Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 538/2018/UBTVQH14 về chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019.

Theo nghị quyết năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành những hoạt động giám sát sau đây:

1. Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tại phiên họp tháng 5-2019).

2. Xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (tại phiên họp tháng 10-2019).

Xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tại phiên họp tháng 9-2019).

3. Xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội tại phiên họp tháng 4-2019 đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; tại phiên họp tháng 9-2019 đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.”

4. Trực tiếp giám sát hai chuyên đề và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8:
- Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018” (tại phiên họp tháng 8-2019; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giám sát);

- Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018” (tại phiên họp tháng 9-2019; giao Hội đồng Dân tộc chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung giám sát).

5. Tổ chức hoạt động chất vấn tại hai phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 và tháng 8-2019.

6. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7); việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8); giám sát việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân.

7. Xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại các phiên họp tháng 4 và tháng 9-2019; chuẩn bị báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trình Quốc hội (nếu có).

8. Xem xét kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội để lựa chọn nội dung (nếu có) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp (tại các phiên họp tháng 4 và tháng 9-2019).

9. Giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thực hiện các hoạt động giám sát khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cũng đã ban hành Nghị quyết số: 537/NQ-UBTVQH14 Danh sách Ủy viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.”

Theo Nghị quyết số 537, danh sách Ủy viên Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” gồm 23 ông, bà và đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát.

Nghị quyết số 537 có hiệu lực kể từ ngày 18-7-2018.

Thành lập thị trấn Đồng Lộc ở Hà Tĩnh và 2 thị trấn mới ở Bình Dương

Tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số: 535/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị trấn Lai Uyên thuộc huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Nghị quyết số: 536/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị trấn Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Các Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 11-7 vừa qua.

Thành lập 2 thị trấn tại Bình Dương

Theo Nghị quyết số 535, thành lập thị trấn Lai Uyên trên cơ sở toàn bộ 88,36km2 diện tích tự nhiên và 32.028 người của xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Địa giới hành chính thị trấn Lai Uyên: Đông giáp xã Tân Hưng và huyện Phú Giáo; Tây giáp huyện Dầu Tiếng; Nam giáp xã Lai Hưng và xã Long Nguyên; Bắc giáp xã Cây Trường II và xã Trừ Văn Thố.

Thành lập thị trấn Tân Thành trên cơ sở toàn bộ 26,88km2 diện tích tự nhiên và 8.568 người của xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Địa giới hành chính thị trấn Tân Thành: Đông giáp xã Đất Cuốc và xã Hiếu Liêm; Tây giáp xã Tân Lập; Nam giáp xã Đất Cuốc; Bắc giáp xã Tân Định.

Sau khi thành lập thị trấn Lai Uyên và thị trấn Tân Thành: huyện Bàu Bàng có 07 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 06 xã và 01 thị trấn; huyện Bắc Tân Uyên có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 xã và 01 thị trấn.

Tỉnh Bình Dương có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 04 huyện, 04 thị xã và 01 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 46 xã, 41 phường và 04 thị trấn.

Thêm thị trấn Đồng Lộc tại Hà Tĩnh

Thành lập thị trấn Đồng Lộc trên cơ sở toàn bộ 18,69km2 diện tích tự nhiên và 6.076 người của xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Địa giới hành chính thị trấn Đồng Lộc: Đông giáp xã Mỹ Lộc và xã Xuân Lộc; Tây giáp xã Thượng Lộc; Nam giáp huyện Hương Khê; Bắc giáp xã Trung Lộc.

Sau khi thành lập thị trấn Đồng Lộc: Huyện Can Lộc có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 02 thị trấn.

Tỉnh Hà Tĩnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố; 262 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 229 xã, 21 phường và 12 thị trấn./.