân dân, không đầu cơ, tích trữ hàng hóa nâng giá phức tạp, bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống buôn lậu trong dịp Tết./.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương  (28/12/2018)
Tác động của di dân tự do trong quá trình đô thị hóa đến quy mô dân số và phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội  (28/12/2018)
Tác động của di dân tự do trong quá trình đô thị hóa đến quy mô dân số và phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội  (28/12/2018)
Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương  (28/12/2018)
Nước Nga năm 2018 từ đánh giá của Tổng thống V.Putin  (28/12/2018)
Báo chí phải thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận  (28/12/2018)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay