Nhiều giải pháp bảo đảm phát triển vững chắc nền kinh tế
TCCSĐT - Ngày 24-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ; tiến hành quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
* Sáng 24-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hàng năm và giữa kỳ. Bên cạnh đánh giá cao những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, thành quả đầu tư công trung hạn 3 năm qua, đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn về phân khai nguồn vốn đầu tư công và hụt thu trong các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cùng các vấn đề an sinh xã hội, môi trường.
Tính toán lại dự toán thu
Phân tích việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhìn nhận, thành quả đầu tư công trung hạn 3 năm qua là rất lớn, vì hệ quả của nhiệm kỳ trước để lại quá nhiều dự án dở dang, nên việc ban hành được kế hoạch đầu tư công trung hạn và Luật Đầu tư công đã khắc phục được tình trạng dàn trải. Hơn 6.000 công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng là việc chưa từng có; mức vốn của dự án không còn dàn trải.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc phân khai nguồn vốn “đang chia số tiền không có và chia cả số tiền đã chia trong trung hạn cho các dự án”. Đại biểu phân tích, năm 2019, Quốc hội sẽ quyết định 198 nghìn tỷ đồng cho chi đầu tư. Năm 2020, dự báo cũng chỉ bố trí được chi đầu tư của trung ương gồm tất cả các nguồn khoảng 217 nghìn tỷ đồng, tổng cộng là hơn 410 nghìn tỷ đồng. Song hiện trong kế hoạch trung hạn đã giao 475 nghìn tỷ đồng, đã có tên dự án và mức tiền cho từng dự án, tức là với cân đối đó, không thể đủ vốn để bố trí cho các dự án triển khai.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng nhìn nhận việc Chính phủ trình dự án đường ven biển, trước đây có phương án huy động nguồn lực xã hội nhưng giờ không làm được, vướng Nghị quyết của Quốc hội không triển khai được theo hình thức BOT. Tuyến đường đó lại không có khả năng thu hút được đầu tư, nay chuyển tiếp thành đầu tư công nhưng lại chưa có phương án nguồn. Nếu làm thì chắc chắn sẽ dàn trải như giai đoạn trước.
Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, 3 năm qua, tốc độ tăng thu ngân sách vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế, đây là nỗ lực của Chính phủ và của Bộ Tài chính, cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thu ngân sách không bền vững, 3 năm đều vượt thu nhưng lại vượt thu từ đất, từ xổ số, tài nguyên. Loại trừ khoản này ra thì 3 khoản quan trọng nhất mà cả 3 năm đều hụt thu là thu doanh nghiệp nhà nước, thu FDI và thu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. “Do chúng ta giao dự toán cao, ta thu đáp ứng nhu cầu chi, nhưng nguồn thu không cân đối một cách bền vững”, ông nói.
Bên cạnh đó, tỷ trọng thu ngân sách trung ương đang bị giảm so với giai đoạn trước, cho thấy phân cấp, điều tiết ngân sách đang có vấn đề. “Chính phủ có thể đi theo hướng khai thác nguồn thu còn dư địa mà không ảnh hưởng đến người dân, tập trung vào thuế trực thu chứ không vào thuế gián thu nữa, như thuế VAT, thuế môi trường. Phân cấp phải đảm bảo vai trò của trung ương và phải bảo đảm nguồn thu thì mới có thể đảm bảo nhiệm vụ chi để phát triển kinh tế”, đại biểu đề xuất.
Một vấn đề đáng lưu ý được đại biểu nhắc đến là trong 3 năm gần đây, Chính phủ đang giao phần thu nội địa quá cao cho các địa phương. “Năm 2017, có 33 địa phương hụt thu, sau khi có yêu cầu dùng các nguồn để bù đắp thì rất nhiều tỉnh đã bán đất, đây là việc phải cân nhắc vì có giới hạn. Nhiều tỉnh sử dụng quỹ tài chính và các nguồn dư tích lũy lại của cải cách tiền lương để sử dụng, dẫn đến cạn kiệt dư địa để phát triển”, đại biểu lưu ý.
Về vấn đề nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành công lớn khi cơ cấu lại nợ, giảm khoản trả nợ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cách thức vay nợ mới (lãi suất thấp hơn) để trả nợ cũ nhưng quy mô nợ rất lớn, và ngân sách trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa. Đại biểu kiến nghị ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay nợ làm sao phải tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là dành cho công trình có khả năng thu hồi vốn cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải nhìn lại việc cho vay lại và bảo lãnh, vì hiện nay nợ quốc gia sắp chạm trần, nếu vượt trần này thì mức tín nhiệm của Việt Nam sẽ khác, các doanh nghiệp không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến cả năm nay thu ngân sách sẽ vượt 5% dự toán, thay vì vượt 3% như chỉ tiêu ban đầu. Tuy nhiên, thu ngân sách ở 3 khu vực không đạt là do đặt ra dự toán quá cao. Có 16 tỉnh, thành phố có ngân sách điều tiết về trung ương đều được giao tăng thu 18% so với năm trước. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được Trung ương giao thu cao hơn 24%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng kinh tế.
“Tuy nhiên, năm nay, Chính phủ sẽ không giao cao như vậy nữa, bình quân 16 tỉnh thì chỉ giao thu ngân sách tăng trung bình 12%. Ngoài ra trong năm nay, Chính phủ sẽ trình tiếp với Quốc hội bố trí 5.600 tỷ đồng để bù hụt thu ngân sách trung ương và cấp 2.800 tỷ đồng để bù thiếu hụt cân đối ngân sách cho địa phương”, Phó Thủ tướng khẳng định; đồng thời cho biết, sang năm 2019 Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội chỉnh sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước thì số thu ngân sách từ khu vực này sẽ tăng lên.
“Một mặt Chính phủ sẽ tính toán lại dự toán thu, mặt khác phải triển khai quyết liệt hơn chống thất thu, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh”, Phó Thủ tướng chốt lại nội dung này.
Phát triển kinh tế biển
Theo phân tích của đại biểu Trần Quốc Vượng (Yên Bái), nền kinh tế chưa vững chắc, vì chúng ta dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, như vậy không thể nói nền kinh tế độc lập, tự chủ được. Xuất siêu tập trung ở khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn là nhập siêu, đây là điều cần phân tích kỹ, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải có giải pháp nâng thực lực kinh tế trong nước lên. “Chứ cứ theo cái đà này thì nguy hiểm. Nhiều địa phương bây giờ dựa vào FDI, nếu họ rút đi thì sẽ khó khăn ngay”, ông nói.
Cũng theo ông Trần Quốc Vượng, trong tình hình hiện nay phải chú ý đặc biệt đến môi trường và khí hậu. Mấy năm gần đây, qua các vụ việc và môi trường, chúng ta đã quan tâm, bừng tỉnh, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhất là Formosa - bài học đắt giá và làm cho mọi người thức tỉnh về vấn đề môi trường. Vấn đề này cần phải làm mạnh hơn nữa, nếu không sẽ không để lại được gì cho con cháu với môi trường sống không bảo đảm.
Đại biểu đề cập đến tình trạng xây dựng thủy điện, mặc dù phát huy tác dụng, ra tiền, ra bạc, nhưng cũng có nơi sau khi có thủy điện thì khí hậu biển đổi hẳn so với trước, mưa rất nhiều, lũ quét rất nguy hiểm. Đại biểu đề nghị cần đầu tư trang bị hệ thống cảnh báo.
Băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ không đề cập đến nội dung kinh tế biển, đại biểu Trần Quốc Vượng đề xuất bổ sung nội dung này trong phương hướng của năm 2019. Theo ông, nước ta có mấy chục triệu người dân sống nhờ biển. Nếu các kế hoạch hàng năm không nói gì đến kinh tế biển thì không thể ra được kế hoạch 5 năm, 10 năm. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với đất nước.
** Chiều 24-10, Quốc hội tiến hành quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Điều 12 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đó là các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, trong số những người giữ các chức vụ thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Do vậy, căn cứ khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/Quốc hội 13, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
Sau khi thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã tiến hành thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả thảo luận ở Đoàn sẽ được Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo sáng 25-10. Sau đó, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều cùng ngày và Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn./.
Nhiều địa phương chủ động giám sát, kiểm soát các dịch bệnh  (24/10/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 15 đến ngày 21-10-2018)  (24/10/2018)
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  (24/10/2018)
Xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng - Quyền lực và phẩm chất quyền lực  (24/10/2018)
Việt Nam với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  (24/10/2018)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên