Điện Biên Phủ - biểu tượng của ý chí quyết thắng Việt Nam
1. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, quân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt",…của thực dân Pháp. Đến năm 1953, thế chiến lược trên chiến trường đã thay đổi. Quân dân ta giành thế chủ động trên chiến trường; quân viễn chinh Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng. Để cứu vãn tình thế, kế hoạch Na-va ra đời. Đây là cố gắng cao nhất và cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến tranh xâm lược Pháp. Quân dân ta chủ động đánh địch trên các chiến trường, đặc biệt là uy hiếp địch ở Tây Bắc, kế hoạch Nava bị đảo lộn, thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, một "pháo đài khổng lồ không thể công phá", sẵn sàng "nghiền nát" quân chủ lực Việt Nam.
Với quyết tâm giành thắng lợi, Đảng ta thông qua "Phương án tác chiến mùa xuân năm 1954", trong đó xác định "Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta mở 3 đợt tiến công. Sau mỗi đợt tiến công, tinh thần chiến đấu của quân dân ta lại càng thêm hăng hái, thế và lực lại được tăng cường và vững mạnh hơn. Đợt 3 chỉ trong vòng 7 ngày, quân dân ta đã có sức mạnh áp đảo, tiến công tiêu diệt những cứ điểm còn lại. Sau 55 ngày đêm chiến đấu, phục vụ chiến đấu gian khổ và anh dũng, cùng sự phối hợp chi viện của chiến trường cả nước với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị đập tan, toàn bộ 16.200 quân địch do tướng Đờ Cát-tơ-ri chỉ huy bị tiêu diệt và bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm xoay chuyển cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của thế lực thực dân hiếu chiến Pháp, tạo cơ sở căn bản cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở Hội nghị Giơ-ne-vơ; là một cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, mở ra con đường thắng lợi cho phong trào giải phóng dân tộc, thức tỉnh khát vọng và niềm tin vào tương lai tốt đẹp của các dân tộc bị nô dịch, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
2. Sức mạnh cơ bản, nhân tố chủ yếu làm nên chiến thắng của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ không phải nằm ở vũ khí trang bị, mà là ở chính trị - tinh thần, ở khối đại đoàn kết dân tộc, ở tinh thần yêu nước nồng nàn, ở ý chí quyết tâm bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc ta trước thế lực ngoại xâm. Trong tác phẩm “Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến tranh ở Việt Nam không chỉ là sự đọ sức giữa hai quân đội; ở đây bọn thực dân xâm lược phải đánh nhau với cả một dân tộc; cả dân tộc Việt Nam, toàn thể nhân dân Việt Nam đang đứng dạy chống lại chúng”(1).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân ta chiến đấu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự hội tụ đến đỉnh điểm quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân ta nhằm thực hiện mục tiêu chính nghĩa ấy. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, nhiều tiểu đoàn pháo, công binh, xe tăng, lại được hỗ trợ nhiều máy bay và thường xuyên tăng viện trong quá trình chiến đấu đã tạo cho bọn xâm lược sự lạc quan rằng, đây là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”; chúng không thể hiểu được sức mạnh to lớn của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự không biết người, không biết ta là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại thảm hại của quân Pháp. Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, niềm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chính nghĩa…đã thôi thúc quân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thực hiện nghiêm túc quyết tâm chiến lược “Tất cả để chiến thắng” của Đảng và phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh ăn chắc, đánh chắc thắng”. Sức mạnh chính trị - tinh thần mà cốt lõi là ý chí quyết thắng của quân dân ta đã khắc phục được những hạn chế của ta về vũ khí trang bị, nâng cao hiệu quả chiến đấu, để khi bước vào những trận quyết định cuối cùng tạo ra được sức mạnh tổng hợp áp đảo đối phương. Đó là ưu thế tuyệt đối của quân dân ta so với đối phương.
Ưu thế về chính trị - tinh thần của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ biểu hiện trên những vấn đề chính: một là, ưu thế của những con người chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa so với những tên lính xâm lược, phi nghĩa; hai là, ưu thế của ý chí quyết thắng, tinh thần quyết tâm chiến đấu cao của những con người đầy khát vọng giải phóng, chống xâm lược so với quyết tâm chiến đấu của những tên lính đánh thuê; ba là, ưu thế của sức mạnh tổng hợp đang trên đà chiến thắng, hội tụ vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng nhằm giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc so với sự cố gắng cao nhất của quân đội địch nhằm cứu vãn tình thế thất bại. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần”(2).
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà quân sự Pháp, Mỹ tính toán giản đơn rằng, các đoàn dân công và đường sá thô sơ của Việt Nam địch sao nổi cầu hàng không hiện đại của chúng. “Một dân công mang 30 ki-lô- gam, một xe đạp thồ mang 150 ki-lô-gam phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Hoặc cứ cho là một ô-tô vận tải chuyển đợc 2 tấn rưỡi hàng cũng phải mất 7 đêm. Như vậy làm sao đọ nổi với một chiếc Da-cô-ta mang 5 tấn, bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng rưỡi đồng hồ?”(3). Chúng không thể ngờ rằng, với lòng yêu nước nồng nàn, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, quân dân ta đã chuyên trở hàng ngàn tấn lương thực và phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch. Quân địch cũng không thể ngờ rằng, với cái cuốc, cái xẻng, quân dân ta đã tạo ra cả một mạng giao thông hào, địa đạo “khổng lồ” ngày càng bao vây xiết chặt cứ điểm Điện Biên Phủ, góp một phần quyết định vào thắng lợi, mà sau này một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”(4). Cuốc, xẻng vốn là những phương tiện cần thiết cho bộ đội trong chiến đấu, ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng đã thoát ra khỏi quan niệm thông thường về quân sự, trở thành một biểu tượng “sức mạnh của trí tuệ và lòng yêu nước” Việt Nam. Không thể cắt nghĩa được sự thoát ra khỏi “quan niệm thông thường về quân sự” của những trang bị thô sơ nếu không hiểu được một cách đầy đủ và sâu sắc sức mạnh chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của những con người sử dụng trang bị ấy.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân tố chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân ta đã được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng quân thù. Từ một nhân tố chiếm ưu thế tuyệt đối, thế và lực của ta không ngừng phát triển, trở thành ưu thế toàn diện áp đảo đối phương, làm cho cứ điểm “vững chắc” Điện Biên Phủ trở thành nơi chôn vùi quân xâm lược. Đây là một quy luật vận động và phát triển nhân tố chính trị - tinh thần của quân dân ta trong chiến tranh, nhất là trong các trận quyết chiến chiến lược.
3. Sự kiện Điện Biên Phủ đến nay đã lùi vào lịch sử 54 năm, dấu tích chiến tranh đã mai một trên thành phố Điện Biên đổi mới, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn cổ vũ chúng ta trên các chặng đường cách mạng. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo cơ sở quan trọng cho chúng ta tin tưởng và khẳng định rằng, trong điều kiện mới, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là khi chúng liều lĩnh phát động chiến tranh xâm lược, lời giải cơ bản là: phát huy sức mạnh tổng hợp; thực hiện chiến tranh nhân dân, sức mạnh cơ bản, cái quyết định làm nên chiến thắng của chúng ta vẫn là chính trị - tinh thần, là ý chí quyết chiến quyết thắng, với nội dung và chất lượng mới.
(1) Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, Nxb ST, H, 1959, tr 100-101
Phát huy sức mạnh dân chủ cơ sở trong lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp  (06/05/2008)
Phát huy sức mạnh dân chủ cơ sở trong lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp  (06/05/2008)
Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững  (06/05/2008)
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII  (06/05/2008)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XII  (06/05/2008)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XII  (06/05/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên