Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới và những gợi ý đối với Việt Nam

Trần Minh Ngọc TS, Đại học Luật Hà Nội
15:18, ngày 24-05-2018

TCCS - Việc hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới đã và đang diễn ra mạnh mẽ với những tên gọi đa dạng, như khu kinh tế đặc biệt, khu kinh tế mở, khu thương mại tự do, khu thương mại nước ngoài,… Ở Việt Nam, trải qua 27 năm hình thành và phát triển, mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất,… hiện đã có hạn chế so với nhu cầu phát triển của đất nước, vì vậy, rất cần một mô hình mới với những ưu thế vượt trội để hút nguồn vốn đầu tư. Nghiên cứu kinh nghiệm hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới tạo cơ sở cho việc tìm kiếm mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phù hợp với Việt Nam.





Các đặc trưng và dạng thức đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới

Xét trên toàn thế giới, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được biểu đạt phong phú bằng nhiều tên gọi khác nhau, song về bản chất, chúng thống nhất với nhau ở những đặc trưng sau:

Thứ nhất, là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia, thường có ranh giới địa lý riêng biệt và được chính phủ nước đó cho phép xây dựng và phát triển.

Thứ hai, có vị trí địa - chiến lược (gắn với cảng biển, cảng hàng không quốc tế, gần thị trường tiêu dùng lớn), những ưu đãi về chính sách tài chính, ngoại tệ, thủ tục hải quan,... sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về giá nhân công, ưu đãi thuế, điều kiện kinh tế; chính trị, xã hội; kết cấu hạ tầng; pháp luật; quy trình quản lý hành chính...

Thứ ba, ưu tiên hướng ngoại, thu hút chủ yếu là vốn nước ngoài nhằm phát triển các loại hình kinh doanh hướng về thị trường thế giới.

Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới có nhiều dạng thức, đơn cử như:

Khu kinh tế đặc biệt (SEZ). Đây là một trong các hình thức kinh doanh thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động hạn chế trong phạm vi khu vực địa lý riêng biệt của một nước. Trong phạm vi SEZ, các công ty nước ngoài được quyền sản xuất hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ban hành luật về khu kinh tế, khu kinh tế đặc biệt, như quần đảo Cai-man (thuộc lãnh thổ hải ngoại của Anh), Mi-an-ma, Ba Lan, Ca-dắc-xtan, Tát-gi-ki-xtan, Ai Cập, Tan-da-ni-a, Lít-va, Mông Cổ, Phi-líp-pin, A-déc-bai-gian, Lát-vi-a, Phần Lan, Kê-ny-a, Băng-la-đét, Ấn Độ, Triều Tiên... Thậm chí có quốc gia như Hàn Quốc còn ban hành nhiều luật liên quan (Luật về khu thương mại tự do, Luật về khu kinh tế tự do)...

Về phương diện luật điều chỉnh, một số nước quy định cụ thể về áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp trong SEZ. Luật điều chỉnh SEZ không chỉ giới hạn trong luật riêng về SEZ, mà còn được điều chỉnh trong nhiều văn bản khác. Ở Trung Quốc, luật điều chỉnh SEZ, bao gồm: Hiến pháp, Luật Đầu tư hợp tác giữa Trung Quốc với nước ngoài; Luật về thể thức thực hiện pháp luật của Trung Quốc tại xí nghiệp liên doanh; Luật về các ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; những quy định về quyền sử dụng đất đai, nhập khẩu công nghệ và quản lý lao động ở đặc khu kinh tế; Nghị quyết của Quốc vụ viện Trung Quốc về khuyến khích đầu tư nước ngoài; Quy định về khuyến khích đầu tư nước ngoài của Hoa kiều và đồng bào Hồng Công, Ma Cao; Luật Bảo hộ quyền lợi của Hoa kiều về nước; Quy chế về các đặc khu kinh tế tỉnh Quảng Đông; Quy định về ký kết hợp đồng ngoại thương, nhập khẩu công nghệ tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến...

Khu kinh tế đặc biệt hiện diện ở nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Đặc điểm của SEZ(1) là: 1- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hướng vào hầu hết tất cả mọi ngành; 2- Áp dụng một thuế suất đồng nhất 15% trong SEZ cho các xí nghiệp có FDI dù có sản xuất hay không; 3- Trong nhập khẩu thiết bị và nguyên liệu, SEZ có thể đưa vào diện được miễn thuế nhập khẩu những tư liệu sản xuất cũng như nhiều hàng tiêu dùng; 4- Trong SEZ, có nhiều xí nghiệp nguồn gốc không thuần nhất.

Là một trong những cường quốc kinh tế thế giới, Nhật Bản rất chú trọng đến việc xây dựng và cải tổ các SEZ. Ngay từ năm 2013, một dự luật thành lập các SEZ chiến lược đã được đề xuất, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào ngày 7-12 cùng năm. Tiếp đó, một loạt chính sách về SEZ chiến lược quốc gia được thông qua vào ngày 25-2-2016. Bắt đầu từ ngày 01-5-2014, sáu đặc khu đã được thiết kế và thành lập với 68 dự án được phê duyệt tại các khu vực thuộc Tô-ki-ô và Kan-sai; tỉnh Ô-ki-na-oa; thành phố Ni-i-ga-ta, thành phố Phu-ku-ô-ka, thành phố Y-a-bu ở tỉnh Hy-ô-gô. Mỗi đặc khu được phát triển theo thế mạnh riêng. Ví dụ, đặc khu thành phố Ni-i-ga-ta và đặc khu Y-a-bu tập trung vào nông nghiệp; đặc khu Ô-ki-na-oa đẩy mạnh du lịch do gần với Hàn Quốc và Trung Quốc; đặc khu thành phố Phu-ku-ô-ka có các dự án nới lỏng hạn chế thị thực với lao động nước ngoài... (2).

Khu kinh tế đặc biệt là mô hình rất phát triển ở Trung Quốc và cũng là mô hình đặc thù của chính sách mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc. Về cơ bản, mô hình SEZ của Trung Quốc có bốn tính chất sau(3): 1- Chính sách thuế đặc biệt hấp dẫn đối với thu hút FDI; 2- Tính độc lập cao trong đầu tư và thương mại quốc tế; 3- Thỏa mãn bốn điều kiện nền tảng (nguồn vốn xây dựng và phát triển SEZ được huy động chủ yếu từ các đối tác nước ngoài; hàng hóa từ SEZ chủ yếu phải đáp ứng mục tiêu xuất khẩu; SEZ được tách riêng ra khỏi kế hoạch cả nước, kể cả kế hoạch tài chính; SEZ được Quốc hội Trung Quốc thông qua quyết định thành lập); 4- Chính quyền và hội đồng nhân dân của SEZ có đầy đủ địa vị pháp lý như cơ quan cấp tỉnh.

Địa điểm xây dựng các SEZ của Trung Quốc đều thuộc khu vực duyên hải, là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện hội nhập và giao lưu với kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các SEZ (trừ SEZ Hải Nam) đều có vị trí liền kề với ba khu vực kinh tế năng động, dồi dào tiềm lực về nguồn vốn, công nghệ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, kinh doanh (Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao)(4).

Cho đến nay, ngoài các khu vực hành chính - kinh tế đặc biệt, như Hồng Kông và Ma Cao(5), Trung Quốc có 5 SEZ khác, bao gồm Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Dầu, Hạ Môn, Hải Nam. Các SEZ của Trung Quốc nói chung có diện tích khá rộng, như Thâm Quyến (3.274km2), Chu Hải (121km2), Sán Dầu (234km2), Hạ Môn (131km2), Hải Nam (33.920km2)...

Hàn Quốc có Khu kinh tế tự do Incheon, Busan-Jinhae, Gwangyang, Daegu, Hoàng Hải...(6). Ở Trung ương, Hàn Quốc thành lập Ủy ban Phát triển khu kinh tế tự do trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển khu kinh tế tự do, quyết định những vấn đề lớn ngoài thẩm quyền của chính quyền tỉnh. Ở địa phương, ban quản lý khu kinh tế tự do có quyền hạn lớn tương đương chủ tịch tỉnh. Ban quản lý trực thuộc chính quyền tỉnh để thực thi chính sách về khu kinh tế, quản lý đầu tư, xây dựng khu kinh tế tự do theo quy hoạch. Chính phủ Hàn Quốc quy định thẩm quyền rất lớn cho ban quản lý khu kinh tế cấp tỉnh và quyền này được quy định trong luật riêng về khu kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các khu kinh tế tự do của Hàn Quốc được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Khu thương mại nước ngoài (Foreign Trade Zones - FTZ). Đây là các khu vực đặc biệt trong một quốc gia nơi mà hàng hóa có thể nhập khẩu, chế biến, chế tạo, sản xuất dây chuyền, thay đổi tính năng, tác dụng và tái xuất khẩu. Các công ty hoạt động trong FTZ có nhiều lợi ích, như được miễn thuế, hưởng thủ tục hành chính đơn giản, miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thô, máy móc, các thành phần và thiết bị. Các FTZ thường nằm xung quanh những cảng biển chính, các sân bay quốc tế và biên giới quốc gia với lợi thế về địa lý(7).

Khu thương mại nước ngoài tạo cơ sở cho hoạt động thương mại quốc tế bằng việc xác lập một khu vực địa lý riêng biệt được điều chỉnh bởi các luật đặc biệt về thương mại(8). Một số nước trên thế giới đã ban hành luật về khu thương mại nước ngoài, như Mỹ, Xin-ga-po,... Một số điều ước quốc tế cũng đề cập tới FTZ, ví dụ Công ước Ky-ô-tô về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan(9) chỉ rõ, các quốc gia có trách nhiệm xác lập các yêu cầu liên quan đến những khu vực tự do, các loại hàng hóa có thể vào các khu vực đó và bản chất các hoạt động mà theo đó hàng hóa có thể là đối tượng.

Khu vực thương mại tự do (Free Trade Zones - FTZ). Theo Từ điển Britania (Anh), FTZ là khu vực mà trong đó hàng hóa có thể được sản xuất, chế tạo, dỡ hàng... và được tái xuất không có sự tham gia của cơ quan hải quan; đồng thời là khu vực mà một nhóm quốc gia đồng ý giảm hoặc loại bỏ các rào cản thương mại. Khu vực thương mại tự do có thể được định nghĩa như là các trung tâm chế tạo có hàm lượng lao động cao gắn liền với việc nhập khẩu vật liệu hoặc các thành phần thô và xuất khẩu các sản phẩm máy móc(10).

Khu vực thương mại tự do cũng là những khu vực xác định nơi các hãng được phép mang hàng hóa miễn thuế để lắp ráp, chế tạo và phân phối, chủ yếu nhằm để nhập khẩu vào nước chủ nhà hoặc để xuất khẩu ra nước ngoài. Khu vực này có tất cả thuộc tính của kho ngoại quan, khu bán lẻ tự do, cảng tự do và khu chế xuất.

Những kinh nghiệm rút ra từ các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới

Qua nghiên cứu các dạng thức, đặc trưng và cách thức hoạt động của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của các nước trên thế giới, có thể rút ra một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của các nước thể hiện tính đột phá, chính sách mở cửa nền kinh tế, áp dụng mô hình nhiều hình thức kinh tế cùng tồn tại, lấy việc thu hút và “lợi dụng” nguồn đầu tư nước ngoài, sản phẩm xuất khẩu và việc điều tiết thị trường là chính.

Hai là, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Ba là, các nước áp dụng chính sách thuế đặc biệt hấp dẫn cho thu hút FDI trong các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mở rộng tối đa các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ.

Bốn là, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có tính độc lập cao trong đầu tư và thương mại quốc tế.

Năm là, ban quản lý các đơn vị hành chính - kinh tế được trao quyền rất lớn, điều đó được quy định trong luật riêng về khu kinh tế. Ban quản lý khu kinh tế có thể được trao các quyền hạn tương đương chủ tịch tỉnh, tự xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, quyết định cấp phép đầu tư, xây dựng khu kinh tế.

Sáu là, địa điểm xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đều thuộc khu vực duyên hải, đầu mối giao thông quan trọng, là nơi hội đủ các điều kiện hội nhập và giao lưu với kinh tế thế giới.

Bảy là, kinh nghiệm thành công của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở các nước, đặc biệt là Trung Quốc đáng để chúng ta nghiên cứu. Phải dựa vào một nền tảng nhất định, ví dụ phải có một “nội lực” đủ mạnh sẵn có (trường hợp khu kinh tế tự do Phố Đông ở Thượng Hải) hay một môi trường “thuận lợi” bên cạnh (trường hợp khu Thâm Quyến cạnh Hồng Kông) làm nền tảng.

Tám là, nhiều nước trên thế giới đã ban hành luật riêng về khu kinh tế với những quy định riêng biệt, đặc thù, xác lập các chế độ ưu đãi và quản lý riêng biệt.

Những gợi ý đối với Việt Nam

Nhiều mô hình ưu đãi hành chính - kinh tế đã hình thành ở Việt Nam nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ... Tuy nhiên, sau 27 năm hình thành và phát triển (kể từ khi khu chế xuất Tân Thuận ra đời năm 1991), mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... hiện nay đã có những hạn chế so với nhu cầu phát triển của Việt Nam, vì vậy rất cần một mô hình mới với những ưu thế vượt trội để hút nguồn vốn đầu tư.

Việc xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, khả năng cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách. Chủ trương xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng và đề cập trong nhiều văn bản, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII (tháng 12-1997): “... nghiên cứu xây dựng vài đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện...”; Văn kiện Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006): “... phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế...”; Định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được Đại hội XI thông qua vào tháng 1-2011: “... lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển...”; Điều 110 và Điều 111 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Văn kiện Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016): “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 được phê duyệt tại Nghị quyết số 142/2016/QH13, ngày 12-4-2016, của Quốc hội: “lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với cơ chế đặc thù, hiệu lực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động và cả nền kinh tế”;...

Ngày 23-3-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 21-TB/TW về các Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Cả ba khu vực này đều có vị trí quan trọng và có những thế mạnh chiến lược, tương đồng với các khu vực hành chính - kinh tế đặc biệt trên thế giới.

Nằm ở vị trí cực đông trên đất liền của Việt Nam và cả bán đảo Đông Dương; gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng, như châu Âu - Bắc Á, châu Đại Dương - Đông Bắc Á và Đông Nam Á - Đông Bắc Á, khu vực Bắc Vân Phong là cửa mở hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây(11).

Có nhiều ưu đãi từ hành lang phát triển công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Hải Hà - Móng Cái, khu đô thị Vân Đồn nằm trong tuyến hành lang phát triển duyên hải Bắc Bộ với những trung tâm phát triển, như thành phố cửa khẩu Móng Cái, khu công nghiệp Hải Hà, trung tâm khai thác than lớn nhất cả nước Cẩm Phả - Cửa Ông, thành phố Hạ Long, khu công nghiệp Cái Lân thuộc thành phố Hạ Long. Vân Đồn cũng nằm kế cận cách thành phố Hạ Long và chỉ cách Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long 40km. Huyện đảo Vân Đồn có cơ hội rất lớn trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, đồng thời chiếm giữ vị thế chiến lược tại vùng Đông Bắc Việt Nam với vị trí gần tiếp giáp với Tây Nam Trung Quốc, Hà Nội và vị trí cảng chính Hải Phòng trong khu vực(12).

Với vị trí địa lý chiến lược gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn và diện tích mặt biển giáp với các nước ASEAN, gần đường vận chuyển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây, Phú Quốc cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay, rất gần với các trung tâm du lịch phát triển và công nghiệp của các nước trong khu vực. Phú Quốc có lợi thế đặc biệt to lớn về tài nguyên đa dạng sinh học và tài nguyên biển; cùng với tiềm năng phát triển du lịch đẳng cấp thế giới và truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Phú Quốc cũng có vị trí địa lý khá tách biệt, thuận lợi trong việc quy hoạch cũng như áp dụng và thử nghiệm các chính sách, mô hình phát triển mới(13).

Xuất phát từ các vấn đề trên, có thể thấy việc hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Việt Nam cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Thứ nhất, khi nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm thế giới về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần làm rõ những điểm đặc thù về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của từng quốc gia qua từng giai đoạn lịch sử, tác động của hội nhập quốc tế và tính đến đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cụ thể của Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng luật riêng về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những quy định riêng biệt, đặc thù, xác lập các chế độ ưu đãi và quản lý riêng biệt, hướng vào thu hút FDI, bảo đảm tính độc lập cao cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thương mại và đầu tư quốc tế.

Thứ ba, xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên tinh thần thể hiện tính đột phá, thể hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, áp dụng mô hình nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại, chú trọng thu hút FDI và nâng cao chất lượng FDI sản xuất sản phẩm xuất khẩu, việc điều tiết thị trường làm chính; mở rộng tối đa các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh dịch vụ.

Thứ tư, trao thẩm quyền phù hợp cho ban quản lý các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Việc trao quyền này có thể được quy định trong một luật riêng về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thứ năm, việc xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải gắn với hoạt động giao thương, đầu mối giao thông quan trọng, là nơi hội đủ các điều kiện hội nhập và giao lưu với kinh tế thế giới.

Thứ sáu, lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội về giao thương, địa lý, có tiềm năng phát triển tiệm cận trình độ thế giới để xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thứ bảy, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần được điều chỉnh bởi một hệ thống đa dạng và phức tạp những văn bản quy phạm pháp luật, do đó cần bảo đảm sự tương thích và thống nhất trong luật điều chỉnh đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt./.

------------------------------------------------------

(1) “Thực tiễn những khu đặc miễn trên thế giới”, Nxb. Chính trị quốc gia, 1994, tr. 19
(2) Thái Anh: “SEZ - “Công cụ” được ưa chuộng tại châu Á”, http://duthaoonline.quochoi.vn.
(3) Hoàng Hồng Hiệp: “Thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai”, Luận văn thạc sĩ kinh tế, 2005, tr. 7
(4) Hoàng Hồng Hiệp: Tlđd, tr. 15, 16, 19
(5) Đặc khu hành chính Hồng Công hay Ma Cao ngang cấp với tỉnh, khu tự trị hay thành phố trực thuộc trung ương, nhưng khác với các địa phương đó, các đặc khu hành chính áp dụng các căn cứ trong Điều 31 Hiến pháp Trung Quốc về khu hành chính đặc biệt. Cả hai đặc khu hành chính đều do Trung ương trực tiếp quản lý, tuy nhiên đặc khu hành chính có quyền tự trị cao hơn với các quy định riêng về tòa án, hộ chiếu, đơn vị tiền tệ, chính sách hải quan, nhập cư, dẫn độ,... trừ các quy định về ngoại giao và quốc phòng
(6) Trần Duy Đông: “Kinh nghiệm phát triển các khu kinh tế tự do tại Hàn Quốc”, Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(7) OzonAction United-Nations Environment Programme (UNEP)
(8) Ray August: “International Business Law”, Prentice-Hall, Englewood Cliffs, New Jersey, 1993
(9) Text of special Annex D of “International Convention on the simplification and harmonization of customs procedures (as amended)” called also “revised Kyoto Convention”, http://www.wcoomd.org/en/topics/facilitation/instrument-and-tools/conventions/pf_revised_kyoto_conv/kyoto_new/spand.aspx
(10) Economics: Principles in action. Upper Saddle River, New Jersey: Pearson Prentice Hall, 2003. pp. 454
(11) Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa. 2017, http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_TAILIEU_COBAN/Attachments/2960/2.1_De_an_Bac_Van_Phong.pdf
(12) Chương trình phát triển đô thị Vân Đồn đến năm 2030, http://www.quangninh.gov.vn/So/soxaydung/Lists/TinTuc/Attachments/1073/20160310-ChuongtrinhPT%C4%90TVanDonf.pdf
(13) Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_TAILIEU_COBAN/Attachments/2962/3.1_De_an_Phu_Quoc.pdf