Trước và sau Tết Nguyên đán, người Việt có nhiều phong tục, trong số đó, có tục “xông đất”. Đây cũng là một trong những phong tục Tết còn lưu truyền đến ngày nay. Người Việt luôn ao ước có một năm đầy an khang, thịnh vượng và hạnh phúc khi trời đất vào mùa Xuân. Vì thế sự quan trọng của người đầu tiên đến thăm gia đình càng được nhân lên.
Theo đó, chủ nhà sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng Một Tết.

Người xông nhà phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung.” Đó cũng phải là người vui vẻ, rộng rãi, hạnh phúc thì gia chủ sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới…

Vì thế để chủ động hơn trong việc này, gia chủ cẩn thận sẽ tìm người phù hợp và mượn người ấy đến xông đất cho gia đình mình.

Người đi xông đất, ngoài những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ còn phải ăn mặc thật đẹp và mang theo một chút quà Tết.

Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ có tính cách tượng trưng và phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ. Nó có thể là một chai rượu Tết, một gói trà ngon, một chiếc bánh chưng hay một phong bánh ngọt…

Xông đất xong còn mừng tiền (mừng tuổi), chủ yếu là cho trẻ con gia chủ. Sau đó chủ nhà cũng hoan hỉ chúc lại vị khách xông nhà và thết đãi một vài món ăn hay thức uống.

Chuyện ăn uống này cũng chỉ mang tính tượng trưng cho có lệ, như ăn vài miếng bánh, miếng mứt, uống một ly rượu hay chén trà. Mọi người sẽ cùng nhau nhấm nháp hương xuân đầu năm trong không khí đầm ấm và tràn đầy hy vọng.

Người xông nhà chúc Tết thường lưu lại nhà gia chủ trong khoảng 10-15 phút. Tùy nhà, tùy người mà có lời chúc riêng. Nếu nhà có cha mẹ già sẽ chúc “Bách niên giai lão,” “tăng phúc tăng thọ;” nếu là người buôn bán thì mong “buôn may bán đắt,” “làm ăn phát đạt,” “làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái;” gặp trẻ em thì mừng các bé “hay ăn chóng lớn,” “học hành đỗ đạt”…

Những phong tục tập quán xưa, theo thời gian có thể sẽ không được in dấu đậm hoặc có thể nó sẽ thay đổi và phát triển với cuộc sống hôm nay.

Tục xông đất vẫn vậy, vẫn nói với nhau rằng đi chúc Tết đầu năm cho anh em họ hàng. Tuy vậy họ không còn đặt nặng vấn đề chuyện may rủi nữa mà họ chỉ nghĩ đến đem lại niềm vui nho nhỏ cho mọi người mà thôi./.