Thủ tướng: Hà Nội cần biện pháp mạnh mẽ hơn hỗ trợ dân vùng ngập lụt

BTV (tổng hợp từ TTXVN, vov.vn)
23:30, ngày 01-08-2018

TCCSĐT - Sau một ngày dành cho công tác xây dựng thể chế, sáng 01-8, Thủ tướng tiếp tục chủ trì ngày thứ hai của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Bảy để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng 2018 của đất nước.

Nước đã có dấu hiệu rút

Tại buổi làm việc sáng nay, báo cáo về tình hình ngập lụt do mưa lũ tại khu vực huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến thời điểm này, nước đã có dấu hiệu rút.

Ông Hùng khẳng định, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình tại đây. Thành phố Hà Nội đã tổ chức gia cường và triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của bà con nhân dân trong khu vực.

Cũng theo ông Hùng, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt đã tác động lớn đến đời sống nhân dân tại huyện Chương Mỹ. Trước tình hình này, thành phố đã chủ động chăm lo, bảo đảm đời sống người dân.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội cho người dân khu vực chịu tác động của mưa lũ.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Hà Nội cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng bị ngập, lụt. Đặc biệt, thành phố cần chú ý làm tốt hơn nữa việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bị úng ngập để bảo đảm sức khỏe người dân.

Vẫn còn tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan

Báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, hiện còn nợ 7 Nghị định, 1 Quyết định và 9 thông tư.

Trong thời gian 7 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 13.296 nhiệm vụ. Trong số này, có 5.770 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.350 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 176 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9%, tăng 0,3% so với tháng trước).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng phản ánh ý kiến của một số hiệp hội, doanh nghiệp về việc thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vẫn còn phiền hà, tốn kém thời gian và phát sinh chi phí.

Các phương án cắt giảm được đưa ra nhưng chưa được áp dụng trên thực tế. Đáng chú ý, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa diễn ra ở nhiều nơi.

Tổ công tác đề nghị các bộ, ngành cải cách mạnh mẽ hơn nữa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; cùng với đó, việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận trách nhiệm về sai phạm thi cử

Về vấn đề gian lận, tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, khiến dư luận bức xúc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu giải pháp trước mắt và trung hạn; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành xử lý nghiêm các sai phạm ở các tỉnh, thành phố.

Trước các sai phạm xảy trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Hà Giang và Sơn La, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm các vi phạm, nhưng không vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi như một số ý kiến.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã được tổ chức và rút kinh nghiệm nên hoàn thiện hơn, đáp ứng được yêu cầu gọn, nhẹ, tích cực, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khắc phục những thiếu xót, hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Cụ thể là vấn đề đề thi chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của thi trung học phổ thông quốc gia. Trong đề thi có những câu hỏi rất khó, đòi hỏi quá cao; Vấn đề cần khắc phục thứ hai là phần mềm chấm chắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến việc làm sai kết quả thi; Vấn đề công tác thanh tra, giám sát của Bộ đối với các địa phương trong khâu coi thi đã được tăng cường, nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Do đó, Bộ sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, phục vụ cho kỳ thì trung học phổ thông quốc gia là chính. Cùng với đó là hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến công tác tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính khách quan. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường Đại học, các cán bộ làm công tác thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các hội đồng thi.

Từ những lập luận đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, việc bỏ thi trung học phổ thông quốc gia tại thời điểm này là không nên. Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo, nhưng chưa thể bỏ việc bỏ thi trung học phổ thông quốc gia những năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với tư cách là tư lệnh ngành đã nhận trách nhiệm về sai phạm, tiêu cực của kỳ thi.

Thủ tướng nêu rõ, Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử đã đặt ra. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới./.