Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc
Sáng 06-12 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, tại thủ đô Seoul, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc.
Sự kiện này do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam và Quỹ hữu nghị Hàn Quốc - châu Á phối hợp tổ chức.
Đông đảo đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc, các tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc đang hợp tác với Việt Nam, các chuyên gia, học giả, luật sư và đại diện các tổ chức hữu nghị của Hàn Quốc với Việt Nam đã tham dự.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn - Việt Choi Young Joo cho biết, là tổ chức hữu nghị nhân dân, Hội đã đồng hành cùng sự phát triển của quan hệ hai nước trong suốt hơn 20 năm qua; trong đó nổi bật là thực hiện các chương trình hỗ trợ người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, là cầu nối hỗ trợ, giúp đỡ cho các tổ chức và cá nhân Hàn Quốc, Việt Nam trong hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước.
Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Quỹ hữu nghị Hàn Quốc - châu Á Choi Jae Seong nhận xét: “Thời gian gần đây có rất nhiều tin vui trong mối quan hệ hai nước chúng ta. Trong đó không thể không nhắc đến câu chuyện bóng đá. Đội tuyển bóng đá Việt Nam với sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo đã và đang viết lên những trang sử mới cho bóng đá Việt Nam”.
Theo ông Choi Jae Seong, Việt Nam là đất nước quan trọng đối với Hàn Quốc. Sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 12-2015, giao dịch thương mại song phương tăng lên nhanh chóng.
Sau ba năm triển khai FTA, Việt Nam đã trở thành quốc gia giao dịch thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Hàn Quốc trở thành quốc gia đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về thương mại của Việt Nam.
“Không chỉ dừng lại ở đó, vào tháng 3-2018 vừa qua, hai nước đàm phán chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng giao dịch thương mại đạt kim ngạch ở mức 100 tỷ USD vào năm 2020”, ông Choi Jae Seong nói.
Thay mặt những người con mang trong mình dòng máu Việt Nam đang sinh sống tại đất nước Hàn Quốc, ông Lý Thừa Vĩnh, Chủ tịch dòng họ Lý tại Hàn Quốc cho biết: “Hai dòng họ Lý Hoa Sơn và Lý Tinh Thiện đều ý thức về việc không quên gốc rễ Việt Nam. Từ bao đời nay sống tại Hàn Quốc nhưng chúng tôi coi điều đó là niềm tự hào của mình. Do đó, hơn mọi công dân Việt Nam và Hàn Quốc nào, chúng tôi là những người vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang ngày càng phát triển”.
Chủ tịch Hội Kinh tế Văn hóa Hàn - Việt Kwak Young Gil đánh giá, thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, mối quan hệ hợp tác hai nước đã trở thành hình mẫu về quan hệ hợp tác phát triển. Đây là kết quả của sự tiên phong giao lưu hợp tác và đầu tư vào Việt Nam của các tổ chức hữu nghị và rất nhiều doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, Giáo sư Ahn Kyong Hwan có những chia sẻ về hoạt động 20 năm qua của Hội. Những hoạt động chủ yếu tập trung của Hội là tổ chức hội thảo, triển lãm với quy mô lớn như hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về văn hóa, lịch sử Việt Nam, dịch và giới thiệu những tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc.
Thông qua những hoạt động này, việc tuyên truyền và giới thiệu về Việt Nam tại Hàn Quốc đã được thực hiện trên phạm vi rộng và có hiệu quả.
Mượn tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Ahn Kyong Hwan khẳng định, với nền tảng là tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau, chắc chắn hai dân tộc Hàn Quốc và Việt Nam có thể vượt lên mọi khó khăn, thử thách để cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp và thịnh vượng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chân thành cảm ơn các nhân sỹ, tổ chức hữu nghị nhân dân với Việt Nam - những người bạn thân thiết đã luôn gắn bó, dành cho Việt Nam sự ủng hộ, hợp tác vững bền và luôn sát cánh với Việt Nam trong hành trình vun đắp tình hữu nghị Việt-Hàn những năm qua.
Chủ tịch Quốc hội ôn lại thời điểm vào năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, từ đó mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác song phương.
Từ đó đến nay, quan hệ hai nước đã đạt được bước phát triển vượt bậc và đáng tự hào. Đặc biệt, kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược”, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những thắng lợi rực rỡ trên nhiều lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, giao lưu nhân dân tiếp tục được thúc đẩy, đóng vai trò là động lực và cầu nối góp phần tích cực vào việc xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có gần 197.000 người. Hàn Quốc cũng có cộng đồng khoảng 150.000 kiều dân tại Việt Nam.
“Rất hiếm quốc gia nào có cộng đồng công dân của nước này ở nước kia lại gần tương đương nhau như vậy. Đặc biệt, với khoảng 68.000 gia đình đa văn hóa Hàn - Việt tại Hàn Quốc đang kết nối đưa nhân dân hai nước từ quan hệ thông gia trở thành một gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trên nền tảng vững chắc này và tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới trong khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược”, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi với các nhân sỹ hữu nghị Hàn Quốc một số nét về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam; cho biết, hội nhập quốc tế trong hơn 30 năm qua đã đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp, trở thành một nền kinh tế phát triển năng động. Để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, Việt Nam đã và đang xây dựng nhà nước pháp quyền, đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam kiên trì thực hiện việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, ngoại giao nhân dân giữa hai nước đã góp phần không nhỏ vào lịch sử phát triển quan hệ ngoại giao. Là những tổ chức có uy tín, lực lượng nòng cốt trong việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, với phạm vi hoạt động rộng, các đoàn thể hữu nghị nhân dân của hai bên như Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, Hội hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam, Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam, Hội kinh tế văn hóa Hàn - Việt, Quỹ hữu nghị Hàn Quốc - châu Á, dòng họ Lý ở Hàn Quốc, Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc... đã và đang thúc đẩy các hoạt động góp phần xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao hoạt động của các tổ chức hữu nghị nhân dân cũng như các nhân sỹ, trí thức ở hai nước trong việc góp phần làm cho nhân dân hai nước ngày càng gần gũi, hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử và truyền thống văn hóa của nhau.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các tổ chức hữu nghị nhân dân ở Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động giao lưu đa dạng, phong phú và thiết thực, góp phần vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác chung giữa hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc./.
Giới thiệu nhân sự cán bộ Quân đội quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương  (06/12/2018)
Thủ tướng Vương quốc Campuchia bắt đầu thăm chính thức Việt Nam  (06/12/2018)
Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội tại Hàn Quốc  (06/12/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên