TCCSĐT - Người xưa đã dùng hình ảnh “con đê ngàn dặm bị vỡ bởi ổ mối” để chỉ mối nguy hại to lớn cho những công trình hùng vĩ, có ảnh hưởng đến muôn người, do những lỗi lầm nhỏ nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời gây ra. Đối với một triều đại, một chế độ chính trị cũng có những nguy cơ tương tự. Việc ứng xử với những nguy cơ đó thể hiện bản lĩnh chính trị và sự vững chắc của chế độ chính trị, thể hiện lòng tin của quần chúng nhân dân gửi gắm nơi chế độ đó.

Trên “nóng” và quyết tâm

Tham nhũng dù dưới bất kỳ mức độ, cấp nào đều là nguy cơ cho sự tan vỡ của một chính quyền, sự suy giảm niềm tin của quần chúng đối với chính đảng cầm quyền. Đảng ta luôn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng như một sự khẳng định bản chất tốt đẹp của Đảng - một đảng không có mục đích tự thân nào khác ngoài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Từ sự thừa nhận nạn tham nhũng là mối nguy cơ với sự tồn vong của chế độ, như Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII chỉ rõ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta trải qua những sự vận động phát triển với sự ngóng trông, hy vọng của quần chúng nhân dân trong muôn vàn những mối quan tâm hằng ngày, cơm áo, gạo tiền, niềm vui, nỗi buồn của mỗi người dân.

Năm 2017, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã có những kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm sắt đá của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự tôn nghiêm của kỷ luật Đảng, sự vững mạnh của chế độ, tích cực lấy lại lòng tin của nhân dân với Đảng.

Cụ thể(1), ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với hơn 3.600 tổ chức đảng và gần 10.400 đảng viên. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức đảng. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán các cấp đã tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng. Đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ, việc, 192 đối tượng; tiến hành thanh tra toàn diện 4 dự án, rà soát việc thanh tra 7 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm. Qua kiểm toán đã kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 15.222 tỷ đồng, chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra 5 vụ, việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc công khai kết quả thanh tra, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, phát huy vai trò của báo chí và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức 8 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ, việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm tại 20 địa phương. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị 55 nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ở địa phương; kiến nghị các ban thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo xử lý 118 vụ, việc, 39 vụ án tham nhũng, kinh tế.

Trong số những người chịu kỷ luật đảng, bị truy tố trước pháp luật đó, có những cá nhân đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng, nhưng do không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không tuân thủ và thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, nhiệm vụ của người đảng viên, các quy định pháp luật có liên quan, nên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mọi mặt, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng. Việc kỷ luật và truy tố, đưa ra xét xử các cá nhân đó đã thể hiện tính chiến đấu của Đảng, sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, tinh thần thượng tôn pháp luật.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, quần chúng nhân dân đã ghi nhận quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thể hiện ở những kết quả nói trên, nhất là ở cấp cao nhất của Đảng, với khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 22-01-2018: quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn.

“Nóng” ở đây được hiểu là nhiệt huyết trong công tác, là sự quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, là sự khốc liệt, căng thẳng với những người trực tiếp thực hiện công việc khó khăn, gian khổ này - tìm ra và xử lý “kẻ thù của chế độ” trong đội ngũ của chính mình, là đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí còn từng là cấp trên của mình.

Dưới “lạnh” và “vặt” mà không vặt

Tuy nhiên, quần chúng nhân dân còn trực tiếp thể nghiệm, cảm nhận và đánh giá quyết tâm và hành động cụ thể chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước qua cuộc sống hằng ngày của họ. Hằng ngày, hằng giờ, người dân ở mỗi vùng, miền, với nhu cầu công việc bản thân, đều có những việc cần thực hiện thông qua giao tiếp với bộ máy chính quyền các cấp, với đội ngũ công chức, viên chức - những người trực tiếp hướng dẫn, giải quyết công việc của nhân dân. Những nhũng nhiễu do một bộ phận này gây ra cho người dân, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “tham nhũng vặt” trong Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

“Tham nhũng vặt” khi trở thành cách ứng xử với nhân dân của những người đảm nhận cương vị trong bộ máy chính quyền các cấp, đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ của công chức, viên chức trên mỗi cương vị. Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng, đạo đức của Đảng nói chung, bởi đội ngũ công chức, viên chức chính là đối tượng phát triển đảng của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan chính quyền…

Số đông “tham nhũng vặt” dệt nên mạng lưới quan hệ, là điều kiện để hình thành những kẻ tham nhũng lớn. Nói cách khác, không phải mọi kẻ “tham nhũng vặt” đều trở thành kẻ tham nhũng lớn, nhưng nhiều kẻ “tham nhũng vặt” hợp lại tất yếu sẽ sinh ra kẻ tham nhũng lớn. Những kẻ hôm nay “tham nhũng vặt” gây khó dễ cho nhân dân để ăn chặn dựa trên những kẽ hở của pháp luật, quy định, do công tác kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm công chức, viên chức thực hiện không nghiêm. Khi những kẻ này có điều kiện, khả năng tham nhũng lớn sẽ bẻ cong chính sách, pháp luật vốn hướng tới phục vụ số đông, sẽ đề ra chính sách có lợi cho nhóm nhỏ lợi ích ích kỷ, phi pháp của mình, tìm mọi cách để bao che, bảo vệ quyền lợi của nhóm… Đó chính là con đường phát triển tất yếu từ “tham nhũng vặt” thành tham nhũng lớn - tham nhũng về chủ trương, chính sách - điều sẽ dẫn tới sự thay đổi mục tiêu, bản chất của chế độ.

“Tham nhũng vặt” - theo như câu chữ gọi tên hành động này, nhưng hậu quả mà nó gây ra cho sự sút giảm uy tín của Đảng, mất mát lòng tin của nhân dân với Đảng, đe dọa sự vững bền của chế độ… lại không hề nhỏ. Bởi như trên đã nói, nó gây hại trực tiếp cho người dân, hình thành ở họ những đánh giá trực tiếp không tốt trước hết về những kẻ gây hại cho họ, và tiếp đến là tổ chức mà những kẻ gây hại cho họ là thành viên. Mà lòng tin, thái độ thiện cảm của quần chúng là yếu tố quyết định sự vững bền của chế độ. Điều này đã được Nguyễn Trãi - nhà văn hóa lớn của dân tộc vào thế kỷ XV đúc kết: Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vẻ vang, được dân tộc Việt Nam và thế giới ghi nhận càng thấm thía chân lý này.

Vì vậy, cách nói của Tổng Bí thư về tệ nạn này phải được hiểu là, được gọi là “tham nhũng vặt” bởi nó xảy ra ở cấp dưới, chủ yếu là cấp cơ sở trong quan hệ trực tiếp với người dân hằng ngày, và dựa trên quy mô số tiền có được khi thực hiện hành vi này, chứ không phải là hành vi này là vặt vãnh nếu xét từ ảnh hưởng nghiêm trọng với uy tín của Đảng với dân tộc, lòng tin của Đảng trong nhân dân. Do đó, đấu tranh với tệ “tham nhũng vặt” cần hội tụ quyết tâm lớn của toàn Đảng, tâm huyết của các cá nhân lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp, của mỗi đảng viên trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng này bởi ý nghĩa vô cùng quan trọng của nó.

“Tham nhũng vặt” tồn tại ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn), nếu xét dưới góc độ lãnh thổ hành chính; ở các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị (chủ yếu trong các cơ quan hành chính) cấp quận, huyện, tập trung ở những cá nhân trực tiếp quan hệ với công dân. Nó biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho những công dân đến làm việc để gợi ý “bồi dưỡng” cho công việc thuận lợi, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần; hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những phí thu, các khoản phạt trái quy định pháp luật… Hình thức này không những có lỗi “tham nhũng vặt”, mà bước đầu đã hình thành “nhóm lợi ích” lợi dụng quyền hạn để mưu lợi trái pháp luật…

“Tham nhũng vặt” tồn tại bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân về nhận thức, là do tư tưởng của một số cấp lãnh đạo những nơi xảy ra hành vi này coi nhẹ ảnh hưởng của nó với những vấn đề quan trọng như đã nói ở trên, cho rằng bồi dưỡng ít tiền để anh em làm việc thuận lợi hơn…; Nguyên nhân về ý thức đạo đức công vụ, đạo đức đảng viên cũng có, khi những người có hành vi “tham nhũng vặt” không đếm xỉa đến những quy định đạo đức này, hoặc có hiểu, có biết cũng không tuân thủ; Nguyên nhân về cơ chế quản lý, đánh giá cán bộ cũng có, khi “chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đã chỉ ra và đó cũng là một điều kiện để tình trạng “tham nhũng vặt” tồn tại, bởi những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không bị thay thế, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất dễ phạm phải sai lầm dẫn đến nhũng nhiễu…; Nguyên nhân về kiểm tra, giám sát là nguyên nhân quan trọng nhất, khi việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức sẽ không ngăn ngừa, hạn chế được tệ tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, những lỗi lầm khi bị phát hiện chỉ nhận hình thức kỷ luật không mang tính răn đe, do đó không ngăn ngừa, hạn chế được vi phạm…

Nguyên nhân từ tâm lý dân tộc nói chung, cũng như của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng là có biểu hiện dễ dãi, được chăng hay chớ, do ảnh hưởng rơi rớt lại của tâm lý tiểu nông, phụ thuộc thiên nhiên - mà biểu hiện rõ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là tình trạng trung bình chủ nghĩa, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã chỉ ra. Tâm lý đó, thực trạng đó lại bị ảnh hưởng bởi thực tế của một số cán bộ, đảng viên, từ trong suy nghĩ của nhân dân cho rằng, thời này giỏi, có đạo đức chưa chắc đã được để ý, đánh giá đúng nếu không có quan hệ, không biết “luồn, cúi”; kém về năng lực, vi phạm quy định, đạo đức chưa chắc đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí vẫn thăng tiến đều, nếu có “ô dù” che chắn, nâng đỡ.

Để điều này tồn tại trong suy nghĩ, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, được gọi tên là sự vô cảm, “sự thờ ơ chính trị”. Cái xấu, cái ác, cái vô đạo đức,… vì thế cứ mặc nhiên tồn tại, không chỉ trong xã hội mà còn len lỏi vào trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là một thực tế cần kiên quyết khắc phục, và là trách nhiệm trước tiên của Đảng.

Những nguyên nhân trên, mặc dù đó chưa phải là tất cả, đã làm cho tình trạng “tham nhũng vặt” tồn tại, như đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về công tác chống tham nhũng ở cấp địa phương tại Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là: tình trạng "dưới lạnh" vẫn còn nhiều, khâu tự kiểm tra còn yếu.

Năm 2018 và những năm tiếp theo

Theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, cũng như quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, để công tác chống tham nhũng, nhất là tệ “tham nhũng vặt” trong năm 2018 và những năm tiếp theo thực hiện có kết quả, cần:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Cần kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng (chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Đây là trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, của ủy ban kiểm tra cấp ủy, thanh tra các cấp. Cần đưa trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ này vào đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó có công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, chú trọng cấp cơ sở. Nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm của tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị, khi để cán bộ dưới quyền tham nhũng. Điều này đã được quy định rõ trong điều 8 của Quy định về những điều đảng viên không được làm, nhưng trên thực tế không được thực hiện nghiêm.

Năm 2018 và những năm tiếp theo các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cần thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên làm việc thứ 13 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng: Chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt").

Thứ ba, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy định pháp luật về trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức cũng như các quy định về trách nhiệm đảng viên với đội ngũ này. Chú trọng “việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp (như kê khai tài sản...)”, “tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”(2). Đồng thời, cần “… có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”(3) cũng như thực hiện “công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình”(4) để ngăn chặn ngay từ đầu một trong những nguyên nhân gây ra tệ “tham nhũng vặt”.

Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng nói chung, tệ “tham nhũng vặt” nói riêng.

Nhân dân là đối tượng đầu tiên và trực tiếp nhất chịu tệ “tham nhũng vặt”, do đó họ có đủ khả năng nhận ra, phát hiện và đấu tranh chống tệ nạn này. Và, tổ chức mà họ tìm đến để tố cáo chính là cơ quan quản lý của cán bộ, công chức nhũng nhiễu họ, cũng như các cơ quan báo chí, hiện nay còn có mạng xã hội với tác động nhanh chóng, đã có vai trò to lớn trong đấu tranh chống tệ tham nhũng nói chung, tệ “tham nhũng vặt” nói riêng.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, có đôi khi người dân cũng tự nguyện tiếp tay, giúp sức cho tệ “tham nhũng vặt” tồn tại và phát triển. Đó là khi, vì muốn nhanh chóng đạt được kết quả công việc; do không hiểu biết về các quy định pháp luật có liên quan; do bản thân người dân cũng vi phạm quy định pháp luật, nên muốn thoát khỏi xử phạt bằng cách chủ động chấp nhận vi phạm pháp luật; thậm chí có khi người dân chủ động cấu kết với những người thực thi pháp luật cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cốt để có lợi cho bản thân mình… đã là điều kiện để “tham nhũng vặt” tồn tại và phát triển.

Do đó, muốn ngăn chặn và đẩy lùi tệ “tham nhũng vặt”, cần thiết phải nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho nhân dân, từ đó phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng một cách thiết thực và hiệu quả trong cuộc đấu tranh này./.

----------------------------------------

(1) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ 13, ngày 22-01-2018, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng/Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-01-2018
(2) Xem: Nguyễn Phú Trọng: phát biểu đã dẫn
(3) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2017, tr. 42-43
(4) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đã dẫn, tr. 38