Bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo hướng bền vững
TCCSĐT - Ngày 08-12, Hội đồng Nhân dân nhiều tỉnh trong cả nước đã bế mạc kỳ họp thường lệ cuối năm 2017, thông qua nhiều tờ trình, nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong năm 2018 và giai đoạn tiếp theo.
* Lai Châu thi đua thực hiện nhiệm vụ năm 2018
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã biểu quyết thông qua 18 nghị quyết, trong đó có 8 nghị quyết chuyên đề, nổi bật quan trọng như: Nghị quyết quy định mức chi, mức hỗ trợ thực hiện các nội dung dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết bổ sung Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND, ngày 28-7-2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 - 2021; Nghị quyết chấp thuận danh mục các dự án phải thu hồi đất, mức bồi thường, giải phóng mặt bằng và thông qua danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chuyển sang mục đích khác năm 2018...
Phát biểu bế mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu Vũ Văn Hoàn đề nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng Nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân đồng thuận tích cực thực hiện bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống.
Hội đồng Nhân dân tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh năm 2018.
* Đắk Lắk thực hiện hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa IX đã biểu quyết thông qua một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2018 như: tăng trưởng kinh tế từ 7,8% - 8% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5% - 3% so với năm 2017…
Theo đó, Đắk Lắk đưa ra các giải pháp nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đắk Lắk cũng tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện cũng như giải ngân các dự án đầu tư công, kêu gọi, thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách để từng bước xây dựng các công trình trọng điểm có tác dụng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn…
Năm 2017, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh Đắk Lắk đạt gần 100% kế hoạch, tăng trưởng kinh tế đạt 7,52%, thu nhập bình quân đầu người 38,46 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,5% - 3% so với năm 2016...
* Bình Thuận đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2018 là 7,5%
Kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa X, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua nhiều tờ trình, nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2018 và giai đoạn tiếp theo như: Quy định mức giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh; Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Quy định chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế trên địa bàn tỉnh…
Tỉnh Bình Thuận đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2018 là 7,5%. Theo đó, Bình Thuận chuẩn bị điều kiện về cơ chế chính sách, lựa chọn sản phẩm, định hướng khu vực để tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; hoàn thành quy hoạch phát triển điện mặt trời giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển các lĩnh vực thế mạnh như: du lịch, dịch vụ, thủy sản...
Trong năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 7,08%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an tỉnh đã trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh về các vấn đề: Quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi chim yến tại Bình Thuận; trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản; hiệu quả của dự án thoát nước trên địa bàn, hoạt động khai thác khoáng sản; hiệu quả của dự án thoát nước ở thành phố Phan Thiết; thực trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn biến phức tạp hiện nay… Các câu hỏi của đại biểu đặt ra chất vấn lãnh đạo các sở, ngành đều xuất phát từ bức xúc, kiến nghị của nhiều cử tri, phản ánh khá đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nội dung chất vấn có trọng tâm, trọng điểm. Lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn cũng đã thể hiện được vai trò, tinh thần trách nhiệm, cơ bản làm rõ những vấn đề mà các đại biểu đặt ra.
* Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững
Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 theo hướng bền vững.
Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp; tạo chuyển biến rõ nét trong trong việc thực hiện các khâu đột phá về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất một số chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9% - 10%, GRDP bình quân đầu người đạt 37 - 38 triệu đồng, thu ngân sách đạt 2.300 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.600 tỷ đồng...
Để đạt được chỉ tiêu trên, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn gắn với liên kết, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù.
Tỉnh Ninh Thuận cũng chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ; phát triển kinh tế biển gắn với bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng biển; hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; xây dựng phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Ninh Thuận cũng chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Kỳ họp cũng đã thảo luận, biểu quyết thông qua 27 nghị quyết trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó có 3 nghị quyết về phí, lệ phí; 24 nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách...
Năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Ninh Thuận tiếp tục duy trì ổn định, dự kiến tỉnh đạt 12/15 chỉ tiêu đề ra.
* Tiền Giang cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp
Kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa IX đề ra mục tiêu năm 2018 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 9% - 9,5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 31.500 - 32.000 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho 20.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%...
Để đạt mục tiêu, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang khóa IX thống nhất các giải pháp như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, góp phần tăng thu ngân sách và huy động các nguồn lực phát triển xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án tái cấu trúc ngành công nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các ngành kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý nguồn tài nguyên…
Năm 2017, ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn Tiền Giang (GRDP) tăng 8,4% so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,37%; ra mắt thêm 12 xã nông thôn mới; tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 77%.../.
Quảng Ngãi bầu bổ sung Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh  (08/12/2017)
Cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 Đoàn công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ  (08/12/2017)
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với đổi mới phong cách lãnh đạo và đề cao trách nhiệm người đứng đầu hiện nay  (08/12/2017)
Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga  (08/12/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay