Hoạt động của các Phó Thủ tướng ngày 02-8

BTV/chinhphu.vn
21:19, ngày 02-08-2018

TCCSĐT - Ngày 02-8, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã công bố kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Michael Dorner, Giám đốc phụ trách các dự án quốc tế của Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall (Đức).

* Công bố quyết định kiểm tra đối với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương

Chiều 02-8, tại Hà Nội, Đoàn Kiểm tra số 717 của Bộ Chính trị do đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn đã công bố kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đối với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Tham dự cuộc làm việc có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; các đồng chí thủ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị nêu rõ: Đây là cuộc kiểm tra hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh Đảng ta đang thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, qua kiểm tra lần này, Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, đánh giá đúng những ưu, khuyết điểm, kể cả những vi phạm (nếu có), chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra những bài học tốt, những kinh nghiệm hay, thiết thực, hiệu quả của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

Mục đích, yêu cầu của Đoàn kiểm tra đối với Thường vụ Quân ủy Trung ương là nhằm kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị trong Đảng bộ Quân đội.

Đề xuất, kiến nghị với Đoàn kiểm tra, Ban Bí thư và Bộ Chính trị những vấn đề liên quan đến thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Theo đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các Kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, gương mẫu, đi đầu trong quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

Kết quả nổi bật là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt, kiểm tra thực hiện toàn diện, sâu sắc, có trọng tâm, trọng điểm Nghị quyết, Chỉ thị; xác định đúng những nội dung, giải pháp làm theo lộ trình, những nhiệm vụ trước mắt, cấp bách phải làm ngay để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Tiến hành kiểm điểm, tự phê bình, phê bình đối với tập thể và cá nhân nghiêm túc, chất lượng, bước đầu nhận diện rõ hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, kiên quyết khắc phục khâu yếu, mặt yếu đã được chỉ ra.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thường xuyên được tăng cường, chủ động phòng ngừa, kết hợp giữa xây và chống. Tổ chức triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Phát động trong toàn quân thực hiện cuộc vận động “phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội luôn vững vàng, kiên định, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết khắc phục khó khăn, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng; coi trọng đổi mới phong cách, phương pháp lãnh đạo, chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, phối hợp quản lý tốt đảng viên nơi cư trú, nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng. Việc đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thực chất hơn, góp phần quan trọng xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Chấp hành nghiêm quan điểm, nguyên tắc, quy trình, quy chế công tác cán bộ, thực hiện đồng bộ các biện pháp, ưu tiên tăng cường cán bộ đối với các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng gian, giữ bí mật, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn với địa bàn an toàn. Tập trung rà soát, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự tham gia cấp uỷ, cán bộ chủ trì, người làm việc trong các cơ quan, đơn vị, vị trí trọng yếu, cơ mật. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng; chủ động kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

* Cởi mở, minh bạch, tạo đồng thuận cho đổi mới giáo dục

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kiên định và theo xu thế thế giới

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục phải quán triệt hai điểm xuyên suốt hết sức quan trọng.

Thứ nhất, đổi mới là một quá trình, có lộ trình thực hiện và trong quá trình đấy không có giải pháp nào là hoàn hảo. Vì vậy, khi đã đề ra rồi, thì phải rất khoa học, cầu thị song kiên trì thực hiện.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: Đổi mới giáo dục không giống như xây một ngôi nhà, làm đường, xây nhà máy mà là cả một quá trình từ những việc rất nhỏ. Hôm nay, nhiều ý kiến nói về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia thì lộ trình bắt đầu từ năm 2015, làm từng bước đến năm 2021 mới xong. Hay đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa dù chuẩn bị xong cũng không thể làm đồng loạt ở tất cả các bậc học mà phải làm “cuốn chiếu”.

Giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội, nhà trường mà còn đặt chung trong bối cảnh của đất nước về tình hình kinh tế - xã hội, thói quen truyền thống nên khi đưa ra một giải pháp đổi mới cần phải cân đối lợi - hại.

Thứ hai, đổi mới giáo dục phải theo xu thế thế giới, không thể vì đặc thù, đặc điểm, hay trong quá trình này có tác dụng ngược mà đi ngược lại.

“Tự chủ đại học hay tới đây quản lý các trường phổ thông phải thay đổi, bớt hành chính hoá thì đấy là xu thế thế giới. Lộ trình đổi mới thi cử cũng vậy”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Trân trọng ý kiến, đóng góp tâm huyết

Từ những đặc điểm của đổi mới giáo dục cũng như sự quan tâm của toàn xã hội với rất nhiều ý kiến, đóng góp tâm huyết, Phó Thủ tướng nêu rõ đây là điều may mắn cho những người làm giáo dục.

Vì vậy, trong quá trình ban hành mọi chủ trương, chính sách giáo dục, dù là nhỏ nhất nhưng tác động đến người dân thì phải rất chú trọng mở ra diễn đàn để người dân đóng góp ý kiến đa chiều từ nhiều góc độ.

“Không có giải pháp nào là hoàn hảo nhưng qua tranh luận, góp ý mọi người sẽ thấy cái gì là phù hợp nhất cho lợi ích chung. Giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch thì mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đây là kinh nghiệm quý mà ngành giáo dục phải thực hiện. Giáo dục là vấn đề của từng gia đình, nhà trường, thầy cô và toàn xã hội, khi đồng thuận thì ngành giáo dục mới huy động được sức mạnh tổng hợp đẩy mạnh đổi mới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuẩn bị cho công tác sơ kết Nghị quyết 29

Theo Phó Thủ tướng hội nghị hôm nay cũng đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị đánh giá, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 29.

Nhìn lại sau 5 năm, Phó Thủ tướng cho rằng trong bức tranh đổi mới, phát triển chung của đất nước, lĩnh vực giáo dục đã đạt được nhiều kết quả khá rõ, có một số mặt có kết quả rất rõ. Qua đó cho thấy chúng ta đã chọn đúng hướng đi. Tuy nhiên, có những khâu, lĩnh vực bảo đảm được lộ trình, hướng đi. Có những khâu, lĩnh vực được đẩy nhanh. Có những khâu, những lĩnh vực còn chậm.

Phó Thủ tướng lưu ý: Nhìn lại thời điểm năm 2013, Nghị quyết 29 được xây dựng nhằm khắc phục toàn diện bất cập, hạn chế ở tất cả các khâu của giáo dục và đào tạo, đúng với vị thế là quốc sách hàng đầu, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Vì vậy, quá trình thực hiện nghị quyết hằng năm phải bám sát vào các mặt nghị quyết đã nêu ra để nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm.

“Chúng ta cần nhìn thẳng vào những thứ chưa làm được theo lộ trình, hay kết quả chưa được như mong muốn để cố gắng hơn. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá đúng những kết quả đã đạt được. Đây là công sức của hơn 1 triệu giáo viên, của các cháu học sinh, hàng triệu gia đình và toàn xã hội. Với tinh thần cầu thị, đổi mới, ngành giáo dục tiếp tục giữ được “lửa đổi mới”, lan toả xuống từng trường, từng giáo viên và ra cả cộng đồng để nền giáo dục được đổi mới thực sự. Có như vậy đất nước mới phát triển được”, Phó Thủ tướng nói.

* Việt Nam sẽ nghiên cứu các mô hình hiệu quả phát triển nhà ở cho người dân

Sáng 02-8, tại Hà Nội, tiếp ông Michael Dorner, Giám đốc phụ trách các dự án quốc tế của Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall (Đức), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm các mô hình hiệu quả để phát triển nhà ở cho người dân, trong đó có mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Đức.

Dự buổi tiếp còn có ông Wolfgang Manig, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Đức là quốc gia phát triển, có quan hệ hữu nghị truyền thống, là Đối tác chiến lược của Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn có mối quan hệ chặt chẽ, ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam học hỏi được rất nhiều từ những mô hình và cách thức phát triển của Đức.

Là người luôn đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển nhà ở, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đã nghiên cứu kỹ và đánh giá rất cao các chính sách nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Đức. Trong thực hiện các chính sách đó, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiết kiệm để có nguồn tài chính, sở hữu nhà ở.

“Việt Nam là nước đang phát triển, dân số tăng nhanh, đặc biệt là tầng lớp trẻ, trong đó, nhu cầu về nhà ở rất lớn và ngày càng tăng nhanh. Phát triển nhà ở để mọi người dân có nhà ở là mục tiêu cả trước mắt và dài hạn của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách để chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế, hiệu quả của các chính sách này chưa như mong muốn.

Hiện nay, những người thu nhập trung bình đang có xu hướng dịch chuyển về các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất… trong khi chưa có chính sách để hỗ trợ nhà ở cho họ. Do vậy, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các mô hình, cách làm hay của quốc tế, trong đó có chính sách khuyến khích người lao động tiết kiệm một cách khoa học để mua nhà như cách thức mà ngân hàng tiết kiệm nhà ở đang triển khai tại Đức. “Khi đó, thị trường bất động sản, bộ mặt đô thị, đời sống của người dân sẽ phát triển tốt hơn”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Schwäbisch Hall và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam để xây dựng mô hình phù hợp khuyến khích người dân tiết kiệm để có thể mua nhà.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Michael Dorner cho biết, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã có lịch sử hơn 90 năm phát triển với nhiều thành công tại Đức. Mô hình này cũng đang được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc. Vì vậy, “chúng tôi sẵn sàng trao đổi, chia sẻ mô hình, kinh nghiệm với Việt Nam”, ông Michael Dorner khẳng định.

Hiện nay ở Đức có 20 ngân hàng tiết kiệm nhà ở, trong đó có 8 ngân hàng nhà nước và 12 ngân hàng tư nhân. Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG (BSH) dẫn đầu thị trường Đức trong lĩnh vực tiết kiệm nhà ở và là ngân hàng tiết kiệm nhà ở lớn nhất thế giới.

Khi vay tiền tại đây, khách hàng có thể lựa chọn các hình thức vay tiết kiệm nhà ở. Theo đó, khách hàng ký hợp đồng tiết kiệm nhà ở, thỏa thuận với BSH về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hằng tháng với lãi suất cố định.

Khi đã tiết kiệm được tối thiểu từ 40% - 50% giá trị căn nhà cần mua trong một khoảng thời gian nhất định, khách hàng được vay phần còn lại với lãi suất thấp hơn nhiều so với thị trường. Mặt khác, khách hàng cũng có thể kết hợp giữa vay tiết kiệm nhà ở và vay thông thường./.