TCCSĐT - Chiều ngày 26-7 tại thành phố Điện Biên Phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ và một số mô hình nông thôn mới ở xã Thanh Hưng ngoại thành Điện Biên Phủ.

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi vòng hoa tới viếng tại Nghĩa trang Đồi A1, nơi quy tụ hơn 600 ngôi mộ liệt sĩ và ghi danh hơn 5.000 liệt sĩ đã chiến đấu, anh dũng ngã xuống trong Chiến thắng Điện Biên Phủ 64 năm trước.

Thay mặt đoàn công tác của Chính phủ và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trân trọng ghi vào sổ lưu bút của Nghĩa trang Đồi A1: “Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự trường tồn của đất nước”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng tới thăm và tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Nụ, thương binh Đỗ Văn Khôi trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại phường Mường Thanh, tặng quà cho các cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại xã Thanh Hưng.

Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ cũng tới thăm các mô hình nông dân làm kinh tế giỏi của xã Thanh Hưng với lợi thế trồng màu, cây ăn quả và kết hợp chăn nuôi, thả cá. Đây cũng là 1 trong 16 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên tính tới nay.

Làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, quân và dân Điện Biên trong phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tinh gọn bộ máy các cơ quan đảng và hành chính Nhà nước, công tác phát triển đảng viên trong các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục quan tâm xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, trong đó quan tâm tới phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp gắn với thị trường, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan cùng với tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện hiệu quả dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của bà con tốt hơn trước; quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ trong giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ người dân Việt Nam.

Vào ngày mai 27-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản nhằm tập trung nguồn lực, khơi dậy cách làm mới tại các địa bàn đặc thù, còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì sơ kết 6 tháng Ban Chỉ đạo 138 và 389 quốc gia

Chiều 26-7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138) và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng của hai Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh: Đây là hội nghị quan trọng với nhiều nội dung lớn đối với công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả hiện nay.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được, những cơ quan, đơn vị nào chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, thuận lợi và khó khăn, đề xuất giải pháp thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Công an - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138 của Chính phủ cho biết: Kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm đã xác lập hơn 2.000 chuyên án, khám phá và kết thúc 900 chuyên án; quần chúng nhân dân cung cấp trên 58.000 tin có giá trị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm. Khám phá hơn 2.500 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá trên 1.000 băng nhóm tội phạm.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại hơn 2.600 đối tượng truy nã; phát hiện gần 9.000 vụ phạm tội về kinh tế, hơn 200 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ; trên 1.100 vụ buôn lậu; phát hiện hơn 12.800 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt hành chính gần 9.000 vụ; phát hiện và bắt giữ gần 12.000 vụ, hơn 18.000 đối tượng phạm tội về ma tuý.

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm tra điều tra trên 51.000 vụ với hơn 74.000 bị cáo. Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm gần 32.000 vụ với trên 55.000 bị cáo, đã giải quyết, xét xử gần 26.000 vụ với hơn 43.000 bị cáo.

Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ 389 quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm 88.229 vụ, số thu nộp ngân sách Nhà nước trên 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ và 889 đối tượng.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, BCĐ 389 quốc gia cho biết sẽ tiến hành xây dựng các kế hoạch chuyên đề để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; triển khai các kế hoạch của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường đấu tranh đối với mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn để nhận diện các hiện tượng nổi cộm, các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Tuyên truyền đến nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, tích cực tham gia tố giác tội phạm. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thay thế, điều chuyển người đứng đầu cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 7.879 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 9,19%); trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 389 tỷ 583 triệu đồng (tăng 33,21%). Số vụ cơ quan Hải quan khởi tố án hình sự là 30 vụ (tăng 42,86%). Số vụ chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố là 51 vụ (tăng 34,21%). Số thu ngân sách Nhà nước đạt 115 tỷ 583 triệu đồng.

Riêng tuyến đường biển, toàn ngành phát hiện, bắt giữ 4.483 vụ (tăng 22,49% so với cùng kỳ năm 2017), trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 294 tỷ 293 triệu đồng (tăng 82,49% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, mặt hàng trọng điểm gồm: Xăng dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, lá khát, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đã qua sử dụng, đường, thuốc lá, sữa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Đối tượng trọng điểm là doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng giá trị lớn, mặt hàng có thuế suất cao; doanh nghiệp vừa là đại lý cho các hãng tàu, vừa kinh doanh vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kho ngoại quan; doanh nghiệp nhiều lần vi phạm pháp luật Hải quan; các công ty mới thành lập, hoạt động không thường xuyên.

Về một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh: Thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự tại Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 đối với tội “buôn lậu” (Điều 188), tội “vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới” (Điều 188) và tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190).

Tuy nhiên, trong khi thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Hải quan, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lý của ngành Hải quan như: Vận chuyển trái phép vũ khí, ma tuý qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả… Trên thực tế, khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng, kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

Mặt khác, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” còn thấp, dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Canada

Chiều 26-7, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Canada Ping Kitnikone đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng chúc mừng Đại sứ Ping Kitnikone đã hoàn thành nhiệm kỳ công tác hai năm tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước.

Trong nhiệm kỳ của Đại sứ, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Justin Trudeau tháng 11-2017, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Canada, mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, nhất là chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục và đào tạo... trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích trong quan hệ song phương, cũng như trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng cho rằng việc hai nước đều là thành viên của Hiệp định CPTPP có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, đồng thời là cơ hội để Canada mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng bày tỏ cảm ơn Canada đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao G7 mở rộng, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Canada theo hướng hiệu quả, thực chất đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam phát huy vai trò, đóng góp tích cực đối với các vấn đề toàn cầu.

Việt Nam hoan nghênh Canada ngày càng quan tâm và đóng góp tích cực để duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực, Phó Thủ tướng phát biểu.

Đại sứ Ping Kitnikone bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam; đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đại sứ đánh giá cao thành tích học tập của sinh viên Việt Nam tại Canada; vui mừng khi ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn học tập, nghiên cứu tại Canada, với số lượng hiện nay khoảng 14.000 sinh viên. Canada có chính sách ưu tiên học bổng cho sinh viên châu Á, trong đó trên 30% sinh viên giành được học bổng này là người Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Giám đốc Chương trình Lao toàn cầu

Chiều 26-7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp bà Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao Chương trình Lao toàn cầu của WHO đã rất thành công trong việc vận động chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu với cam kết của các quốc gia thông qua những diễn đàn cấp cao.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Lao toàn cầu, công tác phòng chống bệnh lao tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về kỹ thuật công nghệ lẫn phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả.

Hằng năm Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm so với mức trung bình 61% trên thế giới. Điều trị khỏi bệnh 90% số trường hợp mắc lần đầu; trong số 12.019 người bệnh lao kháng đa thuốc được điều trị, tỷ lệ khỏi đạt trên 75% (mức trung bình trên thế giới là 52%).

Hiện nay, chương trình chống lao quốc gia có thể điều trị cho tất cả các thể lao kháng đa thuốc và siêu kháng với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phát hiện chủ động, điều trị lao tiềm ẩn trong cộng đồng... đang được thực hiện và có triển vọng làm giảm mạnh tỷ lệ mắc mới.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá như một mô hình điểm cho việc triển khai chấm dứt bệnh lao toàn cầu, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có những thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện.

Việt Nam đang đứng thứ 16 trên thế giới về gánh nặng bệnh lao, xếp thứ 13 về lao kháng thuốc. Ước tính năm 2017 có thêm 126.000 người mắc lao và 13.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng chống lao trong đó nhấn mạnh trách nhiệm đa ngành, của cả hệ thống chính trị cho công tác này. Nguồn lực đầu tư cho chương trình chống lao tiếp tục được ưu tiên đầu tư trong chương trình mục tiêu y tế và dân số.

Việt Nam cũng ủng hộ và tham gia sáng kiến “Tìm. Điều trị. Tất cả. Kết thúc bệnh lao” của WHO và Liên minh Phòng chống lao toàn cầu nhằm phát hiện sớm nhất những người mắc bệnh lao, điều trị có hiệu quả để không còn nguồn lây thì bệnh lao sẽ chấm dứt.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong chương trình phòng chống lao của Việt Nam, bà Tereza Kasaeva mong muốn thúc đẩy Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao, mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Giám đốc Chương trình Lao toàn cầu tái khẳng định cam kết hỗ trợ mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong những nỗ lực kết thúc bệnh lao, căn bệnh có thể phòng và chữa khỏi./.