Nước Nga thời “hậu Pu-Tin” sẽ đii đến đâu?
Hai năm qua, thế giới chứng kiến nhiều sự kiện rất đáng chú ý liên quan tới nước Nga. Trước hết là, nước Nga mới đã thực sự phục hồi vị thế một cường quốc kinh tế, chính trị và quân sự sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống V.Pu-tin. Từ một di sản đổ nát
Sau khi được trao quyền lực vào ngày cuối cùng của thế kỷ XX, ngày 31-12-2000, ông Pu-tin phải tiếp quản một di sản đổ nát từ thời En-xin. En-xin để lại cho người kế nhiệm của mình: sự sụp đổ hệ thống chính trị cũ; hệ thống chính trị mới chưa hình thành; Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo đất nước; nhiều đảng phái chính trị mọc lên như nấm ở nước Nga.
Quyền lực nhà nước hoàn toàn bị tê liệt, không thể đảm đương được các chức năng cơ bản và tối thiểu như điều hành đất nước, bảo vệ lợi ích của nước Nga trên thế giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an toàn tối thiểu về kinh tế và xã hội cho các công dân Nga ở ngay trên Tổ quốc họ. Các nhóm tài phiệt kiểm soát toàn bộ nền kinh tế và bộ máy chính trị, họ có thể tuỳ ý sắp đặt vị trí của Tổng thống, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước. Bộ máy cầm quyền của Tổng thống En-xin được các phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây gọi là “gia đình trị tham nhũng”.
Một bộ máy lãnh đạo không có uy tín ở trong nước cũng như ở nước ngoài; nội chiến tái bùng phát dữ dội ở Che-xnhi-a, khiến cho nước Nga đứng trước nguy cơ tan rã về lãnh thổ, thủ lĩnh một số vùng ở Nga ban hành luật pháp riêng, không theo hiến pháp Nga; cơ chế kinh tế hành chính - bao cấp cũ tan rã, cơ chế kinh tế mới chưa hình thành, nước Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Đến bộ máy quyền lực của nhà nước được củng cố
Sau hai năm cầm quyền, Tổng thống Pu-tin từng bước khôi phục và củng cố bộ máy quyền lực của Nhà nước Nga. Ông đã thực thi nhiều biện pháp cải tổ quan trọng. Trước hết là chia nước Nga thành 7 vùng, với 7 người đại diện của Tổng thống. Tiếp đến, năm 2000-2002, ông cải tổ Hội đồng Liên bang (Thượng viện), sửa đổi quy trình bầu cử thống đốc vùng. Trước đây, bất kỳ ai cũng có thể ra tranh cử thì nay sẽ là cuộc bầu cử để chọn một trong hai ứng cử viên: một người do Tổng thống và người kia do Hội đồng nhân dân địa phương đề cử.
Theo ông Pu-tin, nước Nga lựa chọn cách này bởi xã hội dân sự ở Nga chưa phát triển đầy đủ. Nếu bỏ phiếu bầu trực tiếp thì các ứng cử viên có thể sử dụng quyền lực và tiền bạc để gây ảnh hưởng đối với dân chúng, nhưng sau khi ngồi vào ghế quyền lực rồi họ sẽ không còn liên hệ với dân. Cách làm hiện nay của Nga là làm cho người lãnh đạo khu vực vừa gắn bó mật thiết với các lợi ích quốc gia, vừa nhạy cảm với các vấn đề khu vực.
Phục hồi không gian pháp lý chung trên toàn quốc là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hệ thống ở Nga. Luật pháp của các vùng được soạn thảo phù hợp với Hiến pháp Liên bang; đồng thời, quyền lực của Liên bang, các vùng và các cơ quan tự trị địa phương được phân định rõ ràng. Nhiều chức năng kinh tế, xã hội đã được chuyển giao cho các cấp vùng và địa phương. Nhờ đổi mới toàn diện chính quyền trung ương, ngày 02-12-2007, cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia với phần thắng đa số tuyệt đối thuộc về đảng "Nước Nga thống nhất" của đương kim Tổng thống Pu-tin.
Pu-tin đã phục hồi uy tín thể chế của Tổng thống trong dân chúng, xây dựng tư tưởng quốc gia và chiến lược phát triển quốc gia nhằm hướng tới nhiều thập niên. Đảng "Nước Nga thống nhất" ra đời trên cơ sở kết hợp hai tổ chức xã hội toàn Nga là "Liên minh thống nhất" và "Tổ Quốc" thành một đảng chính trị. Đây là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực củng cố bộ máy chính trị của Tổng thống V.Putin. Chiếm đa số tại Đu-ma Quốc gia, "Nước Nga thống nhất" đã tập hợp các nhà chính trị xuất sắc nhất, có mặt tại mọi cấp trong bộ máy chính quyền từ địa phương đến liên bang, ủng hộ các chính sách của Tổng thống.
Kinh tế, khoa học - công nghệ được phục hồi và phát triển
Trong lĩnh vực kinh tế, Pu-tin đã phục hồi lại sự công bằng tối thiểu, giải quyết được hoàn toàn các khoản nợ lương và lương hưu, nâng cao thu nhập của dân chúng từ mức nghèo khổ và khốn cùng dưới thời cầm quyền của En-xin. Trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, Pu-tin không những vực dậy cả nền kinh tế đồ sộ từng suy yếu trầm trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, mà những quyết sách do ông thông qua còn giúp nước Nga có thể trả hết những khoản nợ nước ngoài trước kia, trong đó bao gồm cả những khoản nợ từ thời Liên bang Xô-viết cũ. Đặc biệt là, Pu-tin bắt đầu xây dựng mới các công ty xuyên quốc gia của Nga, làm đòn bẩy tác động vào nền kinh tế và chính trị thế giới, dần dần biến đồng rúp trở thành một đồng tiền có giá trị chung trên thế giới.
Tổng thống Pu-tin rất quan tâm phục hưng nền khoa học - công nghệ. Với chính sách và các chương trình phát triển khoa học - công nghệ, Pu-tin đã đưa nước Nga, từ chỗ một quốc gia dựa trên cơ sở sản xuất nguyên liệu, thành quốc gia có nền kinh tế công nghệ cao. Trong điều kiện cạnh tranh quốc tế khốc liệt, đây sẽ là vấn đề sống còn của nước Nga như là một cường quốc lớn. Pu-tin chủ trương tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước đối với các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng của đất nước hiện đang chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới, mà trước hết là: công nghiệp chế tạo máy bay; đóng tàu; năng lượng nguyên tử; tổ hợp công nghiệp quân sự. Chương trình phát triển công nghệ na-no sẽ là một ưu tiên của Nhà nước giống như các chương trình "Vũ trụ", "Chế tạo tên lửa" trong những năm 1960-1970. Các đề án mang tên "Nhà máy tư duy", "Quản lý có hiệu quả - tiềm năng cán bộ" sẽ hỗ trợ để phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến và0 đào tạo cán bộ.
Kết quả điều tra xã hội học của hai hãng "Gallup" và "TNS-EMNID" theo đơn đặt hàng của Quỹ Bet-xten-man (Berstelsman) của Cộng hòa Liên bang Đức với sự tham gia của 10.250 người ở 9 nước, gồm Bra-xin, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Anh và Mỹ (trong đó có 1.500 người Nga) cho thấy, xét theo các tiêu chí: tốc độ phát triển kinh tế, tình hình chính trị trong nước ổn định, các thành tựu trong lĩnh vực khoa học, thì Nga đứng thứ 6 trong danh sách 10 cường quốc hàng đầu thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, EU. Dự báo, đến năm 2020, Nga sẽ vươn lên đứng thứ 5.
Nga còn là quốc gia đóng vai trò đáng kể nhất trong việc duy trì hòa bình và ổn định, cũng là quốc gia giữ vị trí thứ 4 trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ có nguồn dự trữ ngoại tệ bằng vàng lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Nga là nước đóng góp vào Quỹ từ thiện lớn nhất thế giới: xét theo giá trị tuyệt đối số lượng viện trợ cho các nước nghèo nhất thế giới, Nga đứng thứ 3, còn xét theo tỷ lệ khối lượng viện trợ trên tổng thu nhập quốc dân, Nga đứng đầu thế giới. Đầu năm 2006, Nga tuyên bố xóa nợ 10 tỉ USD cho Áp-ga-ni-xtan; tháng 05- 2007, Nga thỏa thuận xóa nợ cho Xi-ri 10 tỉ USD; xóa 90% trong tổng số nợ 10,5 tỉ USD cho I-rắc.
Theo kết quả nghiên cứu của hãng tư vấn quốc tế "AT Kearney", Nga nằm trong danh sách 6 nước hấp dẫn nhất đầu tư trực tiếp của nước ngoài, xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Ba Lan. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Liên bang Nga, tổng khối lượng đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Nga đến cuối tháng 6-2005 là 90,8 tỉ USD, tăng 37,4% so với năm 2004. Nhờ hàng loạt những chính sách kinh tế đúng hướng, nền kinh tế Nga liên tục tăng trưởng cao trong "thời kỳ Pu-tin" với tỷ lệ tăng trưởng năm 2000 đạt 10% và trong 3 năm gần đây luôn đạt từ 6,5- 7,3%. Kinh tế dần phục hồi sau khủng hoảng và tăng trưởng đều là yếu tố chính giúp cho đời sống người dân Nga ngày càng ổn định và được nâng cao hơn.
Phục hưng tiềm lực quân sự, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ
Trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, Pu-tin đã thực hiện chính sách phục hưng tiềm lực quân sự nhằm răn đe các nguy cơ đối với nền an ninh Nga, bảo đảm ổn định chiến lược và toàn vẹn lãnh thổ của Nga; bảo đảm các lợi ích kinh tế và chính trị, sẵn sàng tiến hành các chiến dịch có sử dụng lực lượng vũ trang theo quyết định của Tổng thống Nga; sẵn sàng tiến hành các chiến dịch quân sự trong thời bình nhằm thực hiện các cam kết đồng minh hoặc tham gia các chiến dịch gìn giữ hoà bình theo quyết định của Liên hợp quốc; sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để vô hiệu hoá các nguy cơ chiến tranh, trong đó có nguy cơ sử dụng vũ khí sát thương hàng loạt. Các lực lượng vũ trang Nga phải trải qua một quá trình cải tổ tích cực liên quan đến những thay đổi tình hình địa - chính trị có tính toàn cầu và sự hình thành Nhà nước Nga mới.
Trong điều kiện cơ cấu kinh tế - xã hội chưa được xây dựng xong, lãnh đạo chính trị quân sự của Nga vẫn phải thực hiện những cải cách về chất lượng và số lượng quy mô lớn. Trước hết, là xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển các lực lượng vũ trang Nga, xây dựng cơ sở của hệ thống kiểm soát về mặt chính trị và xã hội đối với hoạt động của các lực lượng vũ trang, xây dựng hệ thống phối hợp giữa các lực lượng vũ trang Nga với các cơ cấu sức mạnh khác của nhà nước Nga. Về cơ bản, Nga đã cắt giảm quân số đáng kể, từ 2 triệu 750 ngàn quân năm 1993 nay giảm xuống còn khoảng trên 1 triệu người phù hợp với yêu cầu đủ để phòng thủ. Về cơ bản, những thay đổi lớn trong các lực lượng vũ trang Nga liên quan đến sự cải tổ đã được hoàn thành.
V.Pu-tin - "Nhân vật của năm 2007"
Rõ ràng, sự phục hưng mạnh mẽ và toàn diện của nước Nga gắn liền với vai trò của Tổng thống V.Pu-tin. Trên bình diện thế giới, năm 2007 và đầu năm 2008 đánh dấu bước chuyển biến trật tự thế giới từ đơn cực hình thành sau "chiến tranh lạnh" sang trật tự thế giới mới đa cực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nga. Sự chuyển biến này được khẳng định trong bài phát biểu gây chấn động dư luận của Tổng thống Pu-tin tại Hội nghị An ninh Mu-ních nhóm họp vào tháng 2-2007, trong đó, ông Pu-tin tuyên bố: Trật tự thế giới đơn cực là không thể tồn tại và chúng ta đang chứng kiến sự hình thành trật tự thế giới đa cực. Các quốc gia cần tôn trọng lợi ích của nhau. An ninh của mối quốc gia là an ninh của toàn thế giới và an ninh của thế giới cũng là an ninh của từng quốc gia...”. Bài phát biểu của Tổng thống Pu-tin tại Mu-ních được đánh giá là "sự kiện chính trị nổi bật nhất năm 2007".
Đó là những lý do vì sao mà năm 2007 và đầu năm 2008, báo chí thế giới tập trung bàn nhiều về hai chủ đề là "hiện tượng Pu-tin" và "hiện tượng nước Nga phục hưng". Dư luận đánh giá cao vai trò của Tổng thống Pu-tin đối với nước Nga và thế giới, riêng Tạp chí Mỹ "Time" bình chọn Pu-tin là "Nhân vật của năm 2007". Trong bài viết đăng trên tạp chí này, ông Ri-sác Sten-gen (Richard Stengel) nhận xét rằng, việc "Time" chọn Pu-tin là "nhân vật năm 2007" là sự công nhận, là sự đánh giá tỉnh táo nhất về thế giới như nó đang tồn tại, trong đó có những con người mạnh mẽ nhất đang góp phần hình thành nên thế giới đó. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn này còn có liên quan đến các phẩm chất lãnh đạo như sự sáng suốt có tác dụng thay đổi hành tinh chúng ta.
Tân Tổng thống Mét-vê-đép và tương lai nước Nga “hậu Pu-tin”
Sau 2 nhiệm kỳ liên tục cầm quyền của ông Pu-tin, nước Nga đã tiến hành bầu cử tổng thống mới vào đầu tháng 3-2008. Phó Thủ tướng thứ nhất, ông Đờ-mi-tơ-ri Mét-vê-đép, đắc cử Tổng thống với hơn 70% phiếu bầu và sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga vào 12 giờ (giờ Mat-xcơ-va) hôm nay, ngày 07-05-2008.
Sau khi tân Tổng thống Mét-vê-đép lên cầm quyền, dư luận bàn nhiều về triển vọng phát triển nước Nga trong "thời kỳ hậu Pu-tin". Thực ra, triển vọng đó đã được xác định rõ ràng tại "Chiến lược phát triển nước Nga đến năm 2020" của Tổng thống V.Pu-tin, trong đó xác định nước Nga sẽ phát triển trên 5 hướng chủ yếu, và ông Mét-vê-đép cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đường lối do Tổng thống Pu-tin thực thi trong gần một thập kỷ qua.
Một là, tiếp tục phát triển nước Nga như là một nền văn minh độc đáo, bảo vệ không gian văn hóa chung của nước Nga, tiếng Nga, các truyền thống lịch sử Nga.
Hai là, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế theo các hướng đổi mới, phát triển khoa học, phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường đầu tư trước hết cho các ngành công nghệ cao và các lĩnh vực là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế.
Ba là, bảo đảm tạo ra chất lượng cuộc sống mới cho công dân thông qua việc tiếp tục thực hiện các đề án quốc gia ưu tiên, tiếp tục nâng cao đáng kể thu nhập, lương, học bổng, hỗ trợ công dân giải quyết vấn đề nhà ở.
Bốn là, xây dựng các thể chế xã hội dân sự, kích thích tính năng động và tích cực xã hội của công dân, để các công dân sẵn sàng đề xuất các sáng kiến nhằm xây dựng xã hội mới.
Năm là, củng cố chủ quyền của Nga, tăng cường khả năng quốc phòng, bảo đảm tạo ra vị thế xứng đáng của nước Nga trong một thế giới đa cực.
Mục tiêu chiến lược bao trùm là xây dựng nước Nga thành một cường quốc lớn trên cơ sở truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa của các dân tộc trong Liên bang Nga và những thành quả tốt đẹp của nền văn minh thế giới. Nước Nga sẽ là một quốc gia dân chủ, hướng tới một xã hội tự do, công bằng và đoàn kết về mặt tinh thần, có nền kinh tế đổi mới, có khả năng cạnh tranh, có chất lượng cuộc sống cao. Chiến lược đổi mới đất nước được dựa trên các nguyên tắc dân chủ có chủ quyền, xuất phát từ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc Nga được tự do và độc lập quyết định số phận lịch sử của mình; sử dụng tài sản quốc gia phục vụ lợi ích của toàn dân tộc và của mỗi công dân Nga.
Dư luận ở Nga và thế giới cho rằng "Chiến lược phát triển nước Nga đến năm 2020" của Tổng thống Pu-tin có nhiều cơ hội thành công bởi Đảng "Nước Nga thống nhất" đã lấy Chiến lược này làm cương lĩnh hành động của Đảng. Với cương vị mới là Chủ tịch Đảng "Nước Nga thống nhất" được bầu trong lần Đại hội Đảng vừa được tổ chức đầu năm 2008, Pu-tin sẽ cùng tân Tổng thống Met-ve-đep thực thi chiến lược này, với quyết tâm đưa nước Nga trở thành cường quốc giàu mạnh vào cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI./.
Việt Nam chúc mừng tân Tổng thống Nga  (07/05/2008)
Đại lễ Phật Đản Vesak Liên hợp quốc năm 2008 tại Việt Nam và công tác đảm bảo an ninh  (07/05/2008)
Ra mắt Hội Phát triển hợp tác Kinh tế Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia  (07/05/2008)
Xung quanh ý tưởng thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo  (06/05/2008)
Xung quanh ý tưởng thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu gạo  (06/05/2008)
Điện Biên Phủ - biểu tượng của ý chí quyết thắng Việt Nam  (06/05/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên