Xây dựng thành phố xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng
Qua 15 năm phấn đấu và xây dựng, thành phố Điện Biên Phủ hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần đáng kể vào sự nghiệp đổi mới của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thành phố cũng còn không ít khó khăn và thử thách. Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân thành phố Điện Biên Phủ ra sức phấn đấu, xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc.
Thành phố Điện Biên Phủ nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, trong vùng lòng chảo Mường Thanh. Thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, có vị trí quốc phòng - an ninh trọng yếu của tỉnh Điện Biên, là địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Tây Bắc và với các tỉnh Bắc - Lào, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Thành phố có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch lịch sử, sinh thái, văn hóa dân tộc và phát triển thương mại.
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc: Kinh tế phát triển nhanh, năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế có sự điều chỉnh hợp lý chuyển dịch đúng hướng đã xác định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả; bộ mặt đô thị đổi thay nhanh chóng. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định, tiềm lực quốc phòng - an ninh được tăng cường. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả; vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên.
Đảng bộ Điện Biên Phủ xác định cơ cấu kinh tế là: Công nghiệp - nông, lâm nghiệp và dịch vụ; nền kinh tế của thị xã đơn thuần là sản xuất lúa, chăn nuôi gia súc và sản xuất gạch ngói, cát sỏi. Đại hội lần thứ IX Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã khẳng định cơ cấu kinh tế của Thành phố là: Thương mại, du lịch, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản - nông, lâm nghiệp. Với việc xác định đúng và kịp thời điều chỉnh cơ cấu kinh tế phù hợp trong từng giai đoạn nên đã phát huy được tiềm năng thế mạnh của thành phố, đồng thời tập trung đầu tư phát triển, do đó kinh tế thành phố phát triển nhanh. Những năm đầu mới thành lập thị xã, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm; 5 năm (2000 - 2005) tốc độ tăng trưởng bình quân đã đạt 14,8%/năm, năm 2006 đạt 15,7%/năm. GDP bình quân đầu người đến 1993 mới đạt 2,43 tỉ đồng, đến năm 2006 là 43,8 tỉ đồng, chiếm 32% tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh.
Những năm đầu thị xã mới thành lập, hoạt động thương mại trên địa bàn chưa phát triển, chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ; dịch vụ, du lịch hầu như chưa có gì. Đến năm 1996 với việc xác định lại cơ cấu kinh tế, hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ đã phát triển nhanh chóng. Hiện nay, trên địa bàn có trên 2.200 hộ kinh doanh với tổng số vốn hàng trăm tỉ đồng; tổng mức thu lưu chuyển hàng hóa thương mại, du lịch và dịch vụ đạt 680 tỉ đồng. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, quy mô được mở rộng, chất lượng được nâng lên. Thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, hiện nay chiếm tỷ trọng 62,2% trong cơ cấu GDP. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, giá trị sản xuất năm 1993 mới đạt 2,2 tỉ đồng, đến nay đạt 247 tỉ đồng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế đến nay chỉ chiếm 5%, nhưng tổng sản lượng lương thực đạt trên 7.300 tấn, tăng 6 lần so với năm 1993.
Từ một thị xã nhỏ bé chỉ có một trục đường giao thông chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thấp kém, sau 15 năm phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, của tỉnh và các địa phương trong cả nước, tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố hằng năm liên tục tăng; chỉ tính riêng 5 năm 2000 - 2005 mức đầu tư xây dựng cơ bản đạt trên 1.000 tỉ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với 5 năm trước. Đến nay, thành phố đã điều chỉnh xong quy hoạch chung với 16 khu quy hoạch. Các công trình công cộng, hệ thống công sở, nhà ở của nhân dân được đầu tư xây dựng mới, hầu hết các công sở được xây dựng khang trang, 85% số nhà dân được xây dựng kiên cố.
Hệ thống giao thông phát triển nhanh, đến nay đã có trên 100km đường nội thành, trong đó 2/3 là đường rải nhựa; cảng hàng không Điện Biên được cải tạo nâng cấp, số chuyến bay tăng nhanh đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và phát triển du lịch.
Khi mới thành lập thị xã, nguồn cung cấp điện chủ yếu đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các cơ quan công sở, nước sạch chủ yếu dùng nước giếng đào. Đến nay 97% dân số được dùng điện, 90% đường phố chính, 10% đường vào các tổ dân phố được chiếu sáng, mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt 730 KWh/năm; 80% số hộ được sử dụng nước máy, mức tiêu thụ bình quân 90 lít/người/ngày, đêm. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển nhanh, hệ thống loa truyền thanh không dây, mạng cáp nội hạt, internet được xây dựng đến trung tâm các xã, cứ 100 dân có 23 máy điện thoại.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Khi mới thành lập thị xã có 11 trường với khoảng 3000 học sinh. Đến nay toàn thành phố có 28 trường với gần 10 ngàn học sinh các cấp. Năm 2003, Thành phố là đơn vị sớm nhất của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hằng năm tỷ lệ học sinh giỏi, giáo viên giỏi tăng, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng dạy và học. Hệ thống các trường chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường phổ thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nâng cao dân trí và nguồn nhân lực của Thành phố.
Công tác y tế đã được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, đến nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh và cả nước, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trên Thành phố được cải thiện rõ rệt. Văn hóa các dân tộc thiểu số và nhiều phong tục tập quán, giá trị văn hóa đặc sắc được khôi phục, bảo tồn, bước đầu khai thác, phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân các dân tộc và khách du lịch. Đại bộ phận nhân dân đã được tiếp cận thông tin, được hưởng thụ các giá trị văn hóa mới; phong trào văn hóa văn nghệ, phong trào xây dựng cơ quan, phố bản, gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng.
Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện tốt hơn, nhất là đối với người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đặc biệt là phong trào “xóa đói giảm nghèo” thực sự đi vào cuộc sống, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh, đến nay Thành phố đã xóa hết hộ đói và chỉ còn 1,79% hộ nghèo.
Quan hệ hợp tác, hữu nghị với các huyện, quận, thị xã, thành phố trong và ngoài nước không ngừng được củng cố tăng cường và mở rộng. Đặc biệt là với các thành phố, thị xã trong Hiệp hội đô thị Việt Nam, các thành phố, thị xã kết nghĩa với huyện Kim Bình, Giang Thanh - Trung Quốc, huyện Mường Khoa, thành phố Luông Pra Băng - Lào, góp phần nâng cao vị thế và tạo sự phát triển của thành phố Điện Biên Phủ.
Hệ thống chính trị của thành phố thường xuyên được xây dựng, củng cố kiện toàn phát triển và ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên. Khi mới thành lập, Đảng bộ thị xã có 24 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 4 đảng bộ, 20 chi bộ, với 878 đảng viên. Đảng bộ thường xuyên quan tâm lãnh đạo việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do vậy, số cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hằng năm tăng, số lượng và chất lượng đảng viên được nâng lên.
Đảng bộ thành phố đã coi trọng việc xây dựng, củng cố kiện toàn chính quyền các cấp. Bằng việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, quy chế và tập trung cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa nên hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền từ thành phố đến xã phường nâng lên rõ rệt. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng được củng cố xây dựng và trưởng thành, phát huy vai trò trong vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, những năm qua Đảng bộ luôn quan tâm làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý Nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức; hằng năm tổ chức tốt công tác đánh giá cán bộ, luân chuyển, bố trí sắp xếp cán bộ công chức một cách hợp lý. Do vậy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đã không ngừng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu xây dựng Thành phố xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng và trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của vùng Tây Bắc, trong những năm tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố nêu cao truyền thống đoàn kết, phát huy nội lực, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện. Trước hết, phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả và bền vững. Nâng cao hơn nữa đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu giảm nhanh hộ nghèo, tăng cường các biện pháp phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt các chính sách và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; sự chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để xây dựng thành phố Điện Biên Phủ ngày càng vững mạnh và giàu đẹp.
Hai là, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ở mức 15 - 16%; đến năm 2010 GDP bình quân đầu người đạt 1200 - 1300 USD. Thực hiện cơ cấu kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch 65%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 30% nông nghiệp, lâm nghiệp 5%. Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện để củng cố nâng cấp, xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng. Tiếp tục phối hợp thực hiện dự án trùng tu tôn tạo khu di tích lịch sử, đẩy nhanh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Duy trì phát triển các ngành dịch vụ hiện có và mở rộng các loại hình dịch vụ mới. Tạo bước chuyển biến mới về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các khu và cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống, đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đến năm 2010 đạt 460 - 480 tỉ đồng. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cầy trồng, vật nuôi; nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu trên thị trường.
Ba là, huy động các nguồn vốn, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - xã hội, hoàn thiện một số tiêu chí còn lại của đô thị loại III. Đa dạng hơn các hình thức đầu tư, ưu tiên đầu tư vào các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông đô thị, hệ thống điện, cấp và thoát nước, vệ sinh môi trường, trường học, trạm y tế, văn hóa thể thao...Tăng cường quản lý đô thị, nhất là về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng, quản lý đất đai, hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường đô thị, giải phóng mặt bằng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, phấn đấu đến năm 2015 Thành phố đạt tiêu chí đô thị loại III.
Bốn là, tiếp tục phát triển giáo dục đào tạo theo hướng đa dạng hóa và chuẩn hóa các loại hình, các cơ sở giáo dục đào tạo. Quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục toàn diện. Giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2010 thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học phổ thông và có 40% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử, các phong tục tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, chủ động phòng ngừa, quản lý chặt chẽ không để dịch bệnh lớn xảy ra. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Đầu tư nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, đến năm 2010 có 100% trạm y tế có bác sĩ, 75% phường xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mở mang ngành nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế, hằng năm giải quyết việc làm cho 1.200 lao động. Tích cực kiềm chế tiến tới đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xóa đói giảm nghèo theo hướng xóa nghèo, tăng giàu, đến năm 2010 giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 1%, tăng hộ khá giàu lên trên 75%.
Năm là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với an ninh nhân dân vững chắc, rộng khắp. Giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân về âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.
Vận dụng chính sách  (27/04/2007)
Cải cách hành chính ở một số nước châu Á  (27/04/2007)
Cải cách hệ thống chính quyền địa phương ở Nhật Bản  (27/04/2007)
Giao đất, giao rừng cho làng ở miền núi Quảng Nam  (27/04/2007)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên