TCCSĐT - “Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” tại thành phố Cần Thơ, do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức đã chính thức khai mạc vào ngày 24-8-2017.

Phát biểu khai mạc sự kiện này, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh: Phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả không chỉ là giải pháp quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn mang lại các cơ hội và lợi ích kinh tế mới, giúp người nghèo tiếp cận các nguồn năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của các quốc gia. Những năm gần đây, nhiều quốc gia đã thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ từ năng lượng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo nhờ vào tiến bộ khoa học - công nghệ. Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới tăng trưởng xanh.

“Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” hướng đến mục tiêu chia sẻ, cập nhật những bước phát triển mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam và thế giới; tạo diễn đàn trao đổi giữa các bên liên quan về những lợi ích, các giải pháp và cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển năng lượng tái tạo; giới thiệu và quảng bá những nỗ lực và bài học thành công của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Nhiều ý kiến trong phiên họp khai mạc “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” tại thành phố Cần Thơ (diễn ra trong hai ngày 24 và 25-8) nhất trí cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nhiệt điện than có thể bảo đảm đủ nguồn cung cấp năng lượng nhưng đó là một nguồn năng lượng khiến Việt Nam có thể gặp phải các rủi ro nghiêm trọng về thị trường, an ninh năng lượng và môi trường. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, rác thải rắn, thủy triều,… rất cần thiết để tạo ra nguồn điện đa dạng, có thể quản lý tốt, bảo đảm nguồn cung cấp ổn định, an ninh năng lượng, giảm phát thải nhà kính, ít gây hại đối với môi trường. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió, năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, tỷ lệ sản xuất, cung ứng và tiêu thụ điện từ các nguồn năng lượng này hiện còn rất khiêm tốn.

Nguyên nhân chủ yếu, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng, Bộ Công thương, là do hiện nay ở Việt Nam vốn đầu tư ban đầu để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo còn khá lớn, chi phí sản xuất còn cao hơn các dạng năng lượng truyền thống; chưa có cơ chế hợp lý khuyến khích mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo; khó đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; thiếu kinh nghiệm phát triển, thiếu nguồn kỹ sư và công nhân lành nghề và thiếu quỹ đất cho các dự án năng lượng tái tạo;…

Đề cập đến những thách thức về năng lượng đòi hỏi phải chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý: Việt Nam đang có cường độ sử dụng năng lượng cao nhất khu vực Đông Nam Á, tạo nhiều nguy cơ tăng lượng phát thải khí nhà kính; xu hướng tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa - đô thị hóa làm gia tăng nhanh nhu cầu tiêu thụ điện so với các nước trong khu vực; chính sách đầu tư phát triển kinh tế quốc gia chưa quan tâm đúng mức đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tình trạng đặc quyền và ưu đãi trong sản xuất - mua bán điện; mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong ngành giao thông vận tải ngày càng tăng do tổ chức giao thông kém hiệu quả;… Trước những thách thức đó, chuyển hướng sang Tăng trưởng xanh, chú trọng sử dụng năng lượng hiệu quả và đầu tư phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là “con đường tắt” giúp Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững trong tương lai.

Trên cơ sở phân tích các kịch bản phát triển nguồn điện theo hướng bền vững ở Việt Nam từ nay đến năm 2050, TS. Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia về năng lượng, khẳng định: Với những nỗ lực cải thiện về giá, những năm gần đây, công nghệ năng lượng tái tạo đã vươn lên và đến những năm 2020-2025, điện mặt trời, điện gió sẽ cạnh tranh được với điện hóa thạch. Tuy nhiên, nếu tiếp cận theo cách truyền thống, khả năng đóng góp của điện mặt trời và điện gió vẫn tiếp tục khá nhỏ, dẫn tới cơ cấu nguồn điện lựa chọn trong tương lai sẽ tiếp tục thiên về điện than. Trong khi đó, năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích về môi trường, an ninh năng lượng,… Nếu xem xét thêm lợi ích về môi trường, xã hội thì phần lớn các loại hình năng lượng tái tạo hiện tại đã có thể cạnh tranh về giá với điện từ nguồn hóa thạch. Vì vậy, TS. Nguyễn Quốc Khánh đề nghị Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nên được cập nhật theo hướng giảm tỷ trọng điện than và thay bằng năng lượng tái tạo và điện khí để bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện trong tương lai.

Để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng theo hướng phát triển năng lượng tái tạo, nhiều đại biểu nhất trí khuyến nghị trong thời gian tới Việt Nam cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi để ưu tiên thực hiện các hành động sau:

- Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực hoạt động.

- Khẩn trương thực thi các chính sách khuyến khích cạnh tranh và sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế trong xã hội để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo; đồng thời thúc đẩy tăng các nguồn vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo.

- Dừng đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện than mới và nhà máy điện hạt nhân; đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ khi đã hết thời hạn khấu hao.

- Ưu tiên hỗ trợ các giải pháp năng lượng tái tạo độc lập, giúp các hộ gia đình ở các vùng chưa nối được với lưới điện quốc gia có thể tiếp cận với nguồn năng lượng sạch; qua đó tăng số chuyên gia trong nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong thời gian diễn ra “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” tại thành phố Cần Thơ còn có các hội thảo “Hiểu đúng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy dịch dịch năng lượng xanh ở Việt Nam”; “Các giải pháp năng lượng bền vững địa phương hướng tới hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam”; “Phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam”./.