Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xã Đức Trạch của tỉnh Quảng Bình
Ngày 25-8, nhân dịp công tác tại Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm mô hình nông thôn mới tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đây là một xã ven biển, với hơn 2/3 dân số trong độ tuổi lao động; nghề nghiệp chính là đánh bắt, chế biến thủy hải sản và xuất khẩu lao động.
Đức Trạch cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác bồi thường, đền bù cho bà con chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển do Công ty Hưng Nghiệp Formosa gây ra.
Theo báo cáo của chính quyền xã, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đức Trạch đã quyết tâm, đoàn kết vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, như thu ngân sách năm 2016 đạt hơn 8 tỷ đồng, bằng đạt 387% dự toán.
Riêng nửa đầu năm nay đạt gần 4,7 tỷ đồng, đạt gần 73% dự toán năm. Thu nhập bình quân đầu người là 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 42 hộ, chiếm 2,26%; xuất khẩu lao động 164 người. Toàn xã có 453 tàu thuyền với tổng công suất trên 155.300 CV, trong đó có 229 tàu trên 90CV.
Trong xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực của bà con nhân dân, xã đã huy động tổng hợp và lồng ghép có hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện chương trình với tổng kinh phí hơn 34,2 tỷ đồng (trong đó, ngân sách xã và nhân dân đóng góp hơn 19 tỷ đồng, chiếm 59%).
Năm 2016, mặc dù đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng xã tiếp tục hoàn thiện một số tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, trường học... để có tính bền vững hơn.
Sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Đức Trạch tương đối ổn định. Trước đó, khi xảy ra sự cố, bà con nhân dân trong xã hoang mang, lo ngại một số phần tử lôi kéo, kích động nhân dân có những hành động tiêu cực.
Để kịp thời động viên, giúp người dân vượt qua khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động bám sát địa bàn, nắm tình hình an ninh, tâm lý, tư tưởng của nhân dân để có biện pháp giải quyết tại chỗ, không để phát sinh các điểm nóng; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã được người dân đón nhận, tin tưởng, chia sẻ và nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất, tích cực chuyển đổi nghề nghiệp theo định hướng của Chính phủ như đóng mới tàu cá xa bờ để khai thác vùng biển xa, học các lớp kỹ thuật để chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn với lãi suất thấp để xuất khẩu lao động...
Đến thời điểm này, xã Đức Trạch đã tiếp nhận hỗ trợ và tổ chức chi trả hết toàn bộ trên 171,3 tỷ đồng cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Ngoài ra, có 182 lượt tàu thuyền của bà con đã được thẩm định làm thủ tục hỗ trợ với tổng số tiền gần 21 tỷ đồng.
Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản của huyện nên tình hình đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã phục hồi và có dấu hiệu tăng trở lại, có nhiều tàu cá, nhất là tàu có công suất lớn tham gia đánh bắt vùng biển xa.
Chính sự quan tâm của các cấp, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong nhân dân chính là tiền đề quan trọng để Đức Trạch tạo ra nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo nông thôn mới ở Đức Trạch từng bước hình thành, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của người dân; những ngôi nhà cao tầng kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, đời sống văn hóa của người dân được nâng cao.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những thành tích trong xây dựng nông thôn mới, công tác đền bù, khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển của Đức Trạch, nhất là việc ổn định an ninh trật tự, cải thiện sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng Quảng Bình nói chung, huyện Bố Trạch và xã Đức Trạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; an ninh trật tự còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp cần chú ý đề phòng, xử lý tốt các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ.
Thủ tướng gợi ý tỉnh, huyện và xã Đức Trạch nghiên cứu khảo sát, chuyển đổi nghề nghiệp theo những lĩnh vực tiềm năng của địa phương, nhất là du lịch. Cùng với đó là tăng cường phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá bởi Quảng Bình là ngư trường lớn, nơi diễn ra nhiều hoạt động nghề cá.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý chính quyền các cấp của tỉnh làm tốt hơn nữa công tác đền bù cho người dân sau sự cố môi trường biển miền Trung, theo đúng quy định của pháp luật và chủ trương của Chính phủ.
Thủ tướng ghi nhận kiến nghị của người dân địa phương và cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến việc xây dựng tuyến đường dọc ven biển, kết nối các địa phương có biển nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thủ tướng đề nghị, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân và cả hệ thống chính trị trong xã, nhất là tầng lớp cán bộ lão thành phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tiếp tục đoàn kết nhất trí, đi sâu, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy thế mạnh chế biến hải sản sao cho ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả kinh tế cao hơn; không ngừng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
Sau khi làm việc với lãnh đạo xã, Thủ tướng đã đến tìm hiểu tình hình sản xuất, đời sống và tặng quà một số hộ dân trên địa bàn xã, thăm hỏi về việc đánh bắt, chế biến thủy sản. Thủ tướng lưu ý bà con bảo đảm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thông xe cầu Nhật Lệ 2, một công trình trọng điểm, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình. Dự án có tổng chiều dài 2.298 m, với tổng vốn đầu tư hơn 936 tỷ đồng. Phần cầu có chiều dài 515m, gồm 4 làn xe cơ giới. Bề mặt cầu rộng 23,6m.
Đây là cây cầu thứ 2 tại Việt Nam, sau cầu Rạch Miễu, có kết cấu dây văng khẩu độ lớn. Toàn bộ công tác thiết kế, thi công, giám sát đều do chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam thực hiện.
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2017) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945 - 02-9-2017), nhân dịp công tác tại Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đích, sinh năm 1917, tại phường Đồng Phú; Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cúc, sinh năm 1923, tại phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới./.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam làm việc tại Nam Phi  (25/08/2017)
Di sản văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ  (25/08/2017)
Tổng Bí thư hội kiến với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi  (25/08/2017)
Thủ tướng ký phát hành Bộ tem đặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (25/08/2017)
Tích tụ và tập trung đất đai nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại  (25/08/2017)
APEC 2017: Cuộc họp cao cấp y tế-kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng  (24/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay