Dấu ấn đặc biệt, di sản quý báu của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Cuba
TCCSĐT - Một sự kiện lịch sử đặc biệt trong quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Cuba là lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro lần đầu tiên sang thăm Việt Nam và thăm vùng giải phóng miền Nam vào tháng 9-1973.
Sự kiện này là lịch sử và đặc biệt bởi nó diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam bước sang giai đoạn đấu tranh mới sau khi đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân Mỹ khỏi Việt Nam; và bởi với chuyến thăm này, vị lãnh tụ tối cao của nhân dân Cuba là nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.
Chuyến thăm lịch sử
Chuyến thăm diễn ra từ ngày 12 đến 17-9-1973. Thời gian ở Việt Nam tuy chỉ có 04 ngày, nhưng vị lãnh tụ tối cao của Cuba vẫn quyết thăm cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Ở miền Bắc, trong các ngày 13 và 16-9, đồng chí Fidel làm việc với lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hai bên thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước và trao đổi quan điểm về tình hình quốc tế. Trong các cuộc gặp gỡ, đồng chí Fidel bày tỏ cảm xúc sâu đậm được đến thăm Việt Nam, lòng biết ơn và sự cảm phục đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam, đánh giá cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam, đường lối chiến lược và sách lược sáng suốt đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; ý nghĩa lịch sử và thời đại của thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Ý thức rõ ràng rằng, tiếng nói của mình không chỉ đến với nhân dân Việt Nam mà còn đến cả với nhân dân Cuba, nhân dân Mỹ Latin và các dân tộc khác trên thế giới đang đấu tranh tự giải phóng, vị lãnh tụ tối cao của cách mạng Cuba cũng đã nêu lên những suy nghĩ được đúc kết qua năm tháng về những yếu tố làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam: đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; lập đảng tiên phong lãnh đạo cách mạng và xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh đoàn kết quốc tế.
Đồng chí Fidel nhấn mạnh, Việt Nam đang bước sang thời kỳ xây dựng lại đất nước trên đống đổ nát của chiến tranh, và từ đó kêu gọi nhân dân thế giới hãy đáp lại những gì “Việt Nam đã bằng cuộc đấu tranh đầy hy sinh xương máu của mình phụng sự cho nhân loại”, “hãy đoàn kết ủng hộ Việt Nam trong nhiệm vụ mới hết sức nặng nề”. Nhân dịp này, đồng chí Fidel công bố quyết định của Cuba tặng nhân dân Việt Nam năm công trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc và tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sáng 14-9, đồng chí Fidel và đoàn đại biểu Cuba bắt đầu cuộc hành trình về phía Nam. Trên chuyến bay từ Hà Nội vào Đồng Hới, đồng chí Fidel có dịp thấy tận mắt cảnh tượng mà sau này đồng chí mô tả là “vùng đất phía Nam này với hàng nghìn hố bom, nhà cửa bị tàn phá”, để rồi tâm sự: “Những hình ảnh ấy khiến lòng căm thù vốn đã rất to lớn của chúng tôi đối với bọn đế quốc càng tăng lên gấp bội”. Cách thị xã Đồng Hới khoảng 20 cây số về phía Nam đồng chí cho đoàn xe của mình dừng lại để giúp cấp cứu một nữ thanh niên vừa bị thương do vấp phải bom bi của Mỹ còn vương lại. Ở Vĩnh Linh, đồng chí gặp những người dân “đã bao năm sống dưới lòng đất, đã lao động và chiến đấu dưới bom đạn”... “những chiến sĩ anh hùng và dung dị trên các nẻo đường”... “những người chỉ biết đánh trả chứ không chịu khuất phục”. Từ trải nghiệm đó, đồng chí đã khẳng định khi nói chuyện với lãnh đạo và nhân dân Vĩnh Linh: “Chỉ có đến tận nơi đây người ta mới có thể hiểu được quy mô khủng khiếp của những tội ác mà bọn đế quốc gây ra chống lại người dân của đất nước này, mới có thể đánh giá hết tầm vóc anh hùng của nhân dân Việt Nam”.
Thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị chỉ vẻn vẹn 01 ngày, nhưng đồng chí Fidel có những hoạt động đầy ý nghĩa: hội đàm với đại diện lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tham quan một số địa điểm còn ghi đậm chiến tích của quân dân Quảng Trị trong cuộc đọ sức anh hùng với quân xâm lược Mỹ: Dốc Miếu - Cồn Tiên, Đông Hà, Ái Tử, Đường 9, Cam Lộ và Đồi 241; tiếp xúc với nhân dân địa phương và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng, mà ấn tượng nhất là cuộc trò chuyện thân tình với đại diện Sư đoàn Vinh Quang (F304) và cuộc mít tinh quần chúng trên Đồi 241. Còn lưu mãi trong trí nhớ của mọi người những hình ảnh ấn tượng: một Fidel - người lính chiến thắng - đạp lên nòng pháo 130 được mệnh danh là “vua chiến trường của Mỹ” nằm gục trên Dốc Miếu; một Fidel - lãnh tụ, quây quần xung quanh là các chiến sĩ quân giải phóng, phất cao ngọn cờ truyền thống gắn đầy huân chương của Sư đoàn 304 Vinh Quang...
Chuyến thăm diễn ra yên bình trong sự đón tiếp nồng hậu của quân và dân vùng giải phóng, đã khẳng định mạnh mẽ trước thế giới sự tồn tại của vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam, sự thật mà Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ra sức phủ nhận trong mưu đồ lấn chiếm xóa bỏ vùng giải phóng. Nó cũng khẳng định mạnh mẽ sức mạnh và uy tín của Chính phủ Cách mạng lâm thời và sự tồn tại hai chính quyền ở miền Nam Việt Nam, thực tế mà Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn không chịu thừa nhận trong mưu đồ chống giải pháp hòa hợp dân tộc.
Bài phát biểu của đồng chí Fidel Castro vang lên từ vùng giải phóng ở Quảng Trị ngày 15-9-1973 là minh chứng hùng hồn rằng, vị lãnh tụ tối cao của nhân dân Cuba hiểu rất rõ những đòi hỏi của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới và đã quyết tâm đến vùng giải phóng miền Nam để có thể đáp ứng ở mức cao nhất những đòi hỏi đó.
Mở đầu bài phát biểu, đồng chí Fidel ôn lại một cách ngắn gọn nhưng rất đầy đủ quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam cho đến thời điểm đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và ký Hiệp định Paris. Đồng chí khẳng định: “Không một dân tộc nào trong thời đại ngày nay đã chiến đấu gian khổ, kiên cường như nhân dân Việt Nam vì nền độc lập của mình”... “Trong tất cả các thời đại, dân tộc Việt Nam đã từng chiến đấu rất ngoan cường để bảo vệ nền độc lập của mình, và luôn giành được thắng lợi”... “Cuộc đấu tranh đó có đặc điểm mới khi giai cấp công nhân Việt Nam xuất hiện và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, với tư tưởng sáng suốt và thiên tài của mình, đã đoàn kết công nhân, nông dân và các lực lượng tiến bộ Việt Nam lại, tổ chức nên một Đảng tiên phong để đưa cuộc đấu tranh của nhân dân đến thắng lợi”.
Đồng chí Fidel điểm lại những mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập năm 1945 và khẳng định: “Với Hiệp định Paris, Mỹ phải chấp nhận rút toàn bộ quân của chúng khỏi miền Nam Việt Nam. Đó là thắng lợi to lớn, thắng lợi thần kỳ của Việt Nam”. Đồng chí cũng đã đánh giá ý nghĩa quốc tế và thời đại của việc Việt Nam đương đầu và chiến thắng đế quốc Mỹ: Việt Nam đã chứng tỏ chân lý là “một dân tộc anh hùng, một dân tộc quyết đấu tranh vì độc lập tự do của mình, một dân tộc dũng cảm và trọng danh dự là một dân tộc bất khả chiến bại”... “đó là bài học vĩ đại mà các bạn đem lại cho các dân tộc bị áp bức bóc lột ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh”; Việt Nam “đã làm cho đế quốc Mỹ mất uy tín ở khắp mọi nơi trên thế giới” và “đã thức tỉnh chính nhân dân Mỹ về chủ nghĩa đế quốc”; “đó là công lao vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam anh hùng đối với toàn thể nhân loại”.
Trở lại với thực tại là “mặc dù bị đánh bại nhưng bọn đế quốc vẫn chưa từ bỏ ý đồ duy trì chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam”, đồng chí đã chỉ ra một cách rành rọt những nhiệm vụ mà nhân dân Việt Nam còn phải tiến hành sau khi ký Hiệp định Paris để tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Cần phải đấu tranh kiên quyết và huy động sự ủng hộ của nhân dân thế giới đòi đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn phải thi hành Hiệp định Paris”.“Phải đấu tranh gian khổ để tổ chức lại vùng giải phóng”. “Phải làm việc hết sức mình để nâng cao giác ngộ của đồng bào còn sống trong vùng tạm chiếm”. “Phải phấn đấu hết sức để củng cố thế đứng của cách mạng; để các vùng giải phóng, các căn cứ địa cách mạng trở thành những vùng bất khả xâm phạm”. “Phải xây dựng lực lượng thật hùng mạnh, để bọn bù nhìn trong cơn tuyệt vọng không dám đánh vào các lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam; để nếu bọn tay sai Mỹ liều lĩnh tấn công thì chúng sẽ bị đánh bại”.
Cuối cùng, đồng chí khẳng định: “thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian”. Đồng chí cũng bày tỏ “lòng biết ơn và sự thán phục vô hạn đối với hàng nghìn người Việt Nam anh hùng đã hiến dâng xương máu của mình cho tự do của Tổ quốc”; và khẳng định: “Những hy sinh của họ không phải vô ích. Từ xương máu của họ đổ xuống đang vươn lên một nước Việt Nam bất khuất và chiến thắng!”.
“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”
Việc đồng chí Fidel Castro yêu cầu được thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, bất chấp mọi hiểm nguy về an ninh, cho thấy lãnh đạo Cuba muốn dành cho Việt Nam, đặc biệt là sự nghiệp giải phóng miền Nam, sự ủng hộ cao nhất và hiệu quả nhất trong tình hình mới, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Chuyến thăm một lần nữa khẳng định vị trí tiên phong của Cuba trong phong trào quốc tế đoàn kết với Việt Nam. Cuba là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam (năm 1961); là nước đầu tiên đón nhận Phái đoàn đại diện thường trực của Mặt trận (năm 1962) và nâng cấp phái đoàn đó lên Đại sứ quán (năm 1965); là một trong những nước đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (năm 1969). Với chuyến thăm lịch sử này, Cuba là nước đầu tiên trên thế giới có nguyên thủ quốc gia đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Những hành động tiên phong đó của Cuba không chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà đằng sau đó là lập trường kiên định và ý chí của Cuba luôn sẵn sàng ủng hộ vô tư, đáp ứng không điều kiện, đúng lúc và đúng yêu cầu, đối với cách mạng miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trong mỗi thời khắc lịch sử. Việc Cuba đi đầu trong việc công nhận và ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng đủ chứng minh điều đó: Công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng thực chất là đứng về phía sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam Việt Nam, chống lại chính sách can thiệp và xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam dưới chiêu bài “chống xâm lăng cộng sản từ miền Bắc”. Với thời gian, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không chỉ trở thành hạt nhân đoàn kết dân tộc và ngọn cờ dẫn dắt quần chúng nhân dân miền Nam Việt Nam chống ngoại xâm mà chính Mặt trận - được thế giới biết đến với cái tên FNL - còn là yếu tố có khả năng tập hợp lực lượng quốc tế rộng lớn, vượt lên mọi rào cản ý thức hệ, đứng về phía Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Những hoạt động và phát biểu của đồng chí Fidel Castro tại vùng giải phóng Quảng Trị cho thấy sự ủng hộ và gắn bó của lãnh tụ Fidel đối với Việt Nam ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Chuyến thăm của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho nhân dân và quân giải phóng ở Quảng Trị cũng như cả miền Nam Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh mới.
Những tháng ngày sau đó, Sư đoàn 304 Vinh Quang tiếp tục hành quân đánh địch lấn chiếm ở phía Nam tỉnh Quảng Trị; giải phóng Thượng Đức, Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, và tham gia giải phóng Đà Nẵng. Một số đơn vị của sư đoàn, như Lữ đoàn 203 và Trung đoàn 66, còn tiến đến tận Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Mùa xuân năm 1975. Chắc chắn trong cuộc tổng tiến công lịch sử đó để hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, đoàn quân ấy mang trong mình khí phách anh hùng của cả Việt Nam và Cuba.
Chuyến thăm Việt Nam của lãnh tụ cách mạng Cuba cách đây 45 năm đã khẳng định mạnh mẽ tình đoàn kết của Cuba đối với Việt Nam trước nhiệm vụ lịch sử mới là xây dựng lại miền Bắc và tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, để lại một di sản tinh thần quý báu, một thông điệp vượt thời gian nhắc nhở các thế hệ tương lai của Việt Nam và Cuba hãy luôn trân trọng, giữ gìn và phát triển hơn nữa tình hữu nghị và hợp tác trong sáng giữa hai dân tộc./.
Ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức với ngành Dầu khí  (11/09/2018)
Cùng hành động để làm nên lịch sử chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam  (11/09/2018)
Xây dựng Đảng về hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển của Thủ đô Hà Nội  (11/09/2018)
Xây dựng Đảng về hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển của Thủ đô Hà Nội  (11/09/2018)
Góp bàn về các tiêu chí xác định nền kinh tế thị trường  (11/09/2018)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-9-2018)  (11/09/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay