TCCSĐT - Sáng 23-01 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký chính thức ban hành các biện pháp ngắn hạn nhằm tài trợ cho hoạt động của chính phủ liên bang cho tới ngày 08-02 tới, động thái chấm dứt việc chính phủ nước này tiếp tục phải đóng cửa sau 3 ngày ngừng hoạt động.

Chính phủ bắt đầu công việc trở lại

Việc Tổng thống D. Trump ký ban hành thành luật dự luật trên cũng cho phép các nhà đàm phán Quốc hội thêm thời gian nhằm thảo luận về gói cải cách nhập cư để được lưỡng viện Quốc hội thông qua. Hàng trăm nghìn viên chức liên bang sẽ quay trở lại làm việc trong ngày 23-01 theo giờ địa phương sau khi nghỉ phép ngày 22-01.

Trước đó, ngày 22-01-2018, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời nhằm chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua.

Với tỷ lệ 81 phiếu thuận và 18 phiếu chống, dự luật chi tiêu tạm thời giúp chính phủ Mỹ hoạt động đến ngày 08-02 tới đã dễ dàng được các thượng nghị sĩ Mỹ thông qua, sau khi đảng Dân chủ đã nhận được sự bảo đảm từ phía đảng Cộng hòa về việc giải quyết số phận của hàng trăm nghìn người nhập cư trái phép là thanh thiếu niên liên quan đến "Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ” (DACA) có nguy cơ bị trục xuất từ đầu tháng 3 tới.

Sau Thượng viện, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua biện pháp ngắn hạn nhằm tài trợ cho hoạt động của chính phủ liên bang cho đến ngày 08-02 tới, chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua.

Với 266 phiếu thuận và 150 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng chấp thuận dự luật chi tiêu tạm thời, trong đó cũng bao gồm việc gia hạn Chương trình bảo hiểm sức khỏe trẻ em thêm 6 năm (CHIP), nhưng không có sự bảo vệ mà phe Dân chủ tìm kiếm dành cho những người nhập cư bất hợp pháp tới Mỹ từ khi còn nhỏ. Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua đã khiến thị trường chứng khoán thế giới phản ứng tích cực. Thị trường chứng khoán Phố Wall tràn ngập sắc xanh với các chỉ số chủ chốt đồng loạt lập kỷ lục mới.

Với việc chính phủ sẽ hoạt động trở lại sau 3 ngày đóng cửa, tâm lý phấn chấn của các nhà đầu tư đã tăng lên ngay trong ngày đầu tuần với nhiều báo cáo doanh thu của các doanh nghiệp dự kiến sẽ được công bố. Chốt phiên giao dịch ngày 22-01 theo giờ Mỹ (ngày 23-01 theo giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, đóng cửa ở mức 26.214,6 điểm. Chỉ số S&P “nhảy vọt” 0,8% lên mức 2.832,97 điểm, trong khi chỉ số các tập đoàn công nghệ Nasdaq Composite Index tăng gần 1% và chốt phiên ở mức 7.408,03 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á cũng có những phản ứng tích cực sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chấm dứt việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Mở cửa phiên giao dịch ngày 23-01, trên sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,45%, tương đương 107,92 điểm, lên mức 23.924,25 điểm, trong khi chỉ số Topix tăng 0,37%, tương đương 7,06 điểm, lên mức 1.898,98 điểm. Tương tự, tại Hàn Quốc, chỉ số giá cổ phiếu tổng hợp của Hàn Quốc (KOSPI) cũng tăng 0,36%, tương đương 9,04 điểm, lên mức 2.511,15 điểm ngay trong 15 phút đầu giao dịch.

Nguyên nhân và tác động

Ngân sách liên bang Mỹ đã hết hiệu lực từ nửa đêm 19-01 giờ địa phương (trưa 20-01 theo giờ Việt Nam) và đã không thể gia hạn do những bất đồng giữa Tổng thống D. Trump và phe Dân chủ xung quanh vấn đề nhập cư, cụ thể liên quan đến chương trình DACA gắn với số phận của hàng triệu người nhập cư. Kể từ khi ra đời vào năm 2012, DACA đã bảo vệ quyền lợi cho hơn 800.000 người nhập cư trẻ tuổi vào Mỹ bất hợp pháp, thường được gọi là thế hệ “Dreamers”, được ở lại Mỹ làm việc một cách hợp pháp. Tuy nhiên, chương trình này đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ sau khi Tổng thống D. Trump lên cầm quyền với chính sách mạnh tay với người nhập cư trái phép và tăng cường an ninh biên giới nhằm mang lại thêm việc làm cho người dân bản địa.

Rất nhiều bang, tổ chức và cá nhân đã nộp đơn kiện nhằm bảo vệ những người thuộc diện bảo hộ của DACA sau quyết định của Tổng thống D. Trump. Tại Đồi Capitol, các nghị sĩ Dân chủ kiên quyết bảo vệ thế hệ “Dreamers” và gắn với thỏa thuận ngân sách, trong khi đó, đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện quốc hội muốn tách biệt hai vấn đề này. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về việc chính phủ phải ngừng hoạt động. Các nghị sĩ Cộng hòa cáo buộc đối thủ Dân chủ tìm kiếm một đòn bẩy cho vấn đề cải cách di cư, trong khi Dân chủ tuyên bố Cộng hòa phải chịu trách nhiệm khi đảng này được toàn quyền kiểm soát cả chính phủ lẫn quốc hội. Đây rõ ràng là hệ lụy của sự đối đầu mang tính truyền kiếp giữa hai lực lượng chính trị lớn nhất tại Mỹ là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. “Cuộc chiến” giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa càng trở nên khốc liệt hơn, thế đối đầu thường xuyên trong tình trạng đỉnh điểm từ khi tỷ phú D. Trump trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ sau cuộc đua gay cấn tới phút chót và hoàn toàn lật ngược thế cờ với đối thủ Dân chủ H. Clinton cách đây hơn 1 năm và các nghị sĩ Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội. Từ đây xảy ra nhiều mâu thuẫn, nhiều cuộc tranh luận nảy lửa tại nghị trường xoay quanh các vấn đề liên quan đến chính sách như vấn đề ngân sách, cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế, dịch vụ y tế, di cư …

Thực trạng chính trường Mỹ từ trước tới nay cho thấy khó có dự luật hay giải pháp nào được thông qua suôn sẻ nếu không có sự thỏa hiệp giữa các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Trước khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu nhằm chấm dứt việc chính phủ nước này phải đóng cửa trong 3 ngày qua, các biện pháp giúp Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ phải đóng cửa vì hết kinh phí hoạt động đã được Hạ viện thông qua. Tuy nhiên dự luật này đã không vượt qua được “cửa ải” tại Thượng viện do không đạt được con số tối thiểu 60 phiếu ủng hộ.

Việc chính phủ liên bang bị đóng cửa sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh kế Mỹ. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời. Hơn 1,3 triệu quân nhân, các nhân viên làm các nhiệm vụ thiết yếu như bảo đảm an ninh quốc gia và an ninh công cộng sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. Chính phủ Mỹ đóng cửa cũng gây lãng phí rất nhiều tiền thuế của người dân. Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần. Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử Mỹ từng ghi nhận chính phủ đã phải đóng cửa nhiều lần. Gần đây nhất, vào năm 2013, chính phủ nước này đã buộc phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông B. Obama. Trước đó, trong hai năm 1995 - 1996, Chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày./.