Việt Nam tham dự Hội nghị Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương
Tại Seoul, Hội nghị Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 10 (PACC-10) và Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 41 (PAMS-41) đã khai mạc ngày 18-9 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc với chủ đề “Thống nhất nỗ lực: Xây dựng đối tác quân sự - dân sự trong lực lượng lục quân, đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống”.
Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Phạm Hồng Hương, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu tham dự các sự kiện trên.
Phát biểu tại các lễ khai mạc và ý kiến của các học giả, chuyên gia quân sự tại các phiên toàn thể của hai Hội nghị PAMS-41 và PACC-10 đều nhấn mạnh rằng, hiện nay trên toàn cầu, đặc biệt là khu vực Thái Bình Dương, các mối đe dọa an ninh không còn đơn thuần là truyền thống hay phi truyền thống.
Ngoài ra, ranh giới phân loại các mối đe dọa an ninh quân sự - dân sự đã ngày càng trở nên không rõ ràng.
Các chuyên gia cho rằng, tình hình biến đổi khí hậu, công nghệ phát triển nhanh chóng, sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tình trạng đô thị hóa và di cư không thể kiểm soát đã gây ra những vấn đề về an ninh liên quốc gia như khủng bố, an ninh mạng, vấn đề người tị nạn, thảm họa thiên nhiên và những bệnh dịch hết sức nguy hiểm trên quy mô lớn.
Do đó, tất cả các thách thức khủng hoảng này đều đòi hỏi quân đội các nước nói chung và lực lượng Lục quân của quân đội các nước nói riêng phải nỗ lực tham gia giải quyết.
Một điều rõ ràng là một quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết những vấn đề nghiêm trọng như vậy. Các quốc gia đang gặp phải khủng hoảng hay cần trợ giúp đều kêu gọi sự hỗ trợ từ quân đội, trong đó lực lượng Lục quân là nòng cốt.
Theo các chuyên gia, để xây dựng một cơ chế hợp tác lục quân thật sự hiệu quả trong khu vực Thái Bình Dương, nhất là trên quy mô lớn là điều không dễ dàng.
Tuy nhiên, lục quân các nước đã có nhiều hợp tác thiết thực và tham gia giải quyết khủng hoảng xuất phát từ chính việc bồi đắp quan hệ và tích lũy kinh nghiệm khi làm việc chung, góp phần xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các nước láng giềng, qua đó trực tiếp làm giảm căng thẳng hoặc hạn chế các nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh…
Các chuyên gia và học giả cũng đã nêu ra nhiều giải pháp như tăng cường hợp tác đào tạo, huấn luyện, nâng cao năng lực quốc gia ứng phó với tình trạng khẩn cấp; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; xây dựng các cơ chế điều phối chung ứng phó với những tình huống khẩn cấp và tái thiết sau thảm họa; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng quân sự - dân sự…
Hội nghị PACC là diễn đàn để Tư lệnh Lục quân các nước trong khu vực trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm của lực lượng Lục quân, thiết lập và tăng cường quan hệ, thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.
Hội nghị PACC diễn ra hai năm một lần, năm nay có 2 phiên toàn thể với các chủ đề là “Lục quân Thái Bình Dương: Hợp tác đối phó với khủng hoảng” và “Hợp nhất sức mạnh mềm trong đối tác quân sự - dân sự”.
Trong khi đó, Hội thảo PAMS là sáng kiến của Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng Lục quân các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hội thảo PAMS-41 năm nay có 3 phiên toàn thể với các chủ đề là “Lục quân Thái Bình Dương: Hợp tác đối phó với khủng hoảng”, “Hợp tác đa phương trong các hoạt động phối hợp quân sự - dân sự” và “Quản lý và điều phối các hoạt động phối hợp quân sự - dân sự”.
Việc Bộ Quốc phòng Việt Nam cử đoàn đại biểu tham dự các sự kiện này tiếp tục khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng để thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Đây cũng là dịp thể hiện quan điểm của Việt Nam về các vấn đề an ninh và phát triển mà thế giới và khu vực cùng quan tâm, đồng thời đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc, bày tỏ sự ủng hộ nước chủ nhà Hàn Quốc cũng như nước đồng chủ trì Hoa Kỳ trong việc phối hợp, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương tại khu vực; đồng thời cũng là công tác chuẩn bị cho việc Việt Nam sẽ đồng chủ trì Hội thảo Quản lý lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42 (PAMS-42) vào năm 2018 tại Việt Nam.
Nhân dịp dự Hội nghị PACC-10 và Hội thảo PAMS-41, Trung tướng Phạm Hồng Hương đã có các cuộc gặp song phương với trưởng đoàn các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tại các cuộc gặp, Trung tướng Phạm Hồng Hương khẳng định quan hệ Việt Nam và các nước trong thời gian qua ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Hợp tác quốc phòng cũng được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực như trao đổi đoàn cấp cao, đào tạo, đối thoại chính sách quốc phòng, tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh mạng, tìm kiếm cứu nạn.
Phó Tổng tham mưu trưởng Phạm Hồng Hương bày tỏ tin tưởng rằng, thời gian tới, quan hệ giữa Việt Nam với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, phù hợp với mong muốn và lợi ích chung của nhân dân, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và phát triển của các nước cũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.
Lấy nông dân giỏi, có uy tín làm nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất  (19/09/2017)
Yên Bái đã sẵn sàng cho Tuần Văn hóa - Du lịch 2017  (19/09/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Tây Ban Nha  (19/09/2017)
Biên giới ổn định góp phần tăng cường quan hệ đặc biệt Việt - Lào  (19/09/2017)
Sát hạch cán bộ qua diễn tập  (19/09/2017)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên