Các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp xúc cử tri
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tiếp xúc cử tri huyện Bến Lức
Báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp, ông Trương Văn Nọ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết kỳ họp vừa qua đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật, 8 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Đặc biệt là trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ đã trao đổi, tranh luận thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm.
Cử tri đề nghị Quốc hội tăng thêm thời lượng chất vấn, tăng cường công tác giám sát tối cao, đặc biệt là giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước. Từng bước thể chế hoá và hoàn thiện các quy định của Hiến pháp 2013, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.
Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri huyện Bến Lức bày tỏ bức xúc và không đồng tình về việc trên địa bàn huyện vừa qua có một số cá nhân lợi dụng lòng yêu nước của công nhân và nhân dân lao động để gây rối trật tự công cộng, xúi giục, kích động công nhân đình công ở nhà máy, đe dọa những ai không theo lời của chúng… Cử tri đề nghị các cấp chính quyền làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật để công nhân yên tâm lao động, sản xuất.
Một số cử tri cũng phản ánh nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, các hoạt động văn hoá tinh thần cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh là rất lớn nhưng hiện rất khó khăn vì chưa có quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng. Cử tri mong chính quyền hỗ trợ quỹ đất, nguồn vốn để công nhân an tâm lao động.
Trước những ý kiến phát biểu chân thành, thẳng thắn, xây dựng và tâm huyết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để chuyển tới Quốc hội và cơ quan hữu quan.
Trao đổi với cử tri và làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng mong muốn cử tri và nhân dân cả nước tỉnh táo và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không nghe theo kẻ xấu làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
“Chúng ta đã trải qua chiến tranh nên hiểu được giá trị của đời sống thanh bình. Hạnh phúc của mỗi gia đình, của dân tộc gắn chặt với nhau. Đảng, Nhà nước luôn hiểu được giá trị đó để chăm lo, bảo vệ cuộc sống cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Phó Thủ tướng nói.
Mấy ngày gần đây, một số kẻ xấu có hành động quá khích, kích động biểu tình, đe dọa người dân phải thực hiện theo yêu cầu của chúng, tụ tập đông người, làm mất an ninh trật tự… Những phần tử này đi từ địa phương này sang địa phương khác để kích động công nhân đình công, phá hoại tài sản của Nhà nước, tấn công lực lượng công an. Các lực lượng đã kiềm chế, tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu rõ về chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta kiên quyết xử lý những kẻ xấu, lập lại an ninh trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân. Đồng thời, vạch trần âm mưu của những tổ chức phản động ở nước ngoài kích động qua mạng, lợi dụng chỗ đông người để hô hào gây rối, giả danh công an, trà trộn để hô hoán vu cáo công an. Những đối tượng này phải kiên quyết xử lý.
Về việc xây dựng đặc khu, theo Phó Thủ tướng Thường trực, đây là vấn đề lớn đã được nghiên cứu rất lâu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta đã nghiên cứu việc xây dựng đặc khu từ nhiều năm trước nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, thu hút công nghệ mới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích của quốc gia. Không bao giờ đi ngược lại xu thế này.
Theo đó, công ty nào muốn vào đặc khu phải có dự án, chứng minh năng lực tài chính và công nghệ, được Nhà nước và chính quyền địa phương và nhân dân xem xét từng dự án, không có chuyện chúng ta cho thuê tất cả đặc khu cho một nước nào cả. Nói như vậy là luận điệu của những kẻ xấu để kích động nhân dân.
Quốc hội đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, trên cơ sở đó đã nhất trí lùi thông qua dự án luật đặc khu sang kỳ họp cuối năm để xem xét toàn diện. Chúng ta không có ưu tiên cho bất cứ nước nào, công ty nào trong quá trình làm ăn ở đặc khu, mà tất cả các công ty phải chấp hành quy định của pháp luật nước ta. “Không có chuyện bán đất cho ai cả, đề nghị cử tri yên tâm”, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.
Đề cập đến Luật An ninh mạng, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết Luật quy định 6 nhóm hành vi bị cấm như xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chống nhà nước, xuyên tạc lịch sử, kích động bạo loạn, gây rối an ninh, thực hiện chiến tranh mạng, phá hoại hệ thống thông tin quốc gia…
“Chúng ta không cấm đoán mọi người truy cập vào mạng, không cấm các trang mạng như Youtube, Facebook… đang hoạt động tại Việt Nam. Không có quy định nào cấm người dân bày tỏ quan điểm của mình cả”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền và đoàn thể các cấp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đưa thông tin đầy đủ để nhân dân hiểu rõ hơn về các vấn đề của đất nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chúng ta cũng kiên quyết xử lý nghiêm những kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của người dân để xúi giục, kích động, đe doạ người dân.
Về các vấn đề đời sống công nhân lao động trên địa bàn như nhà ở, trường mẫu giáo, an toàn thực phẩm, trạm thu phí BOT, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An cần sớm nghiên cứu, giải quyết cho tốt những nguyện vọng chính đáng của người dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh
Ngày 18-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại Đại học Hà Tĩnh và TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), thông báo các kết quả của kỳ họp thứ 5 và ghi nhận ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ.
Cử tri Hà Tĩnh đánh giá kỳ họp thứ 5 diễn ra ngắn gọn nhưng bảo đảm chất lượng trong công tác giám sát và xây dựng pháp luật; việc đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vấn tạo sức ép trong đặt vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, nhưng bảo đảm được chất lượng thông tin, cũng như các thông điệp của Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành.
Cử tri cũng đánh giá cao các cơ quan tư pháp, hành pháp đã quán triệt chỉ đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm” trong xử lý các hành vi tham nhũng, tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội...; lên án các đối tượng đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, chống phá chính quyền ở một số địa phương cách đây hơn một tuần nhằm phản đối việc thông qua Luật Các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng.
Đồng tình với các nhận định của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Công an và chính quyền một số địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, những kẻ chống đối trong vụ việc vừa qua.
“Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Chính phủ nhận thấy phải làm tốt hơn các nội dung thiết kế của dự án Luật, nhưng mặt khác, Chính phủ và nhân dân phải cảnh giác để không bị các đối tượng chống phá lợi dụng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Về dự án Luật An ninh mạng, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta khẳng định phải tạo điều kiện để người dân nói lên ý kiến của mình, nhưng phải bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thông đang trở nên rõ ràng”.
Thông báo tới cử tri về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất nông nghiệp “được mùa được giá”. Vải thiều được mùa, gấp đôi sản lượng và giá cao nhờ xúc tiến ra nước ngoài và vào miền Nam. Năng suất lúa ở vùng đồng bằng song Cửu Long tăng 1,3 triệu tấn so với năm ngoái, nhưng giá bán cao hơn nhờ các cơ quan, doanh nghiệp xúc tiến các hợp đồng xuất khẩu gạo và chất lượng gạo cũng cao hơn trước.
“Những năm trước, thời điểm này Chính phủ phải có chính sách tạm trữ lúa, nhưng giờ chưa phải dùng tới”, Phó Thủ tướng cho biết.
Tại phiên tiếp xúc chuyên đề về việc Quốc hội đang cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), nhiều ý kiến cử tri bày tỏ các dự án cần thể hiện rõ tinh thần đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục và đào tạo mà Đảng đã xác định, ban hành các chính sách đủ mạnh để thực hiện hiệu quả xã hội hoá giáo dục, đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng của nguồn nhân lực.
Ghi nhận các kiến nghị và góp ý của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giáo dục-đào tạo và y tế là hai lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung đầu tư về cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Trung ương cũng vừa ban hành các nghị quyết quan trọng về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, nhằm đưa giáo dục thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu” của đất nước, dân tộc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định với các cử tri là giảng viên, sinh viên rằng, xã hội hoá giáo dục không đồng nghĩa với tình trạng lạm thu trong giáo dục. Theo Phó Thủ tướng, cần kiểm soát để không xảy ra lạm thu trong giáo dục và đẩy mạnh tự chủ, xã hội hoá trong giáo dục nhằm huy động nguồn lực xã hội và quản lý hiệu quả nguồn lực này vào đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
“Tự chủ giáo dục, tự chủ đại học phải hiểu là có lộ trình 4 bước. Đầu tiên là tính chi phí tiền lương vào học phí, sau đó là các chi phí vật tư thiết bị y tế, chi phí quản lý và khấu hao. Thực hiện lộ trình tự chủ trong giáo dục được Chính phủ tính toán cho kịp thời, phù hợp với mục tiêu lạm phát, khả năng chi trả của người dân. Đi liền với đó là đẩy mạnh tín dụng chính sách trong học sinh-sinh viên, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Thông báo tới cử tri việc Trung ương vừa thông qua Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng cho biết Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Để thực hiện được Nghị quyết, Chính phủ sẽ xác định vị trí việc làm từ cấp cao nhất của Nhà nước tới vị trí thấp nhất của bộ máy, gắn với từng trách nhiệm, công việc cụ thể để trả lương. Động lực và nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương là việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.../.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiêu biểu toàn quốc  (18/06/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-6-2018)  (18/06/2018)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-6-2018  (18/06/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác  (18/06/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam