Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc mở đầu thời đại mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
TCCSĐT - Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc họp từ ngày 18 đến ngày 24-10-2017 tại Bắc Kinh với chủ đề “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không ngừng thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” đã đi vào lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc là Đại hội mở đầu thời đại mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Những điểm nhấn của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra Nghị quyết thông qua Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII do Tổng Bí thư Tập Cận Bình trình bày, trong đó tuyên bố “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã tiến vào thời đại mới” (1). “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi) được thông qua tại Đại hội đã khẳng định “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học, tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là kim chỉ nam hành động của Đảng” (2). Đại hội đã yêu cầu toàn Đảng “lấy tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tính tự giác và tính kiên định trong học tập, quán triệt tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới trong suốt quá trình xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thể hiện trong mọi mặt công tác xây dựng Đảng.
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gấp rút phấn đấu hoàn thành công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020, tạo cơ sở để tiến lên giai đoạn hoàn thành công cuộc hiện đại hóa đất nước, thực hiện “giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” vào khoảng giữa thế kỷ XXI.
Đại hội XIX đánh giá cao những thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tổng Bí thư Tập Cận Bình giữ vai trò hạt nhân đã giành được trong 5 năm qua kể từ sau Đại hội XVIII: Công cuộc cải cách mở cửa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa thu được thành tựu có ý nghĩa lịch sử, công tác xây dựng Đảng có bước tiến đột phá, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã tạo bước chuyển biến rõ rệt trong quá trình làm trong sạch Đảng, cải thiện quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân, có nhiều sáng tạo trong đổi mới lý luận và giải quyết các vấn đề thực tiễn. Từ đó, Đại hội đã đi tới kết luận: “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã tiến vào thời đại mới”.
Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi) được thông qua tại Đại hội ghi rõ: “Từ sau Đại hội XVIII, những người cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm đại diện chủ yếu, thuận theo sự phát triển của thời đại, kết hợp lý luận với thực tiễn, đã trả lời một cách có hệ thống những vấn đề quan trọng của thời đại: Thời đại mới kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc nào? Kiên trì và phát triển như thế nào chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc?; Đã sáng lập tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới ra sao? Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” là sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học, là thành quả mới nhất của Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, là kết tinh kinh nghiệm thực tiễn và trí tuệ tập thể của Đảng và nhân dân, là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, nhân dân toàn quốc phấn đấu thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, phải kiên trì lâu dài và không ngừng phát triển”.
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Khóa XIX. Ngày 25-10-2017, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành kỳ họp đầu tiên (có 204 ủy viên chính thức và 172 ủy viên dự khuyết tham dự) bầu các Ủy viên Bộ Chính trị, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, thông qua danh sách thành viên Ban Bí thư, quyết định thành viên Quân ủy Trung ương, phê chuẩn các chức vụ bí thư, phó bí thư và các ủy viên thường vụ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XIX.
Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới
Tư tưởng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới được thể hiện ở một số nội dung chính sau:
Trước hết, kiên định lập trường đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, với nhiệm vụ tổng thể là thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, trên cơ sở hoàn thành công cuộc xây dựng toàn diện xã hội khá giả (vào năm 2020), và đến khoảng giữa thế kỷ XXI (qua hai giai đoạn: từ năm 2021 đến năm 2035 và từ năm 2035 đến năm 2050), hoàn thành việc xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp”.
“Giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” do nhà cách mạng dân chủ Tôn Trung Sơn đề xướng từ đầu thế kỷ XX. Các thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Mao Trạch Đông trở về sau đều kế thừa lý tưởng đó, nhưng chưa ai giương cao ngọn cờ này một cách mạnh mẽ như nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi “tiếp tục đưa sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc tiến lên, tiếp tục ra sức phấn đấu nhằm thực hiện giấc mộng Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” (3). Mục tiêu phấn đấu “thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề cập rất nhiều trong mấy năm qua, và nay đã trở thành chủ đề của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Về mục tiêu phấn đấu hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, trước đây Trung Quốc chủ trương đến khoảng giữa thế kỷ XXI sẽ trở thành một nước phát triển ở trình độ trung bình, nay nâng yêu cầu lên là trở thành cường quốc “hàng đầu thế giới”. Không những thế, lộ trình hiện đại hóa cũng đã được điều chỉnh theo hướng quyết liệt hơn. Theo đó, đến năm 2035, Trung Quốc sẽ cơ bản hoàn thành công cuộc hiện đại hóa (đến khoảng giữa thế kỷ XXI sẽ hoàn thành đầy đủ). Như vậy, trên lộ trình hiện đại hóa đất nước, Trung Quốc đã điều chỉnh mục tiêu quy định, theo hướng rút ngắn 15 năm, nhằm đáp ứng tình hình phát triển ngày càng nhanh chóng ở trong nước và trên thế giới.
Thứ hai, xác định rõ mâu thuẫn xã hội chủ yếu của Trung Quốc trong thời đại mới là mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng tăng về đời sống tốt đẹp của nhân dân với sự phát triển không cân đối, không đầy đủ. Từ đó, yêu cầu phải quán triệt tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, làm cho toàn thể nhân dân cùng giàu có. Dưới thời lãnh tụ Mao Trạch Đông, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc được nhìn nhận là mâu thuẫn giữa con đường phát triển xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, từ đó đường lối của Đảng được xác định là “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”. Sau khi chuyển sang giai đoạn cải cách, mở cửa, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tăng của nhân dân với thực trạng kinh tế, văn hóa lạc hậu của đất nước, từ đó đường lối của Đảng được xác định là “một trung tâm, hai điểm cơ bản” (một trung tâm là lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, hai điểm cơ bản là cải cách, mở cửa và giữ vững bốn nguyên tắc cơ bản về chính trị). Qua 40 năm cải cách, mở cửa và phát triển, xã hội Trung Quốc đã thay đổi sâu sắc. Nhu cầu của người dân Trung Quốc ngày nay không còn hạn chế ở “ăn no, mặc ấm” mà còn nâng lên một cuộc sống vật chất sung túc, được hưởng thụ một đời sống văn hóa phong phú và những lợi ích chính trị công bằng hơn. Để giải quyết những mâu thuẫn chủ yếu, thúc đẩy xã hội phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết có sự điều chỉnh thích ứng trong đường lối cải cách, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái.
Thứ ba, xác định rõ bố cục tổng thể của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là “ngũ vị nhất thể”, có nghĩa là kết hợp phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái trong một quy hoạch tổng thể. Chiến lược được triển khai để thực hiện là tiến hành một cách toàn diện bốn lĩnh vực: xây dựng toàn diện xã hội khá giả; triển khai toàn diện cải cách theo chiều sâu; thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật; thực hiện toàn diện quản lý Đảng nghiêm ngặt (gọi tắt là bố cục chiến lược “bốn toàn diện”).
Thứ tư, xác định rõ mục tiêu triển khai toàn diện cải cách theo chiều sâu là hoàn thiện và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý nhà nước.
Thứ năm, xác định rõ mục tiêu chung của việc thúc đẩy quản lý đất nước theo pháp luật là xây dựng hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ trương quán triệt sự lãnh đạo của Đảng trong mọi mặt và suốt quá trình quản lý đất nước bằng pháp luật, theo đường lối pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thống nhất hữu cơ quản lý đất nước bằng pháp luật với quản lý Đảng bằng kỷ luật.
Thứ sáu, xác định rõ mục tiêu xây dựng quân đội hùng mạnh (cường quân) là xây dựng một quân đội nhân dân có tác phong tốt, luôn tuân theo sự chỉ huy của Đảng, có năng lực đánh thắng trận, xây dựng quân đội nhân dân thành quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới.
Thứ bảy, xác định rõ chủ trương của “ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” là thúc đẩy việc xây dựng “quan hệ quốc tế kiểu mới”, thúc đẩy xây dựng “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”.
Thứ tám, xác định rõ đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; ưu thế lớn nhất của chế độ xã hội đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng là lực lượng lãnh đạo chính trị tối cao. Tư tưởng Tập Cận Bình xác định yêu cầu chung của công tác xây dựng Đảng trong thời đại mới, nhấn mạnh vai trò quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng chính trị trong công tác xây dựng Đảng.
Tư tưởng Tập Cận Bình được quán triệt trong các chủ trương, chính sách được quy định trong Nghị quyết của Đại hội
Về kinh tế, mục tiêu phát triển của Trung Quốc trong những năm tới là chuyển từ một nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao sang nền kinh tế phát triển chất lượng cao, xây dựng một hệ thống kinh tế hiện đại hóa. Để thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, chương trình cải cách sẽ tập trung vào tối ưu hóa kết cấu kinh tế, chuyển đổi động lực tăng trưởng kinh tế. Các chủ trương giải pháp lớn là đi sâu cải cách quan hệ cung cầu; chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước; ưu tiên giải quyết vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân); thực hiện chiến lược phát triển hài hòa giữa các khu vực; đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, trọng điểm là đẩy mạnh chiến lược “Vành đai, Con đường”. Phương châm phát triển kinh tế là giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội, thực hiện sự phát triển với chất lượng cao hơn, có hiệu quả hơn, công bằng hơn và bền vững hơn.
Về chính trị, chủ trương tập trung phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, kiện toàn hệ thống chế độ bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa với nền chuyên chính dân chủ nhân dân lấy liên minh công nông làm nền tảng, do giai cấp công nhân lãnh đạo, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trung Quốc sẽ không ngừng phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, tích cực thúc đẩy cải cách thể chế chính trị. Các giải pháp lớn, cũng đồng thời là các nguyên tắc cải cách là: thống nhất hữu cơ sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân, quản lý đất nước bằng pháp luật; tăng cường các chế độ bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; phát huy vai trò quan trọng của dân chủ hiệp thương xã hội chủ nghĩa; đưa thực tiễn quản lý đất nước bằng pháp luật vào chiều sâu, thúc đẩy lập pháp khoa học, chấp pháp nghiêm minh, tư pháp công bằng, toàn dân tôn trọng pháp luật; đưa cải cách bộ máy và thể chế hành chính vào chiều sâu; củng cố và phát triển mặt trận thống nhất yêu nước.
Về văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh “tự tin về văn hóa”; chủ trương thúc đẩy văn hóa xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hưng thịnh. Với quan điểm “văn hóa là linh hồn của mỗi quốc gia, của mỗi dân tộc; văn hóa hưng thịnh thì vận nước hưng thịnh, văn hóa mạnh thì dân tộc mạnh; không có tự tin cao độ về văn hóa, không có phồn vinh, hưng thịnh về văn hóa thì sẽ không có sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, cần “kiên trì đường lối phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, kích thích sức sống sáng tạo văn hóa của toàn dân tộc, xây dựng cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa”.
Về dân sinh, xã hội, nâng cao mức độ bảo đảm và cải thiện dân sinh, tăng cường và sáng tạo về quản lý xã hội: ưu tiên sự nghiệp giáo dục; nâng cao chất lượng việc làm và mức thu nhập của nhân dân; tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội; xây dựng một mô hình quản lý xã hội cùng tham gia quản lý, cùng được hưởng thụ lợi ích từ quản lý; bảo vệ có hiệu quả an ninh quốc gia.
Về văn minh sinh thái, đẩy nhanh cải cách thể chế bảo vệ môi trường sinh thái, với quan điểm “con người và tự nhiên là một cộng đồng cùng chung vận mệnh”, tiến tới xây dựng “Trung Quốc tươi đẹp”. Các giải pháp lớn chủ yếu là: thúc đẩy phát triển xanh, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường; tăng cường bảo hộ hệ thống sinh thái.
Về vấn đề xây dựng quân đội, phương hướng được đề ra là “kiên trì đi theo con đường xây dựng quân đội hùng mạnh đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy toàn diện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội”. Trong mấy thập niên qua, Trung Quốc đã tập trung xây dựng quân đội lớn mạnh. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ: “Công cuộc xây dựng quốc phòng và quân đội ngày nay “đang ở một khởi điểm lịch sử mới”. Căn cứ vào yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới về an ninh quốc phòng, Trung Quốc thực hiện cải cách và phát triển lực lượng vũ trang với quy mô và tốc độ chưa từng có, với mục tiêu xây dựng một đội quân hiện đại, hùng mạnh, gồm lục quân, hải quân, không quân, quân đội tên lửa và bộ đội chi viện chiến lược, hình thành bộ máy chỉ huy liên hợp tác chiến theo chiến khu đạt hiệu quả cao, xây dựng hệ thống tác chiến hiện đại đặc sắc Trung Quốc. Lộ trình được quy định là đến năm 2020, cơ bản thực hiện cơ giới hóa, phát triển thông tin hóa có chuyển biến quan trọng. Cùng với quá trình hiện đại hóa đất nước, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh toàn diện hiện đại hóa lý luận quân sự, hiện đại hóa trang bị vũ khí, tranh thủ đến năm 2035 cơ bản hoàn thành hiện đại hóa quốc phòng và quân đội; tranh thủ đến khoảng giữa thế kỷ XXI quân đội Trung Quốc thực sự trở thành một quân đội hàng đầu thế giới. Đại hội XIX cũng đã nói rõ: đã là quân đội thì phải chuẩn bị đánh trận, mọi mặt công tác đều phải đạt tiêu chuẩn về sức chiến đấu, hướng tới mục tiêu “có thể đánh trận, đánh thắng trận”.
Công tác xây dựng Đảng là nội dung quan trọng hàng đầu của Đại hội XIX. Mặc dầu đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua “công tác quản lý Đảng toàn diện thu được kết quả nổi bật”, nhưng Đại hội XIX cũng đã nhìn nhận sự thật là “những vấn đề bức xúc tồn tại trong Đảng, như tư tưởng phức tạp, tổ chức phức tạp, tác phong phức tạp,… vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản… Cần nhận thức sâu sắc tính chất lâu dài, tính chất phức tạp của những thách thức mà Đảng đang phải đối mặt là thách thức về cầm quyền, về cải cách mở cửa, về kinh tế thị trường, về môi trường bên ngoài; nhận thức sâu sắc tính chất gay gắt, cam go của những nguy cơ mà Đảng đang phải đối mặt là nguy cơ tinh thần buông xuôi, nguy cơ năng lực yếu kém, nguy cơ xa rời quần chúng, nguy cơ tham nhũng tiêu cực…”. Từ thực trạng đó, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong thời đại mới là kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Đảng phải quản lý Đảng, quản lý Đảng phải nghiêm ngặt toàn diện, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, tác phong, kỷ luật…, đưa đấu tranh chống tham nhũng vào chiều sâu, không ngừng nâng cao chất lượng của công tác xây dựng Đảng, để Đảng trở thành một chính đảng cầm quyền Mác-xít đầy sức sống, luôn đứng trên tuyến đầu của thời đại, được nhân dân hết lòng ủng hộ, dũng cảm trong cách mạng tự thân, vượt qua được mọi thử thách.
Để đạt được mục tiêu của công tác xây dựng Đảng trong thời đại mới, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra một số chủ trương giải pháp lớn, như đặt công tác xây dựng Đảng về chính trị lên vị trí hàng đầu; lấy tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới vũ trang cho toàn Đảng; xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hóa chất lượng cao; tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở; giành thắng lợi áp đảo trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kiện toàn hệ thống giám sát của Đảng và nhà nước; tăng cường toàn diện bản lĩnh cầm quyền của Đảng./.
-------------------------------------------------------------------------
(1) Nghị quyết của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc về Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII, http://finance.jrj.com.cn/2017/10/24154123277531.shtml
(2) Nghị quyết của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc về “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi), http://news.xinhuanet.com/policitics/19cpc/2017-10/24/c_1121850042.htm
(3) Bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại buổi bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XII, http://news.cntv.cn/special/xijinpingjianghua/index.shtml
Quy hoạch, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh miền Trung  (10/01/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tín dụng ngân hàng cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  (10/01/2018)
Trịnh Xuân Thanh phủ nhận tham ô, Đinh La Thăng thừa nhận có sai sót  (09/01/2018)
Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ với địa phương  (09/01/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên