TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật Hành chính công, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Trưởng Ban Soạn thảo cho biết dự án Luật Hành chính công đã được đại biểu đề xuất từ năm 2013, đến tháng 5-2015 lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII; chính thức được Quốc hội khóa XIV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 (tháng 6-2016); được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Soạn thảo với 27 thành viên (tháng 12-2016). Ngay sau khi được thành lập, Ban Soạn thảo đã nghiêm túc triển khai các hoạt động nhằm xây dựng hồ sơ trình dự án Luật.

Trưởng Ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh dự án Luật Hành chính công được xây dựng nhằm quán triệt và thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch; tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công, trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Dự thảo Luật có 7 chương, 54 điều quy định về hành chính công gồm nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh dự án Luật Hành chính công là dự án Luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính Nhà nước.

Trong thời gian ngắn, Ban Soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn, tiến hành nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận và trân trọng. Các ý kiến đều đánh giá rất cao tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội - Trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật.

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh do khối lượng công việc lớn, thời gian dành cho việc nghiên cứu, soạn thảo ngắn, đội ngũ giúp việc mỏng, trong soạn thảo xây dựng còn gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng hồ sơ dự án Luật không tránh khỏi những hạn chế nhất định.

Cụ thể, nội dung Tờ trình dự án Luật còn đơn giản; báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật liên quan đến nội dung chính của dự án Luật chưa xác định rõ được những bất cập, hạn chế cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành nên chưa có sự gắn kết logic với nội dung trong dự thảo Luật.

Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật chỉ mới mang tính định tính, chưa định lượng được cụ thể về nguồn lực bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều nội dung trong dự thảo Luật quy định còn chung chung, thiếu tính quy phạm nên không áp dụng trực tiếp được, thiếu tính khả thi; một số quy định không chính xác, thậm chí mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật...

Làm rõ khái niệm hành chính công

Theo Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, do hồ sơ dự án Luật chưa có ý kiến của Chính phủ nên Ủy ban Pháp luật chưa thể thẩm tra được. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao chất lượng dự án Luật, ngày 14-8-2017, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp góp ý kiến vào dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ những lý do về sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình chưa có tính thuyết phục. Tờ trình chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật thì sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính hiện nay. Do đó, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có Luật này; chưa lý giải thuyết phục được Luật này thể chế các quan điểm, chính sách nào của Đảng, quy định nào của Hiến pháp, nội luật hóa được các cam kết quốc tế nào như mục đích đặt ra trong Tờ trình. Vì vậy, cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành.

Nêu quan điểm về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dự án là Luật Hành chính công là các vấn đề liên quan trực tiếp đến nền hành chính của Nhà nước, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa có ý kiến chính thức.

"Việc Chính phủ chưa có ý kiến là chưa bảo đảm quy trình. Quan trọng hơn Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan có trách nhiệm và cũng là đối tượng điều chỉnh cao nhất chưa có ý kiến thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khó khăn trong thảo luận để đánh giá các quy định của dự thảo luật,” Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ các quy định trong dự thảo luật với các khái niệm mang tính học thuật. Hành chính công lâu nay được hiểu là khái niệm nêu trong các giáo trình về khoa học hành chính. Đây là nội dung rất rộng thậm chí một số nội dung còn đang tranh cãi giữa các nhà khoa học; do đó làm rõ nội hàm của hành chính công để đưa ra các quy định rất khó và rất phức tạp.

Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo cũng cần phân tích về tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật hiện hành, làm rõ đây là dự án Luật khung làm cơ sở ban hành các luật khác hay đây là luật cụ thể.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sự cần thiết để ban hành Luật cần bám sát vào nền hành chính quốc gia, những vấn đề nào của nền hành chính quốc gia đã được pháp luật quy định và nội dung nào chưa được quy định.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng các lý do về sự cần thiết ban hành luật còn rời rạc, chưa gắn kết với nhau và đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ khái niệm hành chính công bởi đây là khái niệm then chốt trong dự thảo Luật, là cơ sở xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

Các nội dung khác về quản lý dịch vụ công, cung ứng dịch vụ hành chính công; Chính phủ điện tử; kiểm soát hành chính công... được quy định trong dự thảo Luật cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, cho ý kiến cụ thể tại phiên họp.

** Sau 7 ngày ngày làm việc tích cực, khẩn trương, chiều 18-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã kết thúc chương trình làm việc Phiên họp thứ 13.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối với các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 đến nay cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cao; đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh các báo cáo và dự thảo luật để gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau đó tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội, nếu thấy cần thiết thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần cuối trước khi trình ra Quốc hội.

Đối với các dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, cơ bản đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, các cơ quan chủ trì thẩm tra đối với từng dự án luật tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh các tờ trình, các báo cáo và dự thảo luật để gửi cho các đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với 3 dự án luật đang còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, Ủy ban chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo, Dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới.

Đối với Dự thảo Luật Hành chính công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Chính phủ để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp tháng 9, nếu xét thấy đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý, sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoach phát triển gắn với giao thông đô thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã hứa và báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, góp phần tháo gỡ những vấn đề nảy sinh để đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.

Đối với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát, Dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đối với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT),” đề nghị đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo giám sát, Dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 5 nghị quyết, gồm: về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2016; điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2017; việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của thẩm phán tòa án nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Về Đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện Đề án, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.

Cùng với kết luận về Đề án tiếp nhận Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp kết quả, kết luận các nội dung cụ thể thành thông báo kết luận chung của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi tới các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung cho chương trình phiên họp thứ 14 của dự Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 18-9.

Trước đó, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 2 phường thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên./.