TCCSĐT - Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã diễn ra sáng 08-12, tại Trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát với tình hình thực tế của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm đã đạt được những kết quả quan trọng. Số người nhiễm HIV mới giảm; ghi nhận 9 năm liên tiếp giảm số người nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong do AIDS. 9 tháng đầu năm, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 6.883 trường hợp nhiễm HIV; 3.484 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.260 trường hợp tử vong. Ước cả năm 2017 phát hiện mới khoảng 9.800 người nhiễm và khoảng 1.800 người nhiễm HIV tử vong.

Số đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện, bắt giữ tăng, giảm các điểm, tụ điểm phức tạp, từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số “điểm nóng”. Các lực lượng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 22.346 vụ, 34.494 đối tượng về ma túy (tăng 3.0311 vụ và 3.493 đối tượng so với năm 2016); thu giữ 906,7 kg heroin (tăng 49%), 856,9 kg và 979.487 viên ma túy tổng hợp (tăng 129%), 376,4 kg cần sa khô, 111 kg cần sa tươi, 108 ky Cỏ Mỹ, 17,6 kg ketamine cùng nhiều vật chứng, tài sản có liên quan. Tình trạng trồng cây có chất ma túy tiếp tục được kiềm chế.

Công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, đạt được sự đồng thuận xã hội, ổn định trong các cơ sở cai nghiện; năm 2017, không xảy ra vụ bỏ trại, phá trại nào. Tính đến ngày 15-11, 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.831 người so với năm 2016), 58 địa phương có người nghiện tăng. Tổng số người cai nghiện tại các cơ sở là 32.610 học viên. Cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, tổ chức cai nghiện cho 3.566 người, giảm 947 người so với cùng kỳ năm 2016. 60/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Chương trình/Kế hoạch/Đề án đổi mới công tác cai nghiện tại địa phương, trong đó có nội dung chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội sang cơ sở cai nghiện ma túy; lập, phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở cai nghiện trên phạm vi cả nước đến giai đoạn 2020, định hướng 2030 theo quan điểm, mục tiêu của Đề án đổi mới của Thủ tướng Chính phủ.

Các tụ điểm hoạt động mại dâm công cộng đã giảm về số lượng và mức độ công khai nhưng tình hình hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm soát, mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: gái gọi, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính; môi giới mại dâm thông qua internet ngày càng gia tăng, phổ biến... Hiện có 408 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm; 3.473 người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê xử phạt vi phạm hành chính. Đã có 36 địa phương xây dựng thí điểm, duy trì mô hình phòng, chống mại dâm. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, tránh HIV/AIDS, tư vấn pháp lý, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm... cho 5.032 lượt người bán dâm.

Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá công tác thanh, kiểm tra, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm còn một số hạn chế: các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy và một số văn bản quy phạm pháp luật khác còn nhiều bất cập. Nguồn kinh phí Trung ương cho Chương trình phòng, chống ma túy năm 2016 - 2017 chậm được bố trí. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên; còn thiếu những chương trình tuyên truyền có chiều sâu về kỹ năng phòng, tránh ma túy tổng hợp; vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai còn nhiều khó khăn. Một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhất quán về quan điểm, nhận thức trong đấu tranh phòng, chống mại dâm dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ chưa đồng bộ...

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã cho ý kiến về tình hình phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, điều trị Methadone, chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn; đề xuất các giải pháp để làm tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện, tình hình số người nhiễm HIV mới có chiều hướng giảm, nhưng không vì vậy mà lơ là. Trong việc thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc, theo Phó Thủ tướng, khó nhất là tiêu chí liên quan đến điều chỉnh thuốc kháng virus (ARV). Hiện, Việt Nam mới có khoảng 50% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, cần có giải pháp để sớm đạt được mục tiêu 90%. Trách nhiệm của các Bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cần bảo đảm đủ thuốc ARV; nguồn ngân sách Trung ương và địa phương cần bảo đảm kinh phí để cung ứng thuốc.

Liên quan đến vấn đề ma túy tổng hợp đang diễn biến rất phức tạp, Phó Thủ tướng nêu rõ: Nếu không có biện pháp quyết liệt sẽ rất khó để giải quyết. Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị cụ thể, vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các clip, chương trình phù hợp để cảnh báo toàn xã hội về tác hại của ma túy tổng hợp.

Phó Thủ tướng nêu rõ, lãnh đạo một số địa phương cần thay đổi tư tưởng “đưa vào cai nghiện bắt buộc để làm trong sạch địa bàn”. Việc đổi mới công tác cai nghiện theo hướng đưa về cộng đồng cần được tiếp tục quan tâm, thực hiện với phương châm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh nhưng vẫn giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tại một số địa phương có dấu hiệu “chững” trong sử dụng Methadone cần kiên trì thực hiện. “Địa phương nào không bảo đảm yêu cầu sử dụng Methadone sẽ phải chịu trách nhiệm” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động mại dâm này ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Hiện, cả nước còn 408 tụ điểm về mại dâm cần giải quyết triệt để, giảm số tụ điểm, không để phát sinh điểm mới. Bộ Công an đã xây dựng các Đề án phòng chống tệ nạn này. Từng tỉnh, thành phố cần có chương trình/đề án/kế hoạch cụ thể để giảm số tụ điểm này, mục tiêu là cuối năm 2018, giảm xuống chỉ còn 200 điểm. Đây là việc làm hết sức khó khăn, cần sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương.

Liên quan đến công tác xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương sơ kết việc thực hiện các luật, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và các thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã nhấn nút khai trương hệ thống quản lý điều trị Methadone tại địa chỉ: http://methadone.vaac.gov.vn.

Việc điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại Việt Nam và là một biện pháp rất hiệu quả, lâu dài. Chương trình đã nhân rộng ra 63 tỉnh, thành phố với hơn 300 cơ sở điều trị, 185 điểm cấp phát thuốc và ngày càng mở rộng hơn. Việc hình thành hệ thống quản lý điều trị Methadone nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ người bệnh điều trị Methadone, giúp họ dễ dàng kết nối, uống thuốc ở các cơ sở điều trị; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý trên các lĩnh vực này, ứng dựng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng trình duyệt internet là một giải pháp có tính đột phá, mang lại sự thay đổi vượt bật trong quản lý điều trị Methadone ở nước ta.

Theo đó, mỗi người bệnh sẽ được cấp một mã nhận diện (ID) duy nhất, một bệnh án điện tử để quản lý toàn bộ quá trình điều trị; có thể uống thuốc ở bất kỳ cơ sở điều trị nào; không cần mang theo hồ sơ, chủ động hẹn lịch, lựa chọn địa điểm để tránh chờ đợi không phát sinh thủ tục hành chính khi uống thuốc tại cơ sở điều trị khác. Hệ thống phần mềm sẽ gợi ý, thông báo địa điểm đăng ký uống thuốc gần nhất và có ít nhất một người uống thuốc. Với 13 module, 120 tính năng, hệ thống giúp cơ quan quản lý tiết kiệm thời gian, công sức quản lý, báo cáo thống kê; tăng cường hiệu quả truyền thông, tương tác với người dân. Cán bộ các cấp có thể xem, đánh giá các chỉ số chính cũng như các bảng, biểu đồ, kết quả điều trị, tình hình kho dược thông qua máy tính hoặc thiết bị di dộng có kết nối mạng (máy tính bảng, điện thoại di động thông minh...)./.