TCCSĐT - Trong những ngày qua, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các địa điểm lân cận đã diễn ra các hoạt động trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng năm 2018: Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên, Hội sách Đất Tổ và Triển lãm ảnh nghệ thuật về quê hương, con người Phú Thọ, Hội thi bơi Chải thành phố Việt Trì mở rộng.

Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên

Ngày 23-4 (tức ngày mùng 08-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên của các xã, phường vùng ven Khu di tích và Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018.

Tham dự lễ rước kiệu và dâng lễ vật lên các Vua Hùng năm nay có 7 xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng, gồm: Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú, Hy Cương (thành phố Việt Trì), Tiên Kiên, Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và đông đảo bà con nhân dân, du khách.

Đội hình rước kiệu gồm có người dẫn đoàn, đội múa sư tử, các đội chiêng, trống, rước cờ hội, rước biển dấu và bát bửu (hoặc chấp kích), đội bát âm và múa sinh tiền, người rước tàn, lọng, chủ tế và quan viên, các cụ cao tuổi và đông đảo nhân dân địa phương. Lễ vật gồm có hương hoa, bánh chưng bánh giầy, các sản vật địa phương do người dân lao động và cả cộng đồng sáng tạo nên… Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ là hoạt động truyền thống nhằm bảo tồn và duy trì những nét đẹp văn hóa từ lâu đời của dân tộc, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội.

Ngay sau lễ rước kiệu, tại sân Trung tâm Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018. Tham dự Hội thi năm nay có sự góp mặt của 14 đội thi; trong đó 13 đội đến từ các huyện, thị, thành trong tỉnh và đội của các nghệ nhân dân gian tỉnh Thái Nguyên.

Các đội sẽ tham dự hai phần thi là gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. Các đội thi thực hiện gói 10 chiếc bánh chưng trong thời gian tối đa 10 phút; thổi 5 kg gạo nếp thành xôi trong thời gian tối đa 30 phút, giã và làm thành 10 chiếc bánh giầy trong thời gian tối đa 15 phút. Sản phẩm sau khi hoàn thành phải đạt tiêu chí về thẩm mỹ, bánh chưng phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn; bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ “Phúc” màu đỏ.

Hội thi là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động phục vụ nhân dân về dự Lễ hội Đền Hùng nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đội đạt giải nhất gói bánh chưng và giã bánh giầy năm nay sẽ được chọn để làm lễ vật dâng cúng các vua Hùng vào dịp giỗ Tổ năm 2019.

Hội sách Đất Tổ và Triển lãm ảnh nghệ thuật về quê hương, con người Phú Thọ

Cũng ngày 23-4, Hội sách Đất Tổ và Triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2018 đã khai mạc tại sân khấu Quảng trường hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là năm thứ hai tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội sách Đất Tổ vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tại không gian ngoài trời.

Hội sách Đất Tổ năm 2018 có 16 gian hàng của 13 đơn vị là các nhà xuất bản, công ty sách, công ty phát hành và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông. Khoảng 15.000 đầu sách các loại được trưng bày, giới thiệu đến bạn đọc. Đặc biệt, ngay sau lễ khai mạc hội sách, diễn giả Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Alphabooks giao lưu, tọa đàm với các bạn học sinh, sinh viên về phương pháp, cách thức đọc sách nhanh, đọc được nhiều và ghi nhớ lâu.

Hội sách Đất Tổ năm 2018 được tổ chức gắn với việc trưng bày, giới thiệu trên 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật thuộc chủ đề “Quê hương, con người Phú Thọ”. Hội sách được tổ chức nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng khẳng định: Việc tổ chức Hội sách Đất Tổ và triển lãm ảnh nghệ thuật không chỉ góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa phục vụ đồng bào, du khách trong dịp trẩy hội Đền Hùng, mà còn là một sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần hội tụ và lan tỏa tình yêu sách đến các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là dịp ghi nhận, biểu dương tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, thể hiện tài năng của các tác giả qua các tác phẩm ảnh nghệ thuật được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm.

Hội sách Đất Tổ và Triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2018 đã tạo nên không gian văn hóa ấn tượng ngay giữa trung tâm thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Hội sách và Triển lãm ảnh nghệ thuật mở cửa liên tục từ 8 - 22 giờ các ngày từ 23 đến 25-4.

Hội thi bơi Chải thu hút đông đảo du khách

Là một trong điểm nhấn sinh động trong chuỗi các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, Hội thi bơi Chải thành phố Việt Trì mở rộng được tổ chức ngày 22-4 (ngày 7-3 Âm lịch) tại hồ Công viên Văn Lang đã thu hút đông đảo du khách đến xem.

Với tinh thần thể thao “Đoàn kết, trung thực, giao lưu, học hỏi" và khát vọng chiến thắng, 240 vận động viên đến từ 8 đội chải gồm thành phố Việt Trì và các huyện Thanh Thủy, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Tam Nông đã đua sức trên “đường đua xanh” dài 2,6 km trước sự cổ vũ vô tư, nhiệt tình của hàng nghìn khán giả. Các tay chèo cống hiến những đường đua đẹp mắt, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem.

Sau các màn đua tranh quyết liệt, kết quả giải Nhất thuộc về đội chải của xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê; giải Nhì thuộc về đội chải của xã Hương Nộn, huyện Tam Nông; đồng giải Ba thuộc về 4 đội xã Đồng Luận (huyện Thanh Thủy), xã Hữu Đô (huyện Đoan Hùng), xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê) và xã Thạch Đồng (huyện Thanh Thủy).

Từ nhiều năm nay, Hội thi bơi Chải mở rộng được tổ chức đã trở thành một hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa – thể thao dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa, nhằm xây dựng thành phố Việt Trì trở thành "Thành phố lễ hội" về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Theo sử sách ghi lại, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vì thế bơi chải xuất hiện tại đây là một trong những hoạt động nhằm luyện thủy quân thêm dẻo dai, bền bỉ. Từ đó, bơi chải trở thành một tục lệ - một nét đẹp văn hóa truyền thống mang tính thượng võ của người dân quanh năm gắn bó với sông nước. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bom đạn chiến tranh đã khiến cho hoạt động bơi chải tại Bạch Hạc ngừng trệ trong nhiều năm liền. Cho tới năm 1992, UBND thành phố Việt Trì đã quyết định khôi phục Hội thi bơi Chải.

Nhiều hoạt động sôi nổi sẽ tiếp tục được tổ chức đến hết ngày 27-4 phục du khách, như Hội thi nấu bánh chưng, giã bánh dày; trưng bày tư liệu, hiện vật với chủ đề Lễ hội và tín ngưỡng vùng đất Tổ; Hội trại văn hóa; Liên hoan văn nghệ quần chúng; Hát Xoan và Dân ca Phú Thọ; giải bóng chuyền các đội mạnh; chiếu phim phục vụ nhân dân và các chương trình biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh... /.