TCCSĐT - Sáng 12-3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 22. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp sẽ diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 12 đến 13-3; đợt 2 diễn ra từ ngày 19 đến 20-3.

Các nội dung phiên họp 22

Tại phiên họp 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật, gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét việc cho thôi nhiệm vụ với ông Ngô Đức Mạnh đã được phân công nhiệm vụ làm Đại sứ tại Liên bang Nga; cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Chương trình tại Phiên họp thứ 22 có điều chỉnh so với dự kiến chương trình gửi cho các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Cụ thể, không xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn và sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm vào Kỳ họp Quốc hội thứ hai của năm nay.

Ngoài ra, rút 3 dự án luật do chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng chuẩn bị, gồm Luật Cảnh sát biển, Luật Quản lý phát triển đô thị do chưa được các Ủy ban thẩm tra do ban soạn thảo gửi tài liệu chậm; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi thẩm tra cho thấy chưa bảo đảm điều kiện để trình phiên họp này vì cần lấy thêm ý kiến của một số cơ quan chức năng.

Về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 01-01-2017, Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 chính thức có hiệu lực, trong đó thủy lợi phí là một trong 17 loại phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, thực hiện theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13.

Tuy nhiên, Luật Giá không quy định đối tượng miễn hoặc hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được quy định tại Điều 36 Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 và có hiệu lực thi hành từ 01-7-2018.

Do đó, từ ngày 01-01-2017 đến 30-6-2018, các đối tượng được hưởng chính sách miễn thủy lợi phí như trước đây sẽ phải trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi về nguyên tắc sẽ không tiếp tục được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước.

Để kịp thời khắc phục khoảng trống pháp lý trong thời gian chuyển tiếp từ khi Luật Phí và lệ phí từ ngày 01-01-2017 đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 30-6-2018, đồng thời đảm bảo chính sách an sinh xã hội đã thực hiện bằng chính sách miễn thu thủy lợi phí từ năm 2008-2016, việc ban hành Nghị định quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là cần thiết và cấp bách.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nêu rõ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi nhằm hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, để xử lý khoảng trống pháp lý từ thời điểm Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 01-01-2017 khi chuyển thủy lợi phí sang cơ chế giá, theo đó không có quy định về miễn, giảm hoặc hỗ trợ thủy lợi phí theo các chính sách hiện hành đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ 01-7-2018 cần phải ban hành nghị định mới quy định về vấn đề này.

Do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành nghị định này là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, trên thực tế, các đối tượng nêu trong Nghị định 67/NĐ-CP đã được miễn thủy lợi phí trong năm 2017 và đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua dự toán để chi trả cho các đối tượng này trong năm 2018.

Do đó, nghị định này cần đảm bảo quy định các đối tượng được hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phải là các đối tượng được miễn thủy lợi phí tại Nghị định 67/NĐ-CP.

Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận thấy, khoản 1 Điều 3 của Dự thảo nghị định đã quy định đối tượng hẹp hơn so với điểm a khoản 4 Điều 1 của Nghị định 67/NĐ-CP. Theo đó, chỉ hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân nông dân có diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm... , trong khi Nghị định 67 quy định rộng hơn, bao gồm tất cả các đối tượng (pháp nhân và cá nhân). Từ đó, đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung đối tượng cho phù hợp với Nghị định 67/NĐ-CP.

Về mức hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, Dự thảo nghị định quy định rộng hơn Thông tư 280 về đối tượng ở khoản 4 Điều 4. Trong khi đây là nội dung có trong Nghị định 67/NĐ-CP, song Nghị định số 67/NĐ-CP lại quy định nội dung này gồm 8 đối tượng khác nhau.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rà soát để bảo đảm thống nhất về các quy định nào đã được áp dụng để hỗ trợ trong năm 2017 và lập dự toán trong năm 2018 để bổ sung hoặc loại bỏ trong dự thảo Nghị định.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của hộ gia đình và cá nhân trong việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đảm bảo tiết kiệm và nâng cao trách nhiệm của các đối tượng sử dụng nước.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cần thiết phải có sự tính toán, kiểm soát, để tránh lãng phí trong sử dụng nước, nhất là khi việc sử dụng nước đang được ngân sách hỗ trợ.

Nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính là “không mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách,” tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý với việc đối tượng hỗ trợ tại dự thảo được thu hẹp hơn so với trước, Chính phủ cần có sự xem xét, giải thích để tránh bỏ sót, bỏ lọt đối tượng hỗ trợ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ về việc ban hành Nghị định thực hiện trong giai đoạn từ 1/1/2017 đến 30/6/2018 để khắc phục khoảng trống pháp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản thống nhất với mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, phương thức hỗ trợ quy định tại dự thảo nghị định.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải trên nguyên tắc không mở rộng đối tượng, không tăng chi ngân sách; đồng thời đề nghị rà soát lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ trên tinh thần Nghị định 67, không bỏ sót bỏ lọt nhưng cũng không tăng đối tượng mới.

Đối với người nghèo, sẽ được hỗ trợ cho toàn bộ các hoạt động sản xuất thay vì chỉ một số hoạt động như các đối tượng khác.

Cũng trong sáng 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, chiều 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đây là dự án Luật trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu.

Đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm...

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, ngay sau khi được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban soạn thảo với thành phần là đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan để khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết xây dựng dự thảo Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo đó, dự thảo Luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung 50/114 điều, chiếm 44% tổng số điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 3 điều và bãi bỏ 10 điều.

Nội dung chủ yếu của dự thảo Luật tập trung vào ba chính sách, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục, văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Làm rõ các điều kiện để phát triển giáo dục có chất lượng

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra trong Tờ trình.

Nhiều quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chưa được thể chế hóa; giáo dục vẫn chưa được đặt đúng vị trí là “quốc sách hàng đầu”; các điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong bối cảnh giáo dục mới chưa được tiếp cận.

Do vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng đồng thời cần nghiên cứu để đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.

Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm (Điều 89), dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Nhiều ý kiến tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.

Một số ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm thì cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm, nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, dự thảo Luật cần sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Tại phiên họp, các nội dung về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; các cấp học, trình độ đào tạo và giáo dục thường xuyên; về đầu tư, tài chính trong giáo dục… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể./.