TCCSĐT - Nhằm thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học để tăng cường cho các cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022.

Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thành phố trước yêu cầu mới, Đề án nêu rõ, trong giai đoạn từ nay đến năm 2022 và các năm tiếp theo, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp cũng như đẩy mạnh các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao mang tính cạnh tranh quốc tế. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, Thành phố Hồ Chí Minh xác định sự cần thiết phải đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách; thu hút được đội ngũ trí thức có trình độ, năng lực chuyên môn xuất sắc, có tư duy đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và tâm huyết làm lực lượng nòng cốt về tư vấn chiến lược cho địa phương trong quá trình phát triển. Theo Đề án sẽ không giới hạn về quốc tịch, nhưng các chuyên gia, nhà khoa học phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ở từng vị trí cụ thể.

Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ ưu tiên thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, uy tín và năng lực hoạt động nghiên cứu, tư vấn hoạch định chính sách, đào tạo nguồn nhân lực vào các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố, như: công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh, phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ cảng, hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (logistics), nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Thu hút nhân lực cho việc xây dựng trung tâm tài chính, xây dựng và quản lý hạ tầng hiện đại, xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng sức tải lớn, phát triển không gian ngầm, đường cao tốc, công trình phòng, chống thiên tai, xử lý sự cố môi trường. Thu hút các chuyên gia ngành công nghiệp vật liệu mới, công nghệ na-no, năng lượng tái tạo và sản xuất linh kiện điện tử cao cấp, vi mạch công nghiệp, công nghệ số để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm công nghiệp; các lĩnh vực khoa học cơ bản; kinh tế số, khoa học tính toán và dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tế bào gốc; lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học xã hội.

Đội ngũ cán bộ, chuyên gia được Thành phố tuyển chọn sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo về khoa học, công nghệ; thực hiện, phát triển các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; giáo dục, đào tạo; bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao năng lực tổ chức; tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội… Sau khi tổ chức tuyển chọn, sàng lọc, Thành phố sẽ có chính sách sử dụng hợp lý, tạo không gian kết nối và môi trường chuyên nghiệp để phát huy hiệu quả nguồn chất xám khoa học đã thu hút.

Đối với chế độ đãi ngộ cho đội ngũ chuyên gia, nhân tài, Đề án nêu rõ, ngay khi ký hợp đồng, các chuyên gia là giáo sư, tiến sĩ sẽ được trợ cấp 100 triệu đồng để ổn định công tác. Đối với các trường hợp còn lại được hưởng mức trợ cấp 80 triệu đồng. Về tiền lương hằng tháng, những trường hợp được hưởng mức trợ cấp ban đầu 100 triệu được hưởng bậc 2 (hệ số 9,40). Khi ký hợp đồng lần thứ hai trở đi được hưởng bậc 3 (hệ số 10,0) và cố định cho tất cả các lần tái ký hợp đồng. Những trường hợp được hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80). Khi ký hợp đồng lần thứ hai trở đi được hưởng bậc 2 (hệ số 9,40) và cố định cho tất cả các lần tái ký hợp đồng. Điểm nhấn trong đề án này là quy định rõ ràng mức phụ cấp hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ mà chuyên gia, nhà khoa học được hưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, cứ mỗi một công trình từ cấp thành phố và tương đương trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình nghiên cứu đó. Tổng mức hỗ trợ khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình nghiên cứu. Trường hợp tổng mức ngân sách thành phố đầu tư cho công trình nghiên cứu đã được phê duyệt hoặc cấp phép, công nhận chính thức vượt quá 100 tỷ đồng thì mức hỗ trợ tối đa là một tỷ đồng/người/công trình. Trường hợp có nhiều chuyên gia cùng tham gia thì tổng số tiền phụ cấp khuyến khích cho tổ chuyên gia là 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình nghiên cứu đó. Mức phụ cấp không thấp hơn 30 triệu đồng/người và tổng số tiền phụ cấp cho tổ chuyên gia không vượt quá 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học có nhu cầu nhà ở thì được xem xét bố trí nhà ở công vụ trong trường hợp cơ quan, đơn vị có nguồn quỹ nhà. Trường hợp cơ quan, đơn vị không bố trí được nhà công vụ thì chuyên gia được xem xét, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở và số tiền hỗ trợ không vượt quá bảy triệu đồng/tháng.

Việc xây dựng Đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học đang được nhiều chuyên gia, nhà quản lý xem là giải pháp tối ưu để Thành phố đủ sức huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, là nền tảng cơ bản góp phần nâng cao tầm vóc và vị thế trong thời gian tới của Thành phố Hồ Chí Minh./.