Mục tiêu chưa trọn vẹn

BTV/TTXVN
00:14, ngày 20-04-2018

TCCSĐT - Ngày 19-4, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản kết thúc với các cuộc thảo luận và làm việc về hai chủ đề chính mà cả hai nước đều quan tâm trong thời gian qua là vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thương mại song phương.

Những tuyên bố của hai nhà lãnh đạo về mối quan hệ khăng khít giữa hai đồng minh lâu năm và sự đoàn kết trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cùng việc nhất trí bắt đầu vòng đối thoại mới Mỹ - Nhật Bản về thương mại và đầu tư, được đánh giá là có thể phần nào xoa dịu mối quan ngại của Tokyo thời gian qua trước những biến động trong quan hệ hai nước.

Trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe hướng tới 2 mục tiêu, đó là “nhắc nhở” Mỹ về những lợi ích an ninh của Nhật Bản liên quan vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, cũng như tháo gỡ những khúc mắc trong vấn đề thương mại giữa hai bên. Trước đó, mối quan hệ giữa hai đồng minh đã bất ngờ bị thử thách khi Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dù từng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tokyo trong vấn đề này. Washington cũng không đưa Nhật Bản, một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ, vào danh sách tạm hoãn áp dụng quy định tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép. Diễn biến này không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi rằng, dường như Nhật Bản đang bị Mỹ “bỏ rơi”. Giám đốc chương trình nghiên cứu quốc tế và an ninh N. Michishita thì cho rằng việc Triều Tiên hiện đàm phán với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, mà “bỏ qua” Nhật Bản là cách để cô lập Tokyo.

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh tại Mỹ lần này có thể tạm làm yên lòng phía Nhật Bản khi Tổng thống Mỹ cam kết sẽ làm những điều “tốt nhất cho lợi ích của Nhật Bản” trong vấn đề Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều. Hai bên đã cùng ra tuyên bố hối thúc Triều Tiên không chỉ từ bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn tới lục địa Mỹ, mà còn từ bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách “toàn diện, có giám sát và không thể đảo ngược”. Quan trọng hơn, trong vấn đề trả tự do cho các công dân Nhật Bản bị bắt cóc tới Triều Tiên từ nhiều thập niên trước, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nhận được tuyên bố từ Tổng thống D. Trump rằng, chính quyền Washington sẽ nỗ lực hết sức để đưa những công dân Nhật Bản này trở về quê hương.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, chưa thể nói rằng, Thủ tướng S. Abe đã hoàn thành được mục tiêu đặt ra trong chuyến công du Mỹ này. Ông J. Scott, cựu cố vấn tại Lầu Năm góc về chính sách Đông Á, cho rằng dù nhận được cam kết về những nội dung và yêu cầu mà Tổng thống D. Trump sẽ đề cập tới trong hội nghị sắp tới với Triều Tiên, song với Mỹ, để thuyết phục Triều Tiên ngừng phát triển các loại tên lửa có thể vươn tới Nhật Bản sẽ là khó khăn vì hiện Mỹ đang đặt một số căn cứ quân sự tại Nhật Bản. Bởi vậy, Nhật Bản nên đặt nhiệm vụ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lên làm ưu tiên thì tốt hơn là việc hối thúc Triều Tiên loại bỏ tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Nhật Bản. Ông J. Schoff, chuyên gia cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace, một nhóm chuyên gia cố vấn của Washington, cũng đồng quan điểm cho rằng, khi các căn cứ quân sự Mỹ vẫn duy trì tại Nhật Bản thì Washington khó có thể yêu cầu Bình Nhưỡng loại bỏ các tên lửa có thể đánh trúng Nhật Bản.

Ngay cả cam kết về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc cũng được coi là “mơ hồ”, bởi Tổng thống D. Trump không phải là vị tổng thống Mỹ đầu tiên đưa ra lời cam kết này, nhưng tới nay, vấn đề vẫn chưa được tháo gỡ. Chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Seigakuin (Nhật Bản) S. Miyamoto nhận định, nhiều khả năng chúng ta sẽ không thể được chứng kiến việc trả tự do ngay lập tức cho các công dân Nhật bị bắt cóc nếu Tổng thống D. Trump đưa vấn đề này ra trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un.

Về vấn đề thương mại, mục tiêu của Thủ tướng S. Abe hối thúc Mỹ miễn trừ áp thuế nhập khẩu nhôm, thép mới với Nhật Bản và “lôi kéo” Washington trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng chưa đạt được. Việc Mỹ miễn áp dụng mức thuế nhập khẩu với các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu cho một số đồng minh mà không có Nhật Bản, được đánh giá là nhằm gây sức ép buộc Tokyo phải tiến hành đàm phán một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) trực tiếp với Mỹ. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống D. Trump vừa cứng rắn nêu ra những thách thức cụ thể trong quan hệ thương mại Mỹ - Nhật Bản mà ông cho rằng Washington đang chịu thiệt với mức thâm hụt thương mại quá lớn, song Tổng thống D. Trump cũng khéo léo hối thúc Tokyo nỗ lực hơn nữa để thương mại song phương trở nên “tự do, công bằng và có đi, có lại”, cụ thể là thông qua các điều khoản “dễ chịu hơn”. Tổng thống D. Trump cũng “đặt điều kiện” để miễn trừ các biện pháp tăng thuế đối với các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Nhật Bản, là hai bên được một thỏa thuận tự do thương mại song phương.

Trong khi Tổng thống D. Trump vui vẻ thông báo về việc hai bên đã nhất trí sẽ mở vòng đàm phán FTA mới, thì Thủ tướng S. Abe lại thận trọng hơn khi cho biết không bảo đảm những cuộc đối thoại này sẽ dẫn tới một hiệp định thương mại cụ thể. Những bất đồng giữa hai bên về các thỏa thuận thương mại vẫn chưa thể tháo gỡ khi phía Mỹ khẳng định FTA song phương là điều mà họ mong muốn còn phía Nhật Bản lại cho rằng, TPP luôn là ưu tiên của chính phủ nước này.

Như vậy, những nhiệm vụ của Thủ tướng S. Abe trong chuyến công du Mỹ này vẫn chưa thể hoàn thành trọn vẹn và có thể sẽ cản trở những mục tiêu chính trị của ông S. Abe trước cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) vào tháng 9 tới. Ông B. Kingner, chuyên gia về khu vực Đông Bắc Á thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á, quỹ Heritage, cho rằng Thủ tướng S. Abe đã “đầu tư” rất nhiều về mặt chính trị khi “kết thân” với Tổng thống D. Trump, nhưng việc Tổng thống D. Trump rút Mỹ khỏi TPP và áp mức thuế nhập khẩu nhôm, thép mới với cả Tokyo đã “làm tổn thương” lòng tin và những tính toán của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Và khi những nỗ lực chưa có kết quả, Thủ tướng S. Abe sẽ phải hứng chịu nhiều chỉ trích và gặp phải những khó khăn nhất định trong nỗ lực chạy đua nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp làm lãnh đạo LDP./.