Vai trò của truyền thông đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin
TCCSĐT - Ngày 22-11, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của truyền thông đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin”. TS. Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo.
Đến dự Hội thảo có các đại biểu: PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Phía Thành ủy Hà Nội có đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội. Ngoài ra, còn có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, đại diện các cơ quan truyền thông trong nước.
TS. Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phát biểu đề dẫn
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhận định, là trung tâm đầu não chính trị cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, khoa học, giáo dục, đầu mối giao lưu quốc tế, bên cạnh những thuận lợi, Thủ đô Hà Nội gặp không ít khó khăn, thách thức trước những hoạt động chống phá tập trung của các thế lực thù địch thông qua việc gây nhiễu loạn thông tin, thổi phồng, bóp méo sự thật, mưu đồ tạo ra bất ổn xã hội, gieo rắc những âm mưu cản trở, chống lại quá trình phát triển tích cực, tiến bộ, bền vững trên mọi lĩnh vực. Trước bối cảnh đó, Thành phố Hà Nội cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của truyền thông báo chí với các chức năng quan trọng là giáo dục tư tưởng, tuyên truyền, cổ động, quản lý gián tiếp và giám sát xã hội,… thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đưa thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, trách nhiệm, làm cơ sở để hình thành và thể hiện dư luận xã hội. Với tinh thần đó, Hội thảo mong muốn tiếp nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, hữu ích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo, đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quý báu để Thành phố Hà Nội thấy rõ thực trạng của truyền thông đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin; từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát đúng nhằm góp phần thiết thực vào sự phát triển lớn mạnh, bền vững của Thủ đô.
Với nội dung đánh giá về hiệu quả góp phần xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội thông qua hoạt động truyền thông của các cơ quan báo chí, PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, khẳng định công tác thông tin tuyên truyền về Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự to lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đài Tiếng nói Việt Nam tích cực tuyên truyền các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Đại Hội XVI Đảng bộ thành phố, các chủ trương, chính sách của Hà Nội một cách kịp thời, chính xác trong các bản tin, chương trình thời sự, tiêu điểm,... Trên cơ sở đó, để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền cho Hà Nội trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ mong muốn Thành phố Hà Nội tăng cường cơ chế hợp tác với các cơ quan báo chí nhằm thúc đẩy các cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ tốt được giao.
Khẳng định vị thế của tờ báo Đảng tiên phong trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển của Thủ đô, đồng chí Mai Thị Kim Thoa, đại diện Báo Hà Nội mới cho biết, Báo Hà Nội mới thời gian qua đã có những tin, bài phản ánh sinh động bức tranh đời sống xã hội của Thủ đô; làm tốt công tác phản biện xã hội; tích cực tham gia cùng Đảng bộ, chính quyền Thành phố giải quyết những việc mới, việc khó; đấu tranh chống các thế lực thù địch; tập hợp các tầng lớp nhân dân phát huy trí tuệ, sức lực, tâm huyết thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
Cùng bàn về trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đối với Thủ đô, đồng chí Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử chính phủ cho rằng, Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai nhiệm vụ của công tác truyền thông hiện nay, khẳng định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền đối với việc đưa chính sách vào cuộc sống. Cổng Thông tin điện tử chính phủ hiện đang duy trì chuyên trang về thủ đô Hà Nội được mở nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, vì vậy, để tăng tính hiệu quả của chuyên trang, theo đồng chí Vi Quang Đạo, Thành phố Hà Nội cần tiếp tục có chỉ đạo cụ thể các cổng thông tin điện tử thực hiện một cách thống nhất, phục vụ kịp thời các chỉ đạo của chính phủ, thủ tướng chính phủ nói chung, của thành ủy nói riêng.
Hội Nhà báo Việt Nam với 68 năm xây dựng và phát triển luôn đồng hành cùng Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở ký kết hợp tác với Thành phố Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực xây dựng thành phố. Đây là nhận định của đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo. Bên cạnh thông tin tuyên truyền hằng ngày, các cơ quan báo chí đã có sự trao đổi cởi mở, thẳng thắn, nêu rõ những khó khăn, thuận lợi trong tuyên truyền về Hà Nội thời gian qua. Để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan báo chí với Hà Nội, theo đồng chí Hồ Quang Lợi, báo chí cần tuân thủ Quy định báo chí năm 2016, Nghị định số 09/NĐ-CP, ngày 09-02-2017 về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thông tin về Hà Nội ngày càng hiệu quả hơn nữa. Thông tin cần chính xác, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí chặt chẽ, thiết thực hơn.
Quang cảnh Hội thảo
Bàn về những vấn đề then chốt trong hoạt động truyền thông chính sách của thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Hồng Nam phân tích vai trò truyền thông Hà Nội với hai nhiệm vụ: truyền thông chính sách, truyền thông quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh của Thủ đô Hà Nội. Đánh giá quá trình truyền thông của Hà Nội có nhiều đổi mới mạnh mẽ, để tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của công tác truyền thông chính sách, theo đồng chí Trần Hồng Nam, cần sử dụng truyền thông để phản hồi, xử lý các thông tin, tìm hiểu thái độ của nhân dân đối với chính sách. Xây dựng đội ngũ làm công tác truyền thông chuyên nghiệp. Phát huy vai trò của các tổ chức truyền thông đại chúng, coi đây là yếu tố tham gia quá trình hoạch định chính sách, có định hướng xã hội. Tổ chức bài bản công tác quản lý truyền thông, đặc biệt quản lý xử lý khủng hoảng truyền thông, nhất là sử dụng truyền thông để giải quyết khủng hoảng.
Đồng quan điểm, TS. Trần Bá Dung, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh vai trò của báo chí trong truyền thông của Thủ đô Hà Nội, nhất là trong quy trình xây dựng, thực thi, đánh giá chính sách. Đồng chí đề xuất Thành phố Hà Nội cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ban hành chính sách, thực thi chính sách của Hà Nội với các cơ quan báo chí trong việc truyền thông chính sách. Cần quy định những trường hợp bắt buộc các cơ quan làm chính sách của Hà Nội mời báo chí tham gia vào quy trình hoạch định chính sách. Trong chiến lược, phương thức tiếp cận trong truyền thông chính sách của Hà Nội, cần coi trọng công tác thăm dò ý kiến công chúng Thủ đô.
Hội thảo cũng đã có những ý kiến bàn về vai trò của truyền thông đại chúng, phương thức giải quyết khủng hoảng truyền thông. Phân tích bối cảnh xã hội thông tin đa chiều, nhu cầu tiếp nhận thông tin cao từ người dân, PGS, TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề cập tới áp lực thông tin trong cơn bão truyền thông hiện nay, những khó khăn trong việc lựa chọn giữa thông tin đúng, thông tin nhiễu. Trước thực trạng này, truyền thông đại chúng cần khẳng định vai trò định hướng với các chức năng: chức năng tư tưởng, chức năng văn hóa, chức năng giám sát và quản lý xã hội, chức năng giải trí và dịch vụ xã hội. Trong thực thi vai trò, truyền thông cần tính toán tỷ lệ phù hợp giữa truyền thông thông tin tích cực và thông tin tiêu cực theo phương châm “bảy khen, ba chê”. Theo đó, bảo đảm vai trò định hướng xã hội.
Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Vận dụng một số lý thuyết truyền thông vào giải quyết khủng hoảng truyền thông cho Hà Nội, Ths. Phan Văn Kiền, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đề cập tới những tồn tại trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông thời gian qua của Thành phố Hà Nội, đó là: Tốc độ xử lý khủng hoảng truyền thông chậm. Thiếu tính chuyên nghiệp nhìn từ ba góc độ: Ứng xử với báo chí chưa tốt; nhận thức về vai trò của truyền thông chính sách chưa tốt; cách nhìn nhận về các phương tiện truyền thông chưa cập nhật, chưa đồng bộ. Từ đó, đồng chí đã đưa ra một số gợi ý: Một là, Hà Nội cần đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp. Hai là, đối với cán bộ của thành phố, cần xây dựng quy trình ứng xử với công chúng cũng như báo chí. Ba là, cần thay đổi thái độ với các kênh truyền thông phi chính thống nhằm tính toán kỹ các tình huống khi tiếp xúc với báo chí và thông điệp truyền tải cho công chúng.
Từ những ý kiến tham luận tại Hội thảo, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhận xét, các ý kiến trao đổi đã làm rõ vai trò của truyền thông đối với Thành phố Hà Nội. Công tác thông tin tuyên truyền, nhất là vai trò của truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng. Nếu tuyên truyền đúng sẽ tạo hiệu ứng tích cực, nếu thông tin sai lệch sẽ khiến việc thực hiện chính sách bị thất bại. Hiệu quả truyền thông quyết định thành công trong việc thực thi và tiếp nhận chính sách.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhận định, trong bối cảnh Hà Nội hiện nay, vai trò truyền thông rất quan trọng. Mục tiêu của Hội thảo nhằm tham góp các giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Qua các ý kiến đóng góp và kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Đức Chung đánh giá cao giải pháp công tác truyền thông đến với mỗi gia đình. Người dân thành phố cần cập nhật tình hình phát triển của Thành phố để có thể lựa chọn nguồn thông tin tin cậy, phân biệt thông tin đúng, thông tin sai lệch. Thành phố cần thiết lập mạng thông tin riêng để cập nhật thông tin từ những đơn vị kinh tế - xã hội nhỏ nhất của thành phố. Đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội luôn coi trọng công tác truyền thông, vì vậy, thông qua Hội thảo, Thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để có những giải pháp thực tế phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn cho biết, Hội thảo nhận được trên 60 bài tham luận cung cấp những thông tin toàn diện, sâu sắc, đa diện về vai trò của truyền thông đối với Thành phố Hà Nội, trong đó, tập trung vào các vấn đề: Đổi mới công tác truyền thông trước nhu cầu của Hà Nội trong bối cảnh công nghệ số; Đánh giá, bình luận, phân tích về vai trò của truyền thông trên các yếu tố tuyên truyền, phản biện, giám sát dư luận, tương tác xã hội, quảng bá hình ảnh,... ở những góc độ khác nhau; Bàn về phương tiện thông tin và các phương thức thông tin mà Thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ sử dụng; Coi trọng yếu tố chuẩn bị đầu vào của chính sách, quá trình thực thi và đầu ra của chính sách để tạo sự đồng thuận xã hội; Bàn về nội dung, phương thức hợp tác của Hà Nội với các cơ quan truyền thông; Bàn về chất lượng của thông tin, tốc độ của thông tin; Vai trò chủ động thông tin của Thành phố. Về phương thức truyền thông, nhiều tham luận có cách đề cập đa dạng, nhấn mạnh truyền thông chính thống; tính chủ động tương tác với báo chí, mạng xã hội; đào tạo đội ngũ cộng tác viên; một số kiến nghị phát huy tốt hơn hình thức đối tác công - tư trong công tác truyền thông; tổ chức các hội thảo khoa học như phương thức đầu vào trong hoạch định chính sách.
Hội thảo đề xuất nhiều kiến nghị: Xác định vai trò trách nhiệm của các chủ thể trong công tác truyền thông. Tích hợp công tác truyền thông trong hoạt động lãnh đạo quản lý. Hình thức đối tác công - tư trong phát huy đầy đủ truyền thông quảng bá hình ảnh. Xây dựng quy trình ứng xử đối với truyền thông. Phát huy sức mạnh của các cơ quan Trung ương, cơ quan quản lý của Thành phố thông qua công tác truyền thông./.
Đắk Lắk: Tinh gọn tổ chức, bộ máy làm công tác dân số và phát triển  (22/11/2018)
Những việc tối thiểu cần thiết khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ  (22/11/2018)
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018  (22/11/2018)
Công an tỉnh Lai Châu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (22/11/2018)
Công an tỉnh Lai Châu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (22/11/2018)
Tiếp tục cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển  (22/11/2018)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay