Bế mạc Hội nghị Trung ương 8: Đưa Việt Nam giàu lên từ biển
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, chiều 6/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đồng chí Trung ương đã nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo, đề án; thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận và quy định của Trung ương.
Tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đánh giá, 9 tháng năm 2018, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Dự báo, đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6% - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỷ USD.
Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công có xu hướng giảm. Xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017; xuất siêu hơn 3 tỷ USD.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở cả thành thị và nông thôn được cải thiện rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, gần 40% số xã của cả nước đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 5,2% - 5,7%...
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả cụ thể rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, đánh giá cao.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và mở rộng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế...
Những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2018 tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020.
Trên cơ sở phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những yếu tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương xác định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2018.
Trong năm 2019, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới; duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với phát triển kinh tế, cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để có thể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra, cần tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích và kinh nghiệm, bài học đúc rút được từ thực tế đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 09, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Trung ương xác định đến năm 2030 phấn đấu đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phốven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65% - 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo...
Trung ương chỉ rõ phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hòa với biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về biển...
Trung ương nhấn mạnh kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia-dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam.
Cụ thể là cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, các vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chú trọng phát triển các trung tâm kinh tế ven biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế biển.
Trung ương nhấn mạnh cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ; khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cần hết sức chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư sát hợp với thực tế. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: Phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới, đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.
Đề cao trách nhiệm nêu gương
Tại Hội nghị lần này, Trung ương thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Quy định, Trung ương cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi; đồng thời giao Bộ Chính trị tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành Quy định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Trung ương quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.
Trung ương yêu cầu các Tiểu ban cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm đi vào hoạt động. Đặc biệt, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế-Xã hội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu của Đảng và Nhà nước, chắt lọc, kế thừa các kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây và căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước để đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, với Đại hội XIII của Đảng, những chủ trương, chính sách tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và đồng bộ hơn, tạo xung lực mới cho phát triển đất nước nhanh và bền vững, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước khóa XIV; bầu bổ sung 2 đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016; kỷ luật đồng chí Trần Văn Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng.
Trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2018 và nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, sự nghiệp phát triển đất nước đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, vì trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều việc lớn, việc khó phải làm và phải làm tốt hơn nữa mới có thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Tổng Bí thư đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương, trên cương vị công tác của mình, ngay sau Hội nghị này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy định của Hội nghị, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo./.
Thông báo Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  (06/10/2018)
Lễ viếng và mở sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại nhiều nước  (06/10/2018)
Sàng lọc trước và sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số  (06/10/2018)
Hà Nội chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng  (06/10/2018)
Cử hành trọng thể Lễ Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười  (06/10/2018)
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào  (06/10/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên