TCCSĐT - Ngày 17-8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc làm việc về công tác đào tạo ngành sư phạm; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án nhằm đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Nguyên nhân chính là sinh viên sư phạm ra trường khó tìm việc

 
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại buổi làm việc về công tác đào tạo ngành sư phạm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo viên là nhân tố quyết định trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. “Chúng ta đổi mới thi cử, xây dựng chương trình, sách giáo khoa đồng bộ nhưng nhân tố quyết định là con người, trong đó có giáo viên, công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Tuy nhiên, chất lượng của một bộ phận giáo viên không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Nguyên nhân là do tư tưởng “đã vào biên chế rồi là không ra nữa” của một số giáo viên và chất lượng đào tạo của hệ thống các trường sư phạm chưa theo kịp nhu cầu, cũng như xu hướng đào tạo đại học hiện nay. Việc kiểm định chất lượng các trường sư phạm chưa được thực hiện tốt.

Theo Phó Thủ tướng, tình trạng điểm tuyển sinh đầu vào của một số trường sư phạm thấp không phải tất cả là do chất lượng đào tạo kém. Vẫn có một số trường tốt cả về điều kiện, cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giảng viên, những người tâm huyết và rất giỏi. Nguyên nhân chính là sinh viên sư phạm ra trường khó tìm việc. Bởi thực tế nơi nào, ngành nào đào tạo ra có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định thì sẽ nhiều người đăng ký vào.

Trên quan điểm “bảo đảm ‘đầu ra’ là yếu tố quyết định”, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không thống kê chính xác nhu cầu ‘đầu ra’ thì hoạt động đào tạo sư phạm như hiện tại sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn. “Các đồng chí phải xem lại ngay chỉ tiêu các trường sư phạm. Nếu đào tạo sinh viên ra mà không xin được việc sẽ như thế nào? Không thể nói cái gì thiếu thì đào tạo còn thừa thì không quan tâm. Đây là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

“Ngành giáo dục cũng phải đánh giá thật sát nhu cầu giáo viên, từ tổng biên chế đến từng cấp, từng môn, từng nơi, nhằm khắc phục hiện tượng thừa, thiếu cục bộ, ‘thừa môn này, thiếu môn kia, thừa cấp này, thiếu cấp kia’. Không thể nói đào tạo tốt, dạy tốt mà thiếu giáo viên. Cũng không thể chuyển giáo viên văn sang dạy toán, giáo viên THPT dạy cấp THCS”, Phó Thủ tướng phân tích.

“Chúng ta công khai chỉ tiêu, biên chế, việc làm và ‘đặt hàng’ các trường sư phạm thì sẽ thu hút được người giỏi. Và dù số lượng đào tạo ít nhưng các trường sư phạm sẽ tính toán đầy đủ chi phí và tự đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu ‘đặt hàng’ từ ngành giáo dục. Trong năm nay các đồng chí dứt khoát phải trình được cơ chế, chính sách về ‘đặt hàng’ đào tạo sư phạm”, Phó Thủ tướng yêu cầu và nhắc Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu một số chương trình, quy định có tính đặc cách để đào tạo bổ sung, chuyển đổi sinh viên sư phạm sang những ngành nghề khác có nhu cầu lớn về nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ những bất cập trong đào tạo sư phạm thời gian qua và cam kết giải quyết căn cơ các vấn đề về đào tạo sư phạm.

Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương thực hiện đánh giá nhu cầu thực tế về giáo viên đến từng môn học, bám sát vào chương trình, từ đó xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc; thống kê số lượng giáo viên cần bồi dưỡng, đào tạo chuyển đổi ở từng địa phương.

Bộ trưởng cho biết, cùng với việc siết chỉ tiêu đào tạo mới, Bộ sẽ rà soát, quy hoạch lại và tập trung đầu tư cho một số trường sư phạm trọng điểm, còn các trường sư phạm địa phương là ‘vệ tinh’, chủ yếu thực hiện đào tạo lại giáo viên tại địa phương đó theo chương trình chuẩn thống nhất.

Đối với các sinh viên sư phạm khó tìm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc ngay với các hiệp hội, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề đang thiếu nhân lực như công nghệ thông tin, du lịch… để có phương thức đào tạo linh hoạt giúp em các có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Bổ sung Dự án Cao tốc Bắc Nam và Dự án Mở rộng Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm

Ngày 17-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án nhằm đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải hiện gồm 37 công trình, với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỷ đồng. Trong đó, đường bộ có 23 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 489.034 tỷ đồng, gồm 13 dự án đã hoàn thành và 10 dự án đang được triển khai.

Đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư 195.444 tỷ đồng. Cả 7 dự án này đều đang trong quá trình triển khai thực hiện, riêng tiểu Dự án Đường sắt Hạ Long-Cái Lân, tổng mức đầu tư 1.511 tỷ đồng thuộc Dự án Đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Hàng hải, đường thuỷ nội địa có 4 dự án, tổng mức đầu tư 49.422 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án Cảng Lạch Huyện (tổng mức đầu tư 1.515 tỷ đồng) đang được triển khai.

Ngành hàng không có 3 dự án trong danh mục công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 356.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành là Cảng Hàng không Phú Quốc và Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án (thiết kế kỹ thuật, thi công, tiến độ, chi phí…) để kịp thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các hạn chế, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, nhà thầu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai các công trình dự án, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành để kiểm soát giá thành công trình.

Đối với các kiến nghị về cân đối vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thực hiện trong kế hoạch đã giao. Việc bổ sung sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung Dự án Cao tốc Bắc Nam và Dự án Mở rộng Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Ngành Giao thông vận tải cũng được giao khẩn trương hoàn thiện phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam (phía đông), đặc biệt là phương án đầu tư các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, đáp ứng tiến độ yêu cầu như: Đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện; cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hòa Lạc-Hòa Bình; hầm đường bộ Đèo Cả và 17 dự án thành phần sử dụng vốn dư (lần 1) của dự án mở rộng QL 14; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường dẫn; đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị để khởi công 17 dự án thành phần sử dụng vốn dư (lần 2); đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng sớm triển khai Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng, chống thất thoát, lãng phí. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ưu tiên xác định suất đầu tư của 1 km đường cao tốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở áp dụng, vận dụng trong triển khai Dự án Đường cao tốc Bắc-Nam.

Giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định nguồn mỏ vật liệu xây dựng; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thay thế nhằm ổn định giá vật liệu cát xây dựng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xem xét, tổng hợp nhu cầu vốn trung hạn cho các dự án công trình giao thông; đặc biệt là nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án thuộc danh mục nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội; phối hợp với Bộ Tài chính để bố trí vốn đối ứng và triển khai kế hoạch vốn cho các dự án ODA.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong công tác giải ngân; công tác tạm ứng hợp đồng, bố trí vốn đối ứng, kế hoạch vốn vay cho các dự án ODA, tăng cường quản lý công tác kiểm soát vốn đầu tư theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp ổn định nguồn cung và ổn định giá vật liệu cát, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công các công trình xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình trọng điểm hiện đang triển khai./.