TCCSĐT - Quy định mới về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; Cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện; cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực; là những thông tin chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quy định mới về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính;...

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100 triệu đồng.

Trong đó, Nghị định quy định rõ mức phạt đối với hành vi vi phạm làm cản trở sự vận hành và làm hư hại công trình phòng, chống thiên tai, trừ công trình khí tượng, thủy văn. Cụ thể, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai; đối với hành vi neo đậu không đúng nơi quy định của tàu thuyền và các phương tiện khác vào công trình phòng, chống thiên tai sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng; phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống thiên tai.

Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đồng đối với một trong các hành vi sau: Lấn chiếm bãi sông, lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục; khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục.

Đối với hành vi làm hư hại công trình phục vụ phòng, chống thiên tai phạt tiền từ 25-40 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện mà không thực hiện.

Đối với hành vi yêu cầu cấp cứu khẩn cấp nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận gây lãng phí cho cơ quan cứu hộ sẽ bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.

Về mức phạt đối với vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả thiên tai, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-11-2017 và thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão.

Cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 40/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện.

Theo đó, Cục Tần số vô tuyến điện được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-02-2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Cục Tần số vô tuyến điện được sử dụng nguồn thu phí được để lại để chi cho các hoạt động của Cục, trong đó có: Chi đầu tư; chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị; chi bổ sung thu nhập cho người lao động; chi các nhiệm vụ đặc thù theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Tần số vô tuyến điện.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15-11-2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017; thay thế Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg ngày 04-7-2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đặt hàng đào tạo một số ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù

Cần thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực.

Trước mắt, đồng ý chủ trương đặt hàng (ngân sách trung ương đảm bảo 100% kinh phí đào tạo) khoảng 300 chỉ tiêu như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 23-3-2017 và đặt hàng đào tạo các ngành văn hóa nghệ thuật.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát các ngành, chuyên ngành và chỉ tiêu đào tạo, các cơ sở đào tạo; xây dựng Đề án Đặt hàng đào tạo (hoặc giao nhiệm vụ đào tạo gắn với cấp kinh phí) các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về chính sách hỗ trợ, ưu đãi học sinh, sinh viên theo học các ngành văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật khi thực hiện tác phẩm tốt nghiệp; các ngành nghệ thuật truyền thống, đặc thù, khó tuyển sinh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Khẩn trương thẩm định hồ sơ thành lập Học viện Múa Việt Nam

Chỉ đạo triển khai thực hiện kết luận tại Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 23-3-2017, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thẩm định hồ sơ thành lập Học viện Múa Việt Nam với các điều kiện đặc thù về quỹ đất và đội ngũ giảng viên chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách, chế độ làm việc đặc thù, cần thiết đối với giảng viên, giáo viên các ngành văn hóa nghệ thuật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2017.

Về đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục đại học văn hóa nghệ thuật, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù đào tạo văn hóa nghệ thuật./.