Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng nhanh từ 6,8% trong tháng 11 lên 7,2% tháng 12-2008, cao nhất trong 16 năm qua; số người bị sa thải năm 2008 là 2,6 triệu người, mức cao nhất kể từ năm 1945.

Việc các công ty, tập đoàn đua nhau cắt giảm nhân công trong bốn tháng cuối năm 2008 đã khiến số người mất việc trong thời gian này chiếm 73% con số của cả năm, tương ứng 1,9 triệu lao động.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, lao động mất việc chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, chiếm 80% lực lượng lao động, với 273 nghìn người, tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, chế tạo (149 nghìn) do tác động xấu của ngành sản xuất ô-tô, ngành xây dựng (101 nghìn), lĩnh vực bán lẻ (67 nghìn người)... Một số người may mắn không bị sa thải, lại bị giảm giờ lao động. Trong tháng 12-2008, số giờ làm việc trong tuần trung bình của người lao động Mỹ giảm 0,2 giờ xuống còn 33,3 giờ, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này ra đời năm 1964. Mức tăng nhanh chóng của tình trạng thất nghiệp tại nước này đã khiến không ít chuyên gia kinh tế ngạc nhiên. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp năm 2008 cao hơn 0,2% so dự đoán của các nhà kinh tế. Thất nghiệp tăng bắt nguồn từ việc kinh tế suy thoái, ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp cũng tạo tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng nhanh vì nhiều công ty, tập đoàn nước này tin rằng, suy thoái kinh tế sẽ dữ dội và còn kéo dài. Lý do này khiến các công ty, doanh nghiệp hàng đầu đã sớm lên kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn trong năm 2009, giảm chi phí để hạn chế lỗ. Ðể thực hiện điều này, ông chủ các tập đoàn nhanh chóng cắt giảm việc làm vì điều này dễ dàng hơn và chi phí thấp hơn so châu Âu, nơi đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với doanh nghiệp về việc cắt giảm số lượng nhân viên, cũng như thỏa thuận về mức lương nghỉ việc theo luật định.

Tình trạng thất nghiệp tăng nhanh khiến nảy sinh nhiều hệ lụy. Trước tiên, điều này ảnh hưởng khả năng tự phục hồi của nền kinh tế, tiếp tục làm yếu "cầu" và kéo dài suy thoái. Thất nghiệp tăng cũng khiến thị trường nhà đất ở Mỹ tiếp tục đóng băng. Nhiều nhà quan sát dự đoán, sau hai năm đóng băng, thị trường nhà đất sẽ chưa thể khởi sắc vì người tiêu dùng dè dặt hơn trong việc mở hầu bao chi tiêu, giao dịch, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Nếu vào những năm 90 của thế kỷ trước, việc giảm tỷ lệ thất nghiệp góp phần giảm đáng kể đói nghèo, đặc biệt trong cộng đồng dân tộc thiểu số và các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ, thì ngày nay, ở Mỹ lại diễn ra hiện tượng ngược lại.

Thất nghiệp kéo dài làm tăng nguy cơ người Mỹ rơi vào đói nghèo, nhất là khi không nhiều công nhân, nhân viên mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp và số này nhìn chung cũng chỉ được hưởng trong thời gian ngắn. Tình trạng thất nghiệp lan tràn ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại Mỹ. Bắt đầu từ ngành sản xuất, nhưng tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng ngành xây dựng nặng nề nhất, do sự sụt giảm các giao dịch bất động sản. Trong những tháng gần đây, ngành nghề dịch vụ, nhất là bán lẻ, cũng bị ảnh hưởng mạnh. Có thể thấy việc thuê nhân công theo mùa trong dịp Giáng sinh vừa qua thấp hơn so thông thường. Ðến nay, tình trạng thất nghiệp lan rộng sang ngành giao thông và dịch vụ tài chính. Trong các ngành, chỉ duy nhất lĩnh vực y tế vẫn có nhu cầu về nhân công. Dựa vào các chỉ số của tình trạng thất nghiệp, nhiều chuyên gia phán đoán tình trạng này có thể tiếp tục tăng trong năm 2009 và 2010. Theo các chuyên gia, tình trạng thất nghiệp kết thúc vào thời điểm nào có mối quan hệ chặt chẽ với suy thoái ở Mỹ, được cho rằng, sẽ dài nhất trong lịch sử thời hậu chiến tranh.

Chính quyền của Tổng thống đắc cử B.Ô-ba-ma đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 800 tỉ USD nhằm tạo thêm khoảng ba triệu việc làm trong hai năm tới. Phần lớn gói trợ giúp này được sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng, như cải tạo hệ thống đường sá, cầu cống, trường học và bệnh viện. Câu hỏi được các chuyên gia kinh tế đặt ra là liệu tiền bạc có thể nhanh chóng giúp hạn chế việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và tác động của gói kích thích kinh tế liệu có phải chỉ mang tính tạm thời? Tuy vậy, trong trường hợp gói trợ giúp trên phát huy hiệu quả trong việc bình ổn kinh tế vào cuối năm 2009, có khả năng các công ty, tập đoàn sẽ có kế hoạch tuyển nhân viên và thị trường lao động việc làm ở Mỹ sẽ khởi sắc trở lại./.