Chiều ngày 5-8-2007, ngay sau phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XII, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi họp báo, đã thông báo các nội dung quan trọng của phiên họp này, nêu rõ 11 trọng tâm công tác của Chính phủ đến hết năm 2007.

1. Nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất, lưu thông

- Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2007 đạt 7,87%

- Giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng: 17%

- Giá trị dịch vụ 6 tháng tăng: 8,41% (lần đầu tiên trong nhiều năm đạt mức tăng cao hơn tăng GDP).

- Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng tăng: 19,6%

- Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng: 6,19%

- Tổng mức đầu tư toàn xã hội 6 tháng ước đạt 195 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% kế hoạch năm.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng (cả cấp mới và tăng thêm) đạt 7.473 triệu USD, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2006.

Trong 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển thuận lợi, nhiều yếu tố tích cực được phát huy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, cần khắc phục những khó khăn, tồn tại đang diễn ra: nhập siêu tăng cao; lạm phát 7 tháng đầu năm là 6,19%; bệnh dịch ở người và gia súc, gia cầm phát triển và diễn biến phức tạp... Những giải pháp cần được tập trung thực hiện là:

- Các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp dành nhiều thời gian đi cơ sở, chỉ đạo, xử lý nhanh các vướng mắc, nhất là những vướng mắc về đất đai, hải quan, thuế, vốn...; cung cấp kịp thời thông tin, dự báo về thị trường trong nước, thế giới cho nhân dân và doanh nghiệp. Các ngành, các cấp tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, bãi bỏ ngay các quy định, các thủ tục không cần thiết đang cản trở việc sản xuất, kinh doanh của người dân.

- Các Bộ tiếp tục nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ, thị trường, đào tạo nghề, kỹ năng quản trị; khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo bước phát triển vượt bậc trong các ngành dịch vụ.

- Thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt và chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế của các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cơ quan nhà nước quản lý, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

2. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu

- Biện pháp giảm nhập siêu tích cực nhất là đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu tăng xuất khẩu lên 22-25%. Để đạt mục tiêu đó, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn, thị trường xuất khẩu.

- Vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xử lý thích đáng những doanh nghiệp làm mất uy tín của Việt Nam cũng như hàng xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới.

3. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế vào sản xuất, kinh doanh

- Bổ sung, sửa đổi các quy định của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, thuận tiện và công bằng đối với các nhà đầu tư.

- Rà soát lại các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch vùng, lãnh thổ; rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch cụ thể của ngành, địa phương, sản phẩm để làm căn cứ kêu gọi đầu tư.

- Bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong xúc tiến đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng xã hội, bảo đảm điều kiện sống và sinh hoạt của người lao động.

4. Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

- Khắc phục nhanh, kịp thời các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đấu thầu, vốn đối ứng trong nước, thanh quyết toán trong nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án hạ tầng quy mô lớn, các công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình thuộc nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Đầu tư trình Quốc hội ban hành.

5. Kiềm chế tốc độ tăng giá

Mục tiêu đề ra trong kế hoạch năm 2007 là giữ tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để đạt được điều này, cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp:

- Đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất.

- Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; kiểm soát mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức huy động tín dụng, điều tiết lượng tiền trong lưu thông ở mức hợp lý. Tăng cường kiểm soát sự dịch chuyển của vốn tiền tệ giữa các thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để các doanh nghiệp lợi dụng độc quyền để đầu cơ tăng giá; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế giá thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước đối với một số hàng hóa mà Nhà nước còn quản lý giá.

6. Chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai

- Tập kết đầy đủ nhân lực và phương tiện tại các địa điểm xung yếu để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ; tăng cường năng lực và phương tiện kỹ thuật cho các đơn vị làm công tác khí tượng, thủy văn; chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, phương tiện, thiết bị sẵn sàng cung cấp kịp thời cho các địa phương; chủ động đề xuất các biện pháp phỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

- Chính quyền các cấp phải phân công, giao trách nhiệm cho các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, nắm bắt kịp thời những thông tin về thiên tai có thể xảy ra tại khu vực thuộc phạm vi quản lý để có các biện pháp xử lý phù hợp.

7. Tăng cường kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tại các cơ sở sản xuất, chế biến và địa điểm tiêu thụ. Phát hiện và công bố kịp thời các thông tin về các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để cảnh báo sớm cho người tiêu dùng.

- Đình chỉ và xử phạt nghiêm những cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

8. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói, giảm nghèo một cách tích cực và vững chắc

- Tiếp tục tăng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.

- Tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với vùng nghèo và người nghèo.

- Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với những ưu đãi hợp lý để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, từng bước chuyển từ kinh tế tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa.

- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư kết hợp với sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và sự hỗ trợ của quốc tế để nhanh chóng giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm xóa đói, giảm nghèo vững chắc.

- Nắm chắc tình hình hộ nghèo của các địa phương, thực hiện lồng ghép các chương trình, các dự án để phát huy hiệu quả tổng hợp các chính sách của Nhà nước.

9. Tạo chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông

Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật đảm bảo an toàn giao thông đã được ban hành; đề xuất với Chính phủ các biện pháp nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông tại những tuyến đường, những điểm giao thông, những loại phương tiện thường xảy ra tai nạn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông và kiềm chế không để xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn.

- Trong tháng 8, Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông thực hiện bàn giao nguyên trạng chức năng nhiệm vụ và tổ chức biên chế, cán bộ, công chức, viên chức tài chính, tài sản của các cơ quan, đơn vị.

- Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác có sự thay đổi Bộ trưởng thì tiến hành bàn giao công việc ngay.

- Trong tháng 9, 10, Bộ Nội vụ trình Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Nghị định quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

10. Đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí

- Triển khai thực hiện cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XII. Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Bộ, ngang bộ, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân; khẩn trương sắp xếp, ổn định tổ chức và nhân sự, nhất là ở các Bộ mới chia tách, sáp nhập, bảo đảm cho mọi hoạt động diễn ra bình thường, không bị gián đoạn, trở ngại, đặc biệt là những công việc trực tiếp liên quan đến người dân.

- Xử lý nghiêm, kịp thời và công bố công khai những cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp; các vụ việc lãng phí, tiêu cực, trước hết, trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực.

11. Tổ chức xây dựng và trình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008

Các Bộ và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện và bảo đảm đúng tiến độ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 733/CT-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2007.