Giới thiệu cuốn sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 - 1975) - Từ thực tiễn nhìn lại”
TCCSĐT - Sáng 18-8, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam phối hợp với Ban Liên lạc Tù chính trị Côn Đảo tổ chức buổi giới thiệu sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 - 1975) - Từ thực tiễn nhìn lại” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2017.
Công trình biên soạn sách: “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 - 1975) - Từ thực tiễn nhìn lại” đến nay đã ra mắt bạn đọc được ba năm với bốn lần in ấn, phát hành. Ban Biên soạn sách đã chắt lọc những giá trị sử liệu chân thực, sống động, bổ ích với mong muốn làm tài liệu giáo dục truyền thống và làm tư liệu tham khảo để sử dụng cho việc bổ sung lịch sử các nhà tù, lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng ta sau này.
Là những người trong cuộc - những nhân chứng sống, là chiến đấu viên, trong đó có nhiều người giữ vai trò lãnh đạo, đã trải nghiệm lâu năm ở chiến trường Côn Đảo, tập thể tác giả, từ thực tiễn nhìn lại, đã tái hiện cuộc chiến tranh đầy ác liệt, hy sinh nhưng mang đậm chất anh hùng cách mạng của lực lượng tù chính trị câu lưu Côn Đảo từ năm 1957 đến năm 1975.
Nhận thức trách nhiệm với quá khứ, với đồng đội Côn Đảo, trên tinh thần khách quan, trung thực và nghiêm túc tuân thủ tính chính xác, khoa học, tính tư tưởng trong việc biên soạn sách, tập thể tác giả đã dày công tái hiện cuộc chiến đấu với muôn màu, muôn vẻ, đúng thực tế như đã diễn ra: Có thành - có bại; có đúng - có sai; có mảng sáng - mảng tối, không chủ quan một chiều tô hồng lịch sử vốn luôn đầy góc cạnh, chông gai.
Cuốn sách cũng coi trọng vấn đề đấu tranh nội bộ, dành phần thích đáng để lý giải, phê phán các quan điểm chủ quan, cục bộ, cực đoan của một số tù câu lưu mới ra đảo thời điểm địch ở Côn Đảo đã nới lỏng một số mặt, nên thấy thành công chống chào cờ quá dễ dàng, dẫn đến chủ quan, xuyên tạc sự thật lịch sử Côn Đảo, xúc phạm phẩm chất, danh dự các lớp tù chính trị đi trước ở Côn Đảo.
Cuốn sách còn chú trọng phản ánh rõ nét mối quan hệ giữa vai trò của quần chúng cách mạng với bộ phận lãnh đạo và các cá nhân tiêu biểu xuất sắc, giữ vai trò quan trọng nhất định trong cuộc chiến đấu.
Chủ đề cuốn sách là “tù chính trị câu lưu” nhưng không chỉ viết về tù chính trị câu lưu như một xã hội tù riêng biệt mà đặt trong tương quan địch - ta và trong mối “tương tác chính trị” giữa các sắc tù: Tù chính trị câu lưu; tù chính trị thành án và nữ tù chính trị; kể cả bộ phận nhỏ có cảm tình với cách mạng trong tù quân phạm và thường phạm, thể hiện tính toàn diện của cuộc chiến đấu trên chiến trường Côn Đảo, trải dài 18 năm, diễn ra trên nhiều địa bàn.
Chia sẻ về cuốn sách, PGS, TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, cho đến nay đã có hơn 30 cuốn sách viết về nhà tù Côn Đảo với hai thể loại chính là lịch sử và ký sự, do một số tác giả hoặc một số cơ quan khoa học tổ chức biên soạn. Nhưng điều đặc biệt là, cuốn “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 - 1975) - Từ thực tiễn nhìn lại” do một tập thể tác giả là những nhân vật trong cuộc, những hạt nhân tiêu biểu cho cuộc đấu tranh bảo vệ “khí tiết” trong nhà tù Côn Đảo cách đây hơn bốn mươi năm về trước.
Tù chính trị câu lưu là loại tù đặc biệt tại Côn Đảo. Đó là các tù nhân mà kẻ thù không thể kết tội, không có án tiết, chúng giam để khống chế lực lượng đối lập. Trên danh nghĩa, tù chính trị câu lưu bị giam giữ tối đa hai năm, nhưng trong thực tế có người bị giam cầm như án tù chung thân cho đến năm 1975 mới được giải phóng cùng đất nước và rất nhiều người đã chết, hy sinh trong quá trình chịu đựng cuộc đấu tranh chống ly khai, bảo vệ khí tiết của mình. Đấu tranh chống ly khai, bảo vệ Côn Đảo, chống lại chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” thâm độc của địch nhằm tiêu diệt sinh mạng chính trị và thể xác của người chiến sĩ cách mạng, nên người tù bị địch tra tấn, đánh đập dã man, bị thủ tiêu, bị bỏ đói hoặc bị bỏ mặc cho bệnh tật hành hạ cho đến chết. Tập thể tác giả viết cuốn sách này là không chỉ là nhân chứng mà còn là những nhân vật lịch sử của nhà tù Côn Đảo mà tên tuổi đã được ghi trong sử sách.
Nội dung cuốn sách thể hiện tiến trình lịch sử cuộc chiến đấu ở Côn Đảo theo một cách riêng - không theo lối truyền thống dựa vào phân kỳ lịch sử - mà chú trọng đi sâu vào các chuyên đề lớn, như: Xây dựng tổ chức Đảng trong nhà tù; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chủ yếu đấu tranh bảo vệ khí tiết; công tác chính trị - tư tưởng; công tác binh - chính vận, phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Từ đó, vừa tổng kết được những kinh nghiệm hay, những bài học bổ ích, vừa thể hiện được tính liên tục trong diễn tiến các sự kiện lịch sử từng giai đoạn, từng thời kỳ để cuối cùng rút ra được những nhân tố quyết định thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến đấu.
Chính vì vậy, TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương mong rằng, từ quyển sách này, từ các tư liệu quý giá này, các bạn đọc cùng nhau chắt lọc, “chưng cất” để rút ra điều gì đó về những bài học quý, về những giá trị văn hóa tư tưởng cốt lõi, cần cho hôm nay và mai sau, đối với cuộc sống và nhân cách của mỗi con người, đối với sự trường tồn và phát triển của Tổ quốc và dân tộc.
Nhân kỷ niệm 60 năm về loại hình tù nhân đặc biệt này, cuốn sách một lần nữa được Ban Biên soạn và Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tái bản lần thứ 3, có nhiều chỉnh sửa, bổ sung nhiều thông tin tư liệu quý, mới, với hơn 1.000 cuốn. Theo thông tin do Ban Liên lạc tù chính trị Côn Đảo cung cấp tại buổi giới thiệu sách lần này, trong thời gian tới, cuốn sách dự kiến sẽ được tái bản lần thứ tư với số lượng khoảng 800 bản./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp thăm Indonesia và Myanmar  (18/08/2017)
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp  (18/08/2017)
Thủ tướng Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sắp thăm chính thức Việt Nam  (18/08/2017)
Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại thành phố Cần Thơ  (18/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay