TCCSĐT - Trong hai ngày 24 và 25-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về 10 nội dung quan trọng.


Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng. Đây là Nghị quyết mà trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về lĩnh vực này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài; một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất.

Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, kịp thời.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã yêu cầu các bộ, ngành, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa nghị định với thông tư trong các khâu: chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng, bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.

Trước đó, dự thảo Nghị quyết đã được gửi các thành viên Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp.

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế, cho rằng việc tổ chức thực hiện các quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cần tốt hơn nữa, trên tinh thần công khai, minh bạch, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Sau khi ban hành nghị quyết, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngay việc thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về nghị quyết, tránh tình trạng có người không đọc, không biết, “cứ lấy nghị quyết cũ để nói chuyện mới.”

Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 110/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.
Nhiệm vụ đầu tiên Chính phủ đề ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Cụ thể, các bộ, ngành Trung ương sẽ chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định, thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa thông tư với nghị định trong các khâu: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.

Trước mắt, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, tính chủ động trong lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bảo đảm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật đầu tư công, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng thống nhất về thời gian chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư; mở rộng các hình thức bảo đảm thực hiện dự án; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ trong quý I-2019. Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường theo hướng thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng…

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, kịp thời trong quá trình soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật.

Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong quá trình chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án luật cần chủ động làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, loại bỏ mâu thuẫn, chồng chéo, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng.

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, kết nối chia sẻ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, kết nối điện, nước.

Tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp, minh bạch hóa thông tin; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp nhận, trả lời kiến nghị, đối thoại với người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương củng cố bộ máy, tổ chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đầu tư xây dựng. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình đầu tư xây dựng. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái đạo đức, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đầu tư xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp về đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai các quy định về đầu tư xây dựng; công khai hóa danh sách các bộ, ngành và địa phương gây cản trở hoặc chậm trễ trong việc thực hiện giải ngân theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là đối với một số vụ việc dư luận quan tâm và bức xúc.

Cũng tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo về việc đầu tư xây dựng các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và về mô hình quản lý, khai thác cảng biển.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và đầu tư khu vực này phải bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cảng nước sâu Lạch Huyện là điều kiện thu hút thế giới đầu tư vào Hải Phòng.

Đây không chỉ là cảng của Hải Phòng mà cho cả khu vực miền Bắc. Phải quan tâm đến phát huy nguồn lực trong nước trong đầu tư vào đây cũng như cần triển khai nhanh hơn, tránh tình trạng quá tải, đã có chủ trương mà mãi không triển khai. Việc xây dựng cảng cần quan tâm đến cả giao thông đối ngoại, kết nối cảng.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, cùng thành phố Hải Phòng rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Về mô hình ban quản lý cảng, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu, vận dụng tốt nhất luật pháp (Luật Hàng hải) với tinh thần là không phát sinh bộ máy mới, biên chế mới, kết hợp được các chức năng, nhiệm vụ phù hợp để làm sao phát huy hiệu quả của cảng.

Theo quy hoạch, Cảng biển Hải Phòng đến năm 2020 thông qua lượng hàng từ 109-114 triệu tấn/năm, đến năm 2030, khoảng 178,5-210 triệu tấn/năm. Riêng container dự kiến đạt khoảng 5,84-6,2 triệu TEU/năm vào năm 2020, 11,2-12,5 triệu TEU/năm vào năm 2030. Khu bến cảng Lạch Huyện phát triển thành khu cảng hiện đại, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế.

Cũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe, thảo luận về các nội dung khác như việc việc lập thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đi qua 2 tỉnh trở lên; đường nối tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên; các nội dung liên quan đến đầu tư của Samsung; một số nội dung trong lĩnh vực tín dụng, đầu tư, thủy điện, đấu thầu./.