Nâng cao đạo đức cho đội ngũ thẩm phán để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, xây dựng tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện

Lê Hồng Quang TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao
22:40, ngày 16-02-2018

TCCS - Trải qua hơn 72 năm xây dựng và phát triển của tòa án nhân dân, cùng với việc đề ra các giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Tòa án Nhân dân tối cao luôn quan tâm rèn luyện, nâng cao đạo đức cho đội ngũ thẩm phán để làm tốt nhiệm vụ xét xử, xứng đáng là người đại diện của cơ quan thực hiện quyền tư pháp.


Những năm qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao đã chỉ đạo tòa án nhân dân các cấp triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng liên quan trực tiếp đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; gắn với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án nhân dân các cấp”. Đồng thời, phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề theo di huấn của Bác Hồ “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Trong thời gian qua, với sự quyết tâm thực hiện các giải pháp đột phá, công tác xét xử của tòa án nhân dân đã có nhiều tiến bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Mặc dù số lượng các vụ án hằng năm tăng, tính chất ngày càng phức tạp, nhưng với sự quyết tâm chính trị và tuân thủ quy định pháp luật nên công tác xét xử các loại vụ án có nhiều tiến bộ, nhất là xét xử án hình sự cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; có 9 trường hợp tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, trong đó có 7 trường hợp tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội do thay đổi về chính sách hình sự của Nhà nước. Việc trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Các tòa án đã tổ chức 6.746 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án; đồng thời phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng chủ động thông tin, tuyên truyền về công tác xét xử, thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân. Chỉ tính riêng 3 năm qua, tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi của thẩm phán hạn chế ở mức thấp nhất (dưới 1,5%), đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Số án tồn quá hạn luật định do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm dần theo các năm. Các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, được tòa án phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, xét xử kịp thời, nghiêm minh. Việc xử lý các vụ án hành chính, dân sự có nhiều chuyển biến tích cực; công tác hòa giải đạt kết quả cao.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác tư pháp trong những năm qua còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nêu rõ: Chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp...

Qua 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW, ngày 12-3-2014, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005, của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, bên cạnh những tiến bộ đạt được, Tòa án Nhân dân tối cao đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử để kịp thời đề ra giải pháp khắc phục. Đó là việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật; việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thiếu căn cứ pháp luật; một số trường hợp đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò của bị cáo chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; không xác định thông tin đầy đủ về tiền án, tiền sự của bị cáo dẫn tới áp dụng sai khung hình phạt; không xử lý kê biên tài sản đối với những tài sản mà cơ quan công an đã kê biên trong quá trình điều tra vụ án; một số trường hợp có mâu thuẫn trong tài liệu, hồ sơ vụ án, nhưng không trả hồ sơ để điều tra bổ sung; có trường hợp thẩm phán xác định thiếu, hoặc không đúng tư cách người tham gia tố tụng; một số trường hợp thẩm phán thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, hoặc đánh giá chứng cứ còn thiếu khách quan; không tiến hành định giá tài sản đang tranh chấp; xác định sai đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính; trả lại đơn khởi kiện trong một số trường hợp còn chưa chính xác...

Thẩm phán tòa án nhân dân là những người được Đảng, Nhà nước giao trọng trách hết sức quan trọng trong việc đưa ra những bản án, phán quyết đúng - sai trong các vụ án; đồng thời thẩm phán chính là chủ thể trung tâm của tòa án, nên phải là những người có đạo đức trong sáng, gương mẫu về mọi mặt, giỏi về chuyên môn pháp lý và nghề xét xử. Vì vậy, để xây dựng tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, thực hiện thắng lợi Chiến lược cải cách tư pháp, việc rèn luyện, nâng cao đạo đức của thẩm phán tòa án càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Những nội dung cơ bản của đạo đức thẩm phán

Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức nghề nghiệp quốc tế đã đặt ra quy định, luật lệ nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức cho thẩm phán, như “Các nguyên tắc cơ bản về sự độc lập của tòa án” năm 1985 (Liên hợp quốc), “Khuyến nghị về tính độc lập, hiệu quả và vai trò của thẩm phán” năm 1994 (Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu), “Hiến chương Châu Âu về quy chế đối với thẩm phán” năm 1998 (Hội đồng Châu Âu), “Hiến chương Quốc tế về thẩm phán” năm 1999 (Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế), “Dự thảo Băng-ga-lo (Bangalore) về quy tắc ứng xử tư pháp” năm 2001 (sáng kiến của Liên hợp quốc và Tổ chức Minh bạch quốc tế),...

Ở nước ta, tiêu chuẩn đạo đức của thẩm phán được quy định trong một số văn bản, như Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tòa án nhân dân; Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm... Đặc biệt, tiêu chuẩn đó còn được quy định trong Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Gần đây, Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/HĐTP, ngày 16-3-2017, “Về việc công bố bản án, quyết định của tòa án trên Cổng thông tin điện tử của tòa án” và Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19-6-2017, về “Ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân”... Đây không chỉ đơn thuần là những quy định yêu cầu nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn là những quy định có tính chất động lực, làm cơ sở định hướng phấn đấu, rèn luyện đạo đức của thẩm phán tòa án trong thực thi nhiệm vụ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn cán bộ, thẩm phán phải “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”; “trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch”. Căn cứ quy định của Hiến pháp, kế thừa và cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các định hướng của Đảng, Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định tiêu chuẩn, đạo đức của thẩm phán như sau: Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. Luật Tổ chức tòa án nhân dân còn quy định cụ thể về trách nhiệm và những điều thẩm phán không được làm: Những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm; tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác, làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án; đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.

Thẩm phán có trách nhiệm trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; độc lập, vô tư, khách quan, bảo vệ công lý trong xét xử; chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn uy tín của tòa án; giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật; học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ tòa án; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các quyết định của mình... Tựu trung, nội dung cơ bản của đạo đức thẩm phán bao gồm các chuẩn mực đạo đức chung của cán bộ, công chức và đạo đức nghề nghiệp xét xử, được thể hiện ở một số khía cạnh chính: thượng tôn pháp luật, tôn trọng khách quan, xét xử độc lập, tận tụy phục vụ và tôn trọng nhân dân, tự giác học tập.

Giải pháp nâng cao đạo đức thẩm phán

1- Nhóm giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Chi bộ là hạt nhân, là tế bào cơ sở của tổ chức đảng; “Chi bộ tốt, thì mọi việc đều tốt”(1). Do đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Nguyên tắc tập trung dân chủ, việc tự phê bình và phê bình, việc bình xét, đánh giá đảng viên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng,... cần được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thiết thực, hiệu quả tại chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ cần được đổi mới, tránh hình thức, giản đơn. Vai trò của bí thư và cấp ủy là hết sức quan trọng trong sinh hoạt chi bộ nói chung, trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, thẩm phán nói riêng. Chi bộ cần duy trì công tác kiểm tra, đánh giá đảng viên, kịp thời nhắc nhở, giáo dục đảng viên nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác chuyên môn thông qua các công việc hằng ngày, các nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục chính trị: Công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ thẩm phán, cán bộ tòa án cần đi vào các nội dung thiết thực đối với từng chức danh tư pháp; phương pháp bồi dưỡng, giáo dục phải được nghiên cứu đổi mới, thường xuyên cập nhật, với mục tiêu định hướng hành động trong thực hiện nhiệm vụ và mang tính thống nhất. Cùng với việc nghiêm túc học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, cần tập trung giáo dục thẩm phán thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ tòa án: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, “Tận tụy phục vụ nhân dân”, không thiên vị, tư lợi trong thực thi công vụ. Cấp ủy, lãnh đạo các tòa án nhân dân cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Đẩy mạnh học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Duy trì thường xuyên, nghiêm túc việc đăng ký, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, đánh giá việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong các tòa án nhân dân. Cần gắn việc học tập này với phong trào thi đua “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án nhân dân” do Tòa án Nhân dân tối cao phát động. Nội dung học tập theo gương Bác Hồ cần được cụ thể hóa, sát thực, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi chức danh tư pháp, đặc biệt là thẩm phán. Bảo đảm việc học tập theo gương Bác Hồ thực sự hiệu quả. Phải biến những đức tính, phẩm chất đạo đức, phong cách mẫu mực của Bác trở thành suy nghĩ và hành động cụ thể của cán bộ, thẩm phán, tuyệt đối tránh hình thức, qua loa.

2- Nhóm giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ

Ban hành các văn bản, quy định: Nhằm nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao trách nhiệm, đạo đức và năng lực của thẩm phán, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 01/2017/CT-CA, ngày 16-01-2017, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, “Về việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017 của các tòa án nhân dân” và Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC, ngày 30-3-2017, về “Công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp”; Nghị quyết số 03/HĐTP, ngày 16-3-2017, “Về việc công bố bản án, quyết định của tòa án trên Cổng thông tin điện tử của tòa án”; Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19-6-2017, về “Ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân”; Quyết định số 346a/2017/QĐ-TANDTC, ngày 01-3-2017, về “Ban hành Quy chế công tác kiểm tra trong tòa án nhân dân”, trong đó có nội dung kiểm tra về thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ.

Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là biện pháp giúp thẩm phán nhìn nhận ra những sai sót, khiếm khuyết trong thực thi nhiệm vụ, phòng ngừa những vi phạm, kịp thời khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế sau mỗi phiên tòa. Việc công khai các bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử của tòa án là nhằm công khai, minh bạch hoạt động, phán quyết của tòa án, ràng buộc thẩm phán phải tự giác học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ban hành những bản án chuẩn mực, đúng pháp luật. Đặc biệt, Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19-6-2017, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án là một giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực và đạo đức đối với thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký trong công tác. Đây là những quyết định, giải pháp mới, lần đầu tiên được ban hành và thực hiện trong hệ thống tòa án nhân dân.

Hiện nay, Tòa án Nhân dân tối cao đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành một số văn bản nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, đồng thời nâng cao phẩm chất đạo đức của thẩm phán (xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của bản án, quyết định của tòa án”; cuốn “Sổ tay thẩm phán hướng dẫn kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa, kỹ năng hòa giải”; nghiên cứu, xây dựng “Tiêu chí thi đua - khen thưởng đối với bản án, quyết định có tính chuẩn mực; đối với thẩm phán làm tốt công tác hòa giải” để khuyến khích thẩm phán tự trau dồi, nâng cao kỹ năng viết bản án, quyết định; đồng thời động viên các thẩm phán có nhiều bản án, quyết định có tính chuẩn mực và các thẩm phán làm tốt công tác hòa giải...).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra: Việc kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ trong các tòa án nhân dân được thực hiện bằng việc kết hợp giữa tự kiểm tra với kiểm tra của tòa án nhân dân cấp trên với tòa án nhân dân cấp dưới; kết hợp giữa kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất. Tòa án các cấp phải lập kế hoạch kiểm tra theo thẩm quyền. Kết thúc đợt kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải tổ chức họp rút kinh nghiệm chung, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót; đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm nghiêm trọng; yêu cầu đối tượng bị kiểm tra báo cáo kết quả khắc phục hạn chế, thiếu sót sau một thời gian nhất định.

Ban Thanh tra Tòa án Nhân dân tối cao, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án Nhân dân tối cao, chánh án các tòa án nhân dân cấp cao, chánh án các tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ; phát hiện sớm và khắc phục, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế nghiệp vụ trong hoạt động của tòa án nói chung và trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án nói riêng theo đúng “Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án nhân dân” được ban hành kèm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC, ngày 19-6-2017, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

3- Nhóm giải pháp về tổ chức - đào tạo, bổ nhiệm

Tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán: Mở rộng nguồn thi tuyển chọn thẩm phán; việc thi tuyển chọn, nâng ngạch thẩm phán phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch để lựa chọn được những người có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán theo quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Tiếp tục công khai hóa các kế hoạch thi tuyển chọn thẩm phán để những người có đủ điều kiện đăng ký dự thi, chủ động ôn tập, bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng trong các kỳ thi tuyển chọn. Tòa án Nhân dân tối cao đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định tiêu chuẩn thống nhất của từng chức danh thẩm phán, gắn với vị trí việc làm của từng cấp tòa án nhân dân; xây dựng và thực hiện kế hoạch tạo nguồn, luân chuyển, điều động biệt phái thẩm phán, vừa đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch, vừa phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; bảo đảm tăng cường rèn luyện, thử thách, tuyển chọn đúng người để đề xuất bổ nhiệm thẩm phán cho các tòa án.

Đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán: Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán phù hợp với yêu cầu chuyên môn, công việc và từng ngạch của thẩm phán. Chú trọng truyền đạt các nội dung: kiến thức pháp luật mới, kỹ năng nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, pháp luật quốc tế, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng dân vận,... Bảo đảm nội dung kiến thức truyền đạt vừa rộng, vừa chuyên sâu; kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết và thực hành, giúp thẩm phán nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp. Ngoài ra, chú trọng, khuyến khích việc đào tạo sau đại học đối với thẩm phán, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho thẩm phán nâng cao trình độ.

4- Nhóm giải pháp về thi đua - khen thưởng

Kịp thời tôn vinh, khen thưởng: Đổi mới quy chế thi đua - khen thưởng đối với thẩm phán, cán bộ tòa án theo hướng thiết thực, ý nghĩa và kịp thời; đánh giá thành tích và tôn vinh đúng người, đúng việc; tổ chức các cuộc thi thẩm phán giỏi, bình xét vinh danh các thẩm phán tiêu biểu, mẫu mực; tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong rèn luyện đạo đức và kết quả công tác chuyên môn, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống tòa án nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy chế về đạo đức công vụ và kỷ luật công vụ, gắn với cơ chế khen thưởng, vinh danh thẩm phán có thành tích, đề xuất khen thưởng định kỳ hằng năm và đột xuất trong các đợt thi đua ngắn, tạo phong trào thi đua sôi nổi, thường xuyên.

Xử lý nghiêm các vi phạm: Căn cứ các kết quả giám sát, thanh tra nghiệp vụ, kiểm tra kỷ luật công vụ định kỳ hoặc đột xuất..., xử lý nghiêm khắc các hành vi sai phạm, vi phạm quy chế nghề nghiệp, kỷ luật công vụ, quy trình công tác của thẩm phán, cán bộ tòa án; kiên quyết không bao che, dung túng, nương nhẹ đối với các vi phạm của thẩm phán trong rèn luyện đạo đức và hoạt động xét xử; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật ngay tại các cơ quan xét xử, thực thi quyền tư pháp.

Với tổng thể các nhóm giải pháp nêu trên, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử do Tòa án Nhân dân tối cao đề ra qua đánh giá 3 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị; với truyền thống hơn 72 năm vẻ vang xây dựng và phát triển, cán bộ, công chức, thẩm phán, viên chức, người lao động các tòa án nhân dân, tòa án quân sự trong cả nước nguyện ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp; nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua yêu nước; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ công lý, xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh toàn diện; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới đất nước, củng cố nền pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ./.

----------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 363