TCCSĐT - Sáng 25-9-2018, trong ngày làm việc thứ 2, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng tham gia và chỉ đạo Đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội. Cùng tham dự Đại hội, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các bộ, ban, ngành...

Với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, Báo cáo của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ, đoàn viên cả nước, nắm bắt thời cơ, tranh thủ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới phải mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, khẳng định là người đại diện thực sự, người bảo vệ tin cậy quyền lợi hợp pháp của người lao động, thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, cùng cả nước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những nội dung có liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, như: Việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; Việc xem xét tính đặc thù của tổ chức công đoàn Việt Nam so với các đoàn thể chính trị khác; Chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Công tác quản lý nhà nước về lao động và bảo hiểm xã hội; Xây dựng các thiết chế công đoàn; Bảo đảm an ninh, an toàn cho người lao động; Nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động; Tạo việc làm và thu hút người lao động vào khu vực chính thức; Công tác quản lý nhà nước về đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định những thành tựu mà giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, góp phần vào thực hiện có kết quả những nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động của Công đoàn Việt Nam cũng như một số vấn đề đáng quan tâm có liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam. Đó là: một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, ít quan tâm đến ý thức giai cấp, giác ngộ chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm chính trị… Chất lượng đội ngũ công nhân đang có những biểu hiện hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hóa trong đội ngũ công nhân làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn… Mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của công đoàn chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội… Trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức công đoàn.

Tổng Bí thư nêu lên một số vấn đề có tính gợi mở về hoạt động của Công đoàn Việt Nam thời gian tới, đó là: 1- Chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động; 2- Thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức công đoàn; 3- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động công đoàn cho phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới, thích ứng với tình hình thực tế nước ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; 4- Tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.

Với truyền thống hào hùng của Công đoàn Việt Nam qua gần 90 năm hình thành và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng hành cùng đất nước và dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước kia cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục truyền thống đáng tự hào, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra./.