Mới đây, Ban lãnh đạo Đại học FPT đã đề xuất dự án xây dựng, hình thành và phát triển thành phố đô thị công nghệ cao ở Hà Nội. Ở Việt Nam, những “Đô thị Công nghệ cao” như thế đang ngày càng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Được hình thành ý tưởng từ năm 1992, nhưng đến năm 1998, Khu Hoà Lạc mới có quy hoạch chi tiết, và đến 2005 mới bắt đầu đưa vào sử dụng. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng với nhiệm vụ cung cấp cơ sở vật chất và nhân lực cho các hoạt động sản xuất, nghiên cứu và triển khai công nghệ cao. Hòa Lạc có 4 phân khu chính: Khu Công nghiệp công nghệ cao (cho các công ty thuê đất để sản xuất); Khu Nghiên cứu, triển khai và đào tạo; Khu Phần mềm; Khu Thương mại - dịch vụ công nghệ cao (trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao...).

Doanh nghiệp vào Khu Công nghệ cao phải đủ tiêu chuẩn theo những quy định hiện hành của Chính phủ về doanh nghiệp công nghệ cao. Đó là Quyết định 99, Quyết định 53 của Chính phủ và Quyết định 27 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ về danh mục các loại sản phẩm được ưu tiên vàoKhu Công nghệ cao (Doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn được vào khuCông nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi của Chính phủ, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm).

Trong kế hoạch dài hạn, Khu Hòa Lạc sẽ trở thành một thành phố công nghệnhư của Tân Trúc (Đài Loan), Silicon Valley (Mỹ) hay Bangalor (Ấn Độ)...

Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích 913 ha, cách trung tâm thành phố, cảng Sài Gòn và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ 15-17km. Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình là một khu kinh tế kỹ thuật, thu hút đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao trong nước. Đây là nơi tập trung lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp sản xuất kinh doanh – nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Hiện nay, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao thuộc 4 lĩnh vực: Công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và viễn thông; Công nghệ tự động hóa, cơ khí chính xác; Công nghệ sinh học áp dụng cho y tế, dược phẩm và môi trường; Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano và năng lượng.

Thành phố công nghệ 1,3 tỉ USD tại Bắc Ninh

Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) của Đài Loan và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn cũng đã bỏ vốn xây dựng một thành phố công nghệ cao quy mô 80 km2 tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nhằm phục vụ cho chuỗi nhà máy của tập đoàn tại hai tỉnh này. Đây sẽ là một trong những đô thị lớn và hoàn chỉnh nhất Việt Nam.

Kế hoạch xây dựng đô thị công nghệ cao trị giá 1 đến 1,3 tỉ USD. Theo đó, đô thị sẽ tọa lạc gần khu công nghiệp Quế Võ, cách thành phố Bắc Ninh khoảng 30 phút đi xe, đồng thời nằm bên sông Cầu, dòng sông kết nối Bắc Ninh và Bắc Giang. Thành phố có tổng diện tích 80 km2, trong đó một nửa dành cho khu sinh thái, bao gồm cả ruộng lúa và các vườn hoa màu, cây trái được quy hoạch đồng bộ. Trong đô thị sẽ có 12 km2 dành cho khu công nghiệp, 23 km2 cho nhà ở và diện tích 5 km2 dành cho khu vui chơi giải trí và sân gôn.

Dự kiến nơi này sẽ có khoảng 400.000 dân, trong đó 1/3 là người làm việc trong các nhà máy của Foxconn. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và thương thảo với các nhà đầu tư, đồng thời xin giấy phép đầu tư của Chính phủ.

952 triệu USD xây dựng FPT City Đà Nẵng

Vào đầu năm nay, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã ký kết với tập đoàn FPT về việc đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư dự kiến 952 triệu USD.

Tổng Giám đốc FPT - ông Trương Gia Bình, khẳng định: “Trong tương lai, đây không chỉ là khu đô thị công nghệ cao của miền Trung mà là của cả nước, kết nối với thế giới...” Thỏa thuận đầu tư giữa thành phố Đà Nẵng và tập đoàn FPT nêu rõ, FPT City Đà Nẵng dự kiến sẽ trở thành khu đô thị hoàn chỉnh, hiện đại với đầy đủ các tiện ích công nghệ cao, phù hợp với cảnh quan môi trường, đầy đủ dịch vụ về nhà ở, nghỉ ngơi, giải trí đến chỗ làm việc, học hành.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 952 triệu USD, FPT City Đà Nẵng tọa lạc trên khu đất có diện tích 181 ha tại quận Ngũ Hành Sơn, được kết cấu với những công trình chính: Đại học FPT (25 ha); khu phần mềm (33 ha) và khu nhà ở, công trình giao thông, sinh thái, biệt thự, các dịch vụ công cộng…

Diện tích đất còn lại sẽ là không gian lý tưởng cho các nhà đầu tư công nghệ thông tin, phần mềm điện tử hàng đầu trên thế giới. Được biết, dự án sẽ khởi động trong năm 2008 và đi vào sử dụng từ giữa năm 2012.

Điểm tập trung của sự hợp tác tri thức

Việc xây dựng thành phố công nghệ cao đã hình thành ở nhiều nước và cả ở Việt Nam. Những Khu Công nghệ cao như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng... là ví dụ điển hình cho sự vươn lên mạnh mẽ của công nghệ thông tin nước ta.

Trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khó khăn trong đào tạo nhân lực cao cấp và nạn chảy máu chất xám thì những Khu Công nghệ cao như thế này không những nâng tầm công tác đào tạo mà còn hội tụ đầy đủ điều kiện cho nhân lực trình độ cao của chúng ta phát triển. Hơn nữa, khi những đô thị công nghệ cao đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư quốc tế. Ngoài nguồn lực trong nước, chúng ta còn tận dụng được sự hợp tác của nhân lực cao cấp nước ngoài đến làm việc.

Với những sự chuẩn bị, đầu tư lớn như hiện nay, hy vọng trong tương lai gần nền công nghệ thông tin Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ. Giới chuyên gia công nghệ thông tin nhận định: Trong 10 năm tới, Việt Nam chưa thể trở thành một cường quốc công nghiệp phần mềm song có thể trở thành cường quốc đào tạo và cung ứng nhân lực phần mềm.