Nhiều địa phương chủ động giám sát, kiểm soát các dịch bệnh
TCCSĐT - Ngành y tế của nhiều địa phương đã chủ động, tích cực tuyên truyền cho người dân về các triệu chứng của các dịch bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu, quai bị…, nguy cơ mắc bệnh nhằm có các biện pháp phòng, chống bệnh phát sinh, lây lan.
Kon Tum: Tăng cường giám sát, kiểm soát tốt bệnh bạch hầu
Ảnh minh họa. Ảnh: Hải Sâm
Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến ngày 20-10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ổ bệnh bạch hầu với 3 trường hợp mắc ở các huyện Đăk Hà 1, Đăk Tô 1 và Tu Mơ Rông 1. Trong đó, có 2 trường hợp ở huyện Đăk Hà 1 và Đăk Tô 1 đã tử vong, 1 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.
Ba trường hợp khác nghi mắc bệnh bạch hầu nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum ngày 08-10 với triệu chứng giống bệnh bạch hầu. Đến ngày 16-10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên trả kết quả xét nghiệm 3 trường hợp trên không phát hiện vi khuẩn bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh nhân đã điều trị kháng sinh trước, lâm sàng khá rõ, dịch tễ có liên quan, chưa được tiêm phòng nên ngành y tế vẫn phải thực hiện công tác phòng, chống bệnh tại cộng đồng.
Bệnh bạch hầu ở tỉnh Kon Tum đang được ngành chức năng kiểm soát tốt, hiện chưa phát hiện thêm trường hợp nào mắc bệnh. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của bệnh, ngành y tế tỉnh Kon Tum tập trung triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh chú trọng công tác tiêm phòng vắc xin Td (vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván), công tác khử khuẩn tại các điểm phát sinh ổ bệnh đã hoàn thành trước ngày 21-10.
Ngành y tế tiếp tục tuyên truyền cho người dân về các triệu chứng của bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh để người dân tự giác và chủ động phòng, chống; tăng cường các hoạt động truyền thông về tác dụng, lợi ích tiêm chủng, đối tượng và lịch tiêm để người dân biết, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Ngành y tế cũng chỉ đạo các trạm y tế xã tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, ghi chép, lưu trữ hồ sơ tiêm chủng để có cơ sở xác minh tình trạng tiêm chủng của trẻ khi mắc các bệnh có vắc xin dự phòng. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường,đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Kon Tum là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các trường hợp mắc bệnh bạch hầu chủ yếu là đồng bào dân tộc. Khu vực này có trình độ dân trí thấp, ở vùng khó khăn và thời điểm Chương trình tiêm chủng mở rộng đang ở giai đoạn đầu của xóa xã trắng về tiêm chủng, chưa được triển khai đầy đủ (công tác tiêm chủng mở rộng được tỉnh Kon Tum triển khai ngay sau khi tái lập tỉnh vào năm 1991). Vì vậy, trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh Kon Tum tiếp tục giám sát chặt chẽ ổ bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn; tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Td cho các đối tượng 7 - 25 tuổi tại xã Đăk Trăm - huyện Đăk Tô, cho đối tượng 7 - 30 tuổi tại xã Đăk Tờ Kan và xã Đăk Rơ Ông - huyện Tu Mơ Rông để tạo miễn dịch bền vững trong cộng đồng.
Lào Cai: Khoanh vùng xử lý, không để bệnh quai bị lan ra diện rộng
Ảnh minh họa. Ảnh: Văn Mạnh
Ngày 23-10, ông Vương Trinh Quốc, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã khoanh vùng xử lý không để ổ bệnh quai bị tại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên lây lan ra diện rộng.
Trước đó, từ ngày 03-10, bệnh quai bị bắt đầu bùng phát ở một số thôn, bản của xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên với tổng số 70 ca mắc, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là học sinh ở 3 điểm trường: Trường Mầm non Xuân Hòa, Tiểu học Xuân Hòa và Trung học cơ sở Bán trú số 1 Bảo Hà. Hiện nay, 45 trường hợp mắc bệnh quai bị đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên và cộng đồng, 25 trường hợp khác đã khỏi hẳn, không có trường hợp nào diễn biến nặng.
Theo ông Hoàng Thanh Bình - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Hòa, ngay khi bệnh quai bị bùng phát, chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bảo Yên cung cấp khẩu trang y tế và nước muối pha loãng để vệ sinh răng miệng, chỉ đạo các trường cho học sinh bị bệnh nghỉ học để tránh lây lan, đồng thời triển khai công tác phòng, chống bệnh quai bị như: Tổ chức vệ sinh trường lớp, cách ly lớp có học sinh bị bệnh, không để các em tham gia các hoạt động tập thể, tuyên truyền để học sinh tự giác vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc với các bạn đã mắc bệnh.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Bình, ngay sau khi bệnh quai bị bùng phát, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bảo Yên đã xuống các thôn bản và trường học có người bị bệnh tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc; hỗ trợ thuốc; tăng cường đội ngũ y bác sĩ trực tiếp khám điều trị cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, các cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bảo Yên triển khai tuyên truyền vận động người dân đưa trẻ em từ 15 tháng tuổi trở lên đi tiêm phòng bệnh quai bị. Theo các chuyên gia y tế, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút quai bị gây ra. Nguyên nhân gây bệnh là do bị nhiễm vi rút quai bị mà cơ thể chưa có miễn dịch với loại vi rút này. Ông Hoàng Thanh Bình cho biết thêm, do vắc xin phòng bệnh quai bị không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên cán bộ y tế chỉ có thể vận động, kêu gọi người dân nâng cao ý thức cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị.
Quảng Nam: Chủ động ngăn chặn, không để bệnh sốt xuất huyết lan rộng trong cộng đồng
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Hữu
Tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 1.867 trường hợp, giảm so với cùng kỳ của năm 2017, tuy nhiên khoảng gần hai tháng trở lại đây, số người bị mắc bệnh sốt xuất huyết ở thị xã Điện Bàn và huyện miền núi Tây Giang tăng nhanh. Ngành y tế tỉnh Quảng Nam và chính quyền địa phương đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết.
Từ cuối tháng 8 đến nay, thị xã Điện Bàn ghi nhận có 400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm 2018 đến nay của thị xã lên 1.029 người, chiếm hơn 55% số ca mắc sốt xuất huyết của tỉnh Quảng Nam. Tất cả các xã, phường, thị trấn của thị xã Điện Bàn đều ghi nhận có người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Điện Thọ, Điện Hòa, Điện Thắng Nam. Nguyên nhân bùng phát bệnh sốt xuất huyết tại thị xã Điện Bàn do điều kiện thời tiết diễn biến thất thường tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn đã tiến hành xử lý 57 ổ bệnh sốt xuất huyết nhỏ tại 16 xã, phường. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với thị xã Điện Bàn triển khai kế hoạch phòng chống bệnh sốt xuất huyết khẩn cấp, bắt đầu từ ngày 25-10 kéo dài đến giữa tháng 11-2018, trong đó tập trung ra quân diệt bọ gậy trước, sau đó tiến hành phun hóa chất diệt muỗi theo quy mô toàn thị xã. Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam và Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức đóng trên địa bàn thị xã Điện Bàn cũng đang tập trung cho công tác khám, điều trị những bệnh nhân bị sốt xuất huyết theo đúng quy định, tránh trường hợp lây chéo trong bệnh viện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết đang lây lan nhanh chóng, thị xã Điện Bàn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng dịch bệnh trong nhân dân. Ở các khu dân cư, người dân đang ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thực hiện những biện pháp phòng chống muỗi đốt… Tất cả các trường học trên địa bàn thị xã đều thông tin rộng rãi đến học sinh về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết và phát động chiến dịch diệt bọ gậy.
Tại huyện Tây Giang, bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp với 63 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận từ giữa tháng 9 đến nay. Đây là lần đầu tiên huyện biên giới Tây Giang có nhiều trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam đã cử cán bộ lên tăng cường để chỉ đạo triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại các thôn, bản của huyện. Cả hệ thống chính trị của huyện Tây Giang cùng với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn huyện đang nỗ lực vào cuộc để ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lan rộng.
Bác sĩ Huỳnh Công Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp hơn 120 lít hóa chất cho thị xã Điện Bàn và huyện Tây Giang để tiến hành phun diệt muỗi trên diện rộng. Đỉnh điểm bùng phát bệnh sốt xuất huyết dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối tháng 10 đến tháng 11, vì vậy ngành y tế tỉnh Quảng Nam và các địa phương đang nỗ lực quyết tâm không để bệnh sốt xuất huyết lan rộng trong cộng đồng, không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt xuất huyết./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 15 đến ngày 21-10-2018)  (24/10/2018)
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045  (24/10/2018)
Xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng - Quyền lực và phẩm chất quyền lực  (24/10/2018)
Việt Nam với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  (24/10/2018)
Chính phủ sẽ lắng nghe để chất lượng công việc tốt hơn  (24/10/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm