Hội thảo về quan hệ Ấn - Việt trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi
Ngày 09-01, tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ, là nơi chuyên diễn ra các cuộc hội thảo, hội nghị ở thủ đô New Delhi, Nhóm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Delhi tổ chức hội thảo với chủ đề “Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi”.
Tham dự hội thảo có đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu uy tín và lãnh đạo của Ấn Độ, các học giả đến từ Việt Nam, các cựu quan chức ngoại giao cao cấp, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán và phóng viên nước sở tại.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đánh giá cao Nhóm nghiên cứu Đông Nam Á đã tổ chức cuộc hội thảo này và vào một thời điểm rất có ý nghĩa và đúng lúc khi Việt Nam và Ấn Độ đang kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 07-01-1972 - 07-01-2018) và đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang có những thay đổi địa chính trị cũng như địa kinh tế một cách sâu sắc.
Đại sứ bày tỏ hy vọng hội thảo sẽ góp phần đánh giá đúng những thay đổi nói trên và đặc biệt là những tác động của chúng đối với quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng, dù tình hình thế giới và khu vực là rất phức tạp và khó lường nhưng xu hướng chung, hay mong muốn và nỗ lực chung của thế giới và khu vực, vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ cùng quá trình toàn cầu hóa đang làm cho các nước cũng như các khu vực trên thế giới trở nên gần nhau hơn cả về mặt kinh tế và an ninh và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng không năm ngoài xu thế này, đã trở thành một thể thống nhất và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, khu vực này cũng đang đứng trước ngày càng nhiều thách thức phi truyền thống như khủng bố, cướp biển, an ninh mạng, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch xuyên quốc gia... mà những tổn hại của chúng đôi khi còn nặng nề hơn cả chiến tranh xung đột, khiến cho không một nước riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được mà cần phải có sự hợp tác nhanh chóng và hiệu quả của nhiều nước.
Trong khi đó, các mối đe dọa an ninh truyền thống vẫn không mất đi mà trái lại, còn tỏ ra nghiêm trọng hơn trong bối cảnh tương quan lực lượng giữa các nước, nhất là các nước lớn đang chuyển biến nhanh chóng, có thể dẫn tới sự thay đổi về trật tự thế giới, thay đổi về khu vực ảnh hưởng, thay đổi luật chơi chung, thậm chí thách thức luật quốc tế.
Thêm vào đó, các mối đe dọa hạt nhân, những tranh chấp về lãnh thổ và tài nguyên vẫn là những nguồn gốc gây căng thẳng trong khu vực.
Khu vực Biển Đông ngày càng trở thành điểm nóng, không những đe dọa an ninh, toàn vẹn lãnh thổ các nước trong khu vực mà còn làm cho cạnh tranh giữa các nước lớn tại khu vực này ngày càng gay gắt, đe dọa an ninh hàng hải và hàng không ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh trong bối cảnh ấy, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng trở nên quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển của hai nước, cũng như hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tầm quan trọng đó trước hết xuất phát từ thực tế là tiềm lực kinh tế và vị thế của cả Việt Nam và Ấn Độ đã được nâng cao đáng kể trong những năm qua nhờ tăng trưởng kinh tế liên tục và chính sách đối ngoại chủ động tích cực của cả hai nước.
Ấn Độ có vai trò quan trọng hàng đầu ở Ấn Độ Dương trong khi Việt Nam giữ vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, hai nước cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức giống nhau. Việt Nam và Ấn Độ đều nằm trong khu vực đang phát triển mạnh mẽ và hai bên cần tranh thủ cơ hội này bằng cách tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Hai nước cũng có những thách thức an ninh giống nhau, từ đó dẫn đến sự song trùng về lợi ích chiến lược. Hơn nữa, mối quan hệ giữa hai nước rất đặc biệt, Ấn Độ và Việt Nam là những người bạn chung thủy trong cả những thời điểm khó khăn nhất.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam năm 2016, hai bên đã xác định rõ mục tiêu là xây dựng một mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và nội dung hợp tác được cụ thể hóa trong Chương trình Hành động được ký kết giữa hai Bộ Ngoại giao vào tháng 7-2017 trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với nội dung bao quát là đưa mối quan hệ giữa hai nước phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhất là trong năm trụ cột là chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục.
Các học giả tham gia hội thảo đều cho rằng trong những năm qua, Việt Nam có một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và là một đối tác trong các diễn đàn tiểu khu vực, khu vực và đa phương.
Là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và quan hệ Đối tác chiến lược được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện là minh chứng rõ ràng cho thiện chí, lòng tin cậy và tầm quan trọng mà hai nước dành cho mối quan hệ này.
Mối quan hệ quốc phòng và an ninh song phương vững mạnh hiện nay cũng như mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực của hai nước đã được thừa nhận.
Từ mối quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007 được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016, hai nước đã xây dựng được những sự đồng vận cho hợp tác sâu sắc hơn, qua đó mang lại sự hợp tác nhiều mặt và đa lĩnh vực hơn, từ các vấn đề như quan hệ chính trị, quốc phòng - an ninh, thương mại, hợp tác năng lượng, khoa học - công nghệ, xây dựng năng lực, kết nối, sức khỏe, giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân tới hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Các học giả cho rằng, trong bối cảnh cấu trúc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi, Việt Nam đang nổi lên là một nhân tố quan trọng định hình chính trị “cuộc chơi lớn” trong khu vực này.
Cuộc hội thảo trên có bốn phiên thảo luận, trong đó có phiên thảo luận về chủ đề “Việt Nam trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ" và phiên thảo luận về “Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thay đổi”.
Cũng tại cuộc hội thảo, tác giả, GS. G. Jayachandra Reddy, cựu Giám đốc Ban nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và TBD thuộc Đại học Sri Venkateswara đã giới thiệu cuốn sách có tên “Tầm nhìn Hồ Chí Minh - Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam”.
Cuốn sách được in trang trọng, dày 272 trang với các bài viết của những học giả uy tín về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, tầm nhìn của Người về mối quan hệ giữa hai nước, về sự nghiệp cũng như công lao của Người trong công cuộc giành độc lập và xây dựng đất nước.
Cuốn sách được giới thiệu vào thời điểm sắp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ (tháng 02-1958)./.
Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương  (10/01/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/01/2018)
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc mở đầu thời đại mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc  (10/01/2018)
Quy hoạch, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh miền Trung  (10/01/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên