Thế cục mới trên bản đồ chính trị Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ
Cuộc đua giữa hai đảng đã ngã ngũ với việc hai đảng chia nhau thống trị bản đồ bầu cử nước Mỹ. Theo kết quả bầu cử, đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump nới rộng thế đa số tại Thượng viện Mỹ nhưng mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay phe Dân chủ. Đảng Cộng hòa đã không duy trì được thế thống trị của mình tại Quốc hội lưỡng viện Mỹ và đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện kể từ năm 2010 và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi nhiều khả năng sẽ quay lại vị trí Chủ tịch Hạ viện. Chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện được dự báo sẽ tác động đáng kể tới chương trình nghị sự mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa đang theo đuổi.
Các nhà quan sát bầu cử quốc tế
thuộc Văn phòng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) phụ trách
các thể chế dân chủ và nhân quyền (ODIHR) cùng Hội đồng Nghị viện của
OSCE (OSCE PA) ngày 07-11 đưa ra tuyên bố: Không có bất kỳ bằng chứng
nào về sự can thiệp từ nước ngoài trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa
nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 6-11 vừa qua. Đây là tuyên bố rất ý nghĩa
trong bối cảnh chính quyền Mỹ trong 2 năm qua nhiều lần cáo buộc Nga đã
can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống nước này năm 2016.
Phát biểu với
báo giới tại thủ đô Washington (Mỹ), điều phối viên đặc biệt của OSCE
George Tsereteli khẳng định: "Chúng tôi không phát hiện bất kỳ bằng
chứng nào". Theo quan chức này, máy móc bầu cử hoạt động tốt và họ không
phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bất cứ điểm bầu cử hay hệ thống
nào bị tấn công. Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn OSCE PA Isabel
Santos nhấn mạnh, cho đến nay các nhà quan sát không phát hiện bất kỳ
bằng chứng về sự can thiệp từ bên ngoài đối với cuộc bầu cử. Tuy nhiên,
bà Santos cho biết, nhà chức trách trên khắp thế giới cần sẵn sàng phản
ứng và hợp tác trong các vấn đề liên quan đến an ninh bầu cử. Bà Santos
nêu rõ: "Không gian mạng là không gian mở không biên giới và mối đe dọa
có thể tới từ khắp mọi nơi, thậm chí xuất phát từ một công dân. Chúng ta
cần sẵn sàng đầu tư vào an ninh mạng - đầu tư vào công nghệ cũng như
vào đối thoại giữa các nước nhằm mục đích tự vệ".
Cũng trong ngày
07-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, chính quyền của ông có kế
hoạch công bố bản báo cáo đầy đủ về bất kỳ hoạt động can thiệp từ các
nước khác vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mới kết thúc.
2 năm thống trị của đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump
Cuộc bầu cử được coi là “phép thử” đánh giá độ tín nhiệm của cử tri Mỹ đối với các quyết sách và đường lối lãnh đạo đất nước của Tổng thống tỷ phú Donald Trump.
Với quyền lực kiểm soát cả hai viện Quốc hội trong tay, chính quyền đảng Cộng hòa đã có hai năm “gây nhiều sóng gió” trên chính trường Mỹ, mà hệ lụy là sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ.
Những thành tựu kinh tế trong hai năm qua dưới sự chèo lái của Tổng thống Trump thực sự là điểm nhấn. Nền kinh tế Mỹ đã đạt tăng trưởng tích cực và ổn định nhất trong nhiều năm qua. Mức tăng tổng sản phẩm quốc nội trong quý III vừa qua đạt 3,2%, mặc dù giảm so với mức kỷ lục 4,2% của quý liền kề trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức 3,7% ấn tượng.
Thành tích kinh tế không thể che lấp những mâu thuẫn trong xã hội liên quan các vấn đề tôn giáo, sắc tộc cũng như tâm lý bất an của người dân. Trong hai năm qua, các quyết sách gây tranh cãi liên quan những vấn đề nổi cộm, như hạn chế người Hồi giáo đến Mỹ, siết chặt kiểm soát người nhập cư, triển khai quân tới biên giới với Mexico ngăn người nhập cư, bỏ qua nạn bạo lực súng đạn… đã khiến xã hội Mỹ dậy sóng.
Trước thềm cuộc bầu cử, hoạt động tội phạm liên quan đến các phát ngôn thù hận có xu hướng gia tăng tại tất cả các địa phương trên nước Mỹ, khiến cho đời sống chính trị nước này rơi vào tình trạng bất ổn và phân hóa sâu sắc. Một cử tri “cuồng” đảng Cộng hòa đã gửi hàng loạt bưu kiện chứa chất nổ tới nhà riêng, văn phòng các chính khách Dân chủ có tầm ảnh hưởng với mục đích đe dọa. Trong khi đó, vụ xả súng đẫm máu của một đối tượng bài Do Thái, cướp đi sinh mạng của 11 người, gây chấn động nước Mỹ. Đặt trong bối cảnh chính trị sôi sục của nước Mỹ, các vụ việc càng khiến tình hình thêm phức tạp, tô đậm thêm sự chia rẽ, kỳ thị trong xã hội.
Thực tế này đã tác động mạnh đến tâm lý cử tri, khiến cho tỷ lệ phiếu ủng hộ đảng Cộng hòa giảm sút. Trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, giới nghiên cứu và phân tích đã chú ý đến sự phân hóa nghiêm trọng trong xã hội Mỹ. Lần này, xu hướng phân hóa trên lại xuất hiện và có phần gay gắt hơn. Không chỉ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, mà ngay trong nội bộ các đảng cũng đang có sự bất đồng, tranh cãi liên miên, quyết không nhượng bộ nhau về một loạt vấn đề chính trị, xã hội.
Trong lĩnh vực đối ngoại, các quyết sách và hành xử của chính quyền Tổng thống Trump cũng khiến một bộ phận không nhỏ người dân lo ngại. Bên cạnh bước ngoặt ít người ngờ tới là thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đa phần các chuyển động của Tổng thống Trump với tôn chỉ “Nước Mỹ trước tiên” trong chính sách đối ngoại đều ảnh hưởng tới vị thế siêu cường của Washington.
Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), buộc các nước tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, đặt câu hỏi về tính hữu dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), “quay lưng” với thỏa thuận hạt nhân Iran để tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu truyền thống,... Bên cạnh đó, Washington còn chỉ ra một loạt nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, mạnh tay áp đặt các biện pháp bảo hộ, với lập luận rằng tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ trì trệ và người lao động Mỹ mất việc làm. Tổng thống Trump đã kích hoạt cuộc chiến thương mại được cho là khiến đôi bên cùng thua thiệt với Trung Quốc. Chưa hết, ông Trump cũng rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đảo ngược chính sách cởi mở với Cuba, “ngoảnh mặt” với Hiệp ước toàn cầu về di trú, cắt giảm ngân sách đóng góp cho các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel...
Những quyết sách này nhằm mục tiêu xuyên suốt "Nước Mỹ trước tiên", nhưng lại làm dấy lên sự hoài nghi về vị thế của nước Mỹ trên toàn cầu. Cho rằng lợi ích của nước Mỹ không dựa vào các quan hệ đối tác an ninh cùng có lợi ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông, ông Trump đã dẫn dắt nước Mỹ bước vào giai đoạn mới, có tính hướng nội. Nhiều ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo này đã trở về với chủ nghĩa biệt lập, "đoạn tuyệt" với chủ trương của các đời tổng thống trước đây về một nước Mỹ ủng hộ đa phương và can dự vào tất cả các vấn đề của thế giới. Về mặt lý thuyết, chính sách "Nước Mỹ trước tiên” tối ưu hóa quyền lợi của đất nước và người dân Mỹ, nhưng trên phương diện ngoại giao, tạo dựng sức mạnh mềm và ảnh hưởng toàn cầu, chính sách này dường như là bước đi ngược, mà hậu quả có thể biến từ “Nước Mỹ trước tiên” thành “Nước Mỹ cô lập”. Tổng thống Trump vì thế đang trở thành chính trị gia gây mâu thuẫn, chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Đảng Dân chủ: Sự trở lại ngoạn mục
Cử tri Mỹ bước vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ với tâm trạng và bức tranh toàn cảnh đa sắc màu như thế. Với chiến dịch vận động tranh cử rất tốn kém (tổng chi của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cho cuộc bầu cử vào khoảng 5,2 tỷ USD - đắt đỏ nhất lịch sử bầu cử giữa kỳ ở Mỹ), đảng Dân chủ quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu lật ngược thế cờ. Các chính khách Dân chủ đã đánh trúng tâm lý lo ngại của các tầng lớp dân chúng, cho rằng cần lập lại thế cân bằng trong cơ quan lập pháp để hạn chế những quyết sách gây tranh cãi của chính quyền.
Kết quả đảng Cộng hòa và Dân chủ chia nhau kiểm soát lưỡng viện Quốc hội là lời đáp đối với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, đồng thời cũng cho thấy nước Mỹ đang chia rẽ hơn bao giờ hết, điều chắc chắn sẽ tác động mạnh tới chính trường Mỹ trong hai năm cầm quyền còn lại của tỷ phú này. Áp lực sẽ đến với ông Trump từ nhiều vấn đề đối nội, như chương trình cải cách y tế, chế độ nhập cư và thuế, kiểm soát súng đạn…
Những khó khăn của Donald Trump...
Nhờ một nền kinh tế mạnh kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, đảng Cộng hòa đã tránh bị thua một "vố đau" trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa qua. Tuy nhiên, lịch trình kinh tế của tổng thống doanh nhân này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ sau khi đảng Dân chủ lật ngược thế cờ, giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Nhận định của giới chuyên gia sau khi có các kết quả cuộc bầu cử cho biết với một cơ quan lập pháp chia rẽ từ đầu năm tới, và khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đang trong quá trình "chạy đà", sự phân cực ở Washington đồng nghĩa với việc các dự luật về kinh tế sẽ khó có thể được thông qua.
Bà Nancy Vanden Houten, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết: "Phe Dân chủ chắc chắn sẽ chống lại mọi ý định cắt giảm thuế thêm nữa. Chúng ta sẽ chứng kiến cảnh bế tắc trong nhiều vấn đề, song vẫn có cơ hội đạt một thỏa thuận về một gói hạ tầng khiêm tốn".
Khi tác động của chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017 đang mờ dần, các chính sách thuế mạnh tay của Tổng thống Trump đang ngày một mạnh hơn trong khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất. Nền kinh tế Mỹ được dự báo là sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới. Và ông Trump - người từng cảnh báo rằng phe Dân chủ sẽ "phá hỏng nền kinh tế của chúng ta" - giờ đây đã có hai "kẻ tội đồ" để đổ lỗi nếu xảy ra suy thoái: đó là Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, và Chủ tịch FED Jerome Powell. Bà Vanden Houten dự báo: "Nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ dễ bị tổn thương hơn trong một năm tới".
… và tương lai nhiệm kỳ hai của Donald Trump
Thắng lợi tại Hạ viện trong cuộc bầu cử vừa qua còn được coi là bước đầu tiên dọn đường cho đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào năm 2020 tới. Đây là lý do khiến cuộc bỏ phiếu ngày 06-11 được ví như “sự bắt đầu” cho năm 2020.
Đảng Cộng hòa tuy để mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ trong bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, nhưng tuyệt đại đa số ứng cử viên được Tổng thống Mỹ Donald Trump trợ giúp vận động tranh cử đều giành chiến thắng. Điều này cho thấy ông chủ Nhà Trắng vẫn tiếp tục phát huy sức cuốn hút của mình. Hơn nữa, “làn sóng xanh” (Dân chủ) đã không diễn ra như kỳ vọng của đảng Dân chủ, bản đồ chính trị Mỹ cơ bản vẫn phủ “màu đỏ” (Cộng hòa). Như thế, ông Trump vẫn nắm trong tay cơ hội liên nhiệm lớn trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.
Theo giới phân tích, về cơ bản, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều giành được tỉ lệ cử tri ủng hộ ngang nhau, nhưng đảng Cộng hòa lại giành ưu thế tuyệt đối về diện tích ủng hộ trên bản đồ. Nông thôn là khu vực tập trung chủ yếu của cử tri bảo thủ chính trị, mang đậm sắc thái bài ngoại, là người da trắng, có trình độ giáo dục thấp và có thu nhập thấp. Trong khi đó, thành phố là nơi dân số đông, cử tri có xu hướng chấp nhận dân di cư, đa sắc tộc, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và các nhóm yếu thế như cộng đồng người đồng giới, song giới và chuyển giới. Đây là nguồn cơn của sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, nhưng lại giúp Tổng thống Trump tăng khả năng liên nhiệm trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.
Theo kết quả điều tra của tổ chức điều tra dân ý độc lập SSRS, có tới 46% người Mỹ cho rằng ông Trump sẽ liên nhiệm tổng thống vào năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 24% của ông Bill Clinton và 44% của ông Barack Obama trong cuộc điều tra tương tự. Vì vậy, nước Mỹ và thế giới nên chuẩn bị cho việc ông Trump nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa./.
Tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu  (10/11/2018)
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Trung ương đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế  (09/11/2018)
Để báo chí của Đảng phát huy vai trò kênh thông tin, tài liệu tuyên truyền quan trọng  (09/11/2018)
Quan hệ Cuba - Việt Nam luôn là mối quan hệ đặc biệt  (09/11/2018)
Phiên họp đầu Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng lần XIII  (09/11/2018)
Điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng từ 01-7-2019  (09/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên