Kiến nghị thu hồi hơn 75% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn
Theo kết luận thanh tra, việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ (tại Văn bản số 1115/UBND-KTN ngày 04-4-2013), sau đó tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (tại Văn bản số 628/UBND-TH ngày 25-02-2014) và việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có Văn bản số 1062-CV/TU ngày 13-7-2015 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là không đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm thuộc về một số lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.
Cũng theo kết luận thanh tra, Bộ Giao thông Vận tải, với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Vinalines nhưng chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ đã có một số vi phạm.
Việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ (tại Văn bản số 2900/BGTVT-QLNN ngày 04-4-2013); sau đó, lại tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (tại Văn bản số 2342/BGTVT-QLDN ngày 07-3-2014, số 9210/BGTVT-QLDN ngày 05-9-2014) là không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015.
Khi đề xuất chuyển nhượng hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, mặc dù Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2388/VPCP-ĐMDN ngày 22-4-2014 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung, giải trình những nội dung quan trọng mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra về kinh tế-an ninh-quốc phòng hiện tại và lâu dài cần phải được làm rõ khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước; mặc dù, Vinalines đã có Văn bản số 1874/HHVN-TC&QLVG ngày 02-6-2014 gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, đánh giá về vai trò, tiềm năng của Cảng Quy Nhơn, lợi ích hiện tại và lâu dài của việc sở hữu 49% vốn so với việc bán hết và đề nghị được duy trì tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, nhưng Bộ Giao thông Vận tải đã không xem xét, đánh giá toàn diện những nội dung Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Vinalines đã nêu mà tiếp tục có Văn bản số 9210/BGTVT-QLDN ngày 05-9-2014 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là thiếu căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và đại diện chủ sở hữu đối với Vinalines.
Đáng chú ý là việc Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành hai văn bản, gồm Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27-12-2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20-5-2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm Điểm c Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11-7-2013 của Chính phủ về đầu tư vốn vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; vi phạm Điểm a Khoản 2 Điều 11, Điểm b Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.
"Vì vậy, hai văn bản này phải được xem xét, hủy bỏ; 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước. Trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Bộ Giao thông Vận tải," kết luận thanh tra chỉ rõ.
Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 (đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ trình, Bộ Chính trị đã thông qua), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04-02-2013. Trong đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, việc Bộ Giao thông Vận tải cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm quy định của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 220/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính.
"Do đó 75,01% cổ phần mà Vinalines đã chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành phải xử lý thu hồi về sở hữu Nhà nước; các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật," kết luận thanh tra nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kết luận một số sai phạm, khuyết điểm trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn; việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phần. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Quy Nhơn trích khấu hao nhanh tài sản cố định không đúng quy định. Việc giao đất cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Quy Nhơn và Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, việc đầu tư mở rộng Cảng đã có những khuyết điểm, vi phạm.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước vì Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Vinalines chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật, đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo an ninh quốc phòng, lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xem xét, hủy bỏ hai văn bản, gồm Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27-12-2014 và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20-5-2015 vì có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, phục vụ đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn, đảm bảo nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cảng Quy Nhơn.
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch và Phương án cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn đã được phê duyệt; hạch toán giảm chi phí khấu hao tài sản cố định, tăng lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước số tiền 5,236 tỷ đồng; thực hiện việc niêm yết cổ phiếu Cảng Quy Nhơn trên sàn giao dịch chứng khoán theo đúng quy định của pháp luật.
Về kiểm điểm trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn nêu tại Kết luận thanh tra.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm. Trong đó có Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Tổ giúp việc; Nguyên Tổng giám đốc và nguyên Kế toán trưởng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Quy Nhơn đối với khuyết điểm, vi phạm trong việc trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định, dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm nguồn thu của Vinalines từ lợi nhuận trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa.
Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra. Bộ Tài chính chủ trì xử lý hoặc chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá đối với các công ty tư vấn, các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra./.
Tiếp tục Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (17/09/2018)
Họp báo Khai trương Trung tâm báo chí và thông tin về Đại hội ASOSAI 14  (17/09/2018)
Chủ tịch Quốc hội tiếp Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Hungary  (17/09/2018)
Điều động, phê chuẩn Ủy viên Thường trực hai Ủy ban của Quốc hội  (17/09/2018)
Hiệp định CPTPP đã vượt qua 'cửa ải' đầu tiên tại Australia  (17/09/2018)
Tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu  (17/09/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay